Ông Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm, tuyên bố tuyệt thực từ ngày 02/02 để tiếp sức bạn tù cùng phòng Trần Huỳnh Duy Thức nhằm đòi quyền lợi của tù nhân, cũng như phản đối việc bị đối xử hà khắc bởi cán bộ Trại giam số 6 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người chỉ còn hơn một năm nữa sẽ mãn án tù 16 năm, cũng đã tuyệt thực từ ngày 27/1 để phản đối căng-tin từ chối bán thức ăn cho ông, trong khi ông cùng ba bạn tù khác ở cùng Phân trại 1 không nhận thức ăn của trại giam từ tháng 9/2023.
Trong cuộc thăm gặp ngày 01/2, bà Trần Phương Thảo đã được chồng là luật gia Đặng Đình Bách chia sẻ kế hoạch của ông:
“Anh Bách tuyên bố là sẽ bắt đầu tuyệt thực từ ngày 02/2 bởi vì Trại giam số 6 đã không tuân thủ pháp luật, không đảm bảo quyền của tù nhân.”
Bà Thảo ngày 02/02 cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết, mặc dù cán bộ trại giam kiểm soát chặt chẽ cuộc trò chuyện giữa hai người, thế nhưng ông Bách vẫn chia sẻ được lý do vì sao ông lại làm như vậy. Bà thuật lại thông tin nghe từ chồng:
“Anh Thức đã nhịn ăn từ ngày 27/01 và hiện nay anh mệt lắm rồi, anh ấy yếu lắm và có những lúc anh ấy không thở được.
Anh Bách khuyên anh Thức dừng tuyệt thực từ hôm nay, anh Bách muốn tiếp sức để có thể thuyết phục được anh Thức dừng tuyệt thực và anh Bách sẽ tiếp sức để vẫn giúp đạt được mục đích.”
Bên cạnh lý do trên, ông Bách cũng muốn phản đối việc trại giam không bảo đảm quyền lợi trong việc gửi thư và gọi điện về nhà, cũng như căng-tin của trại giam không bán rau và hoa quả cho ông.
Ông Bách cho vợ biết trong tháng 12/2023, ông viết hai bức thư gửi về cho gia đình nhưng cho đến nay gia đình vẫn chưa nhận được.
Cuối tháng 1 vừa qua, ông đăng ký gọi điện về cho gia đình nhưng trại giam chỉ cho phép ông gọi về để trao đổi thông tin về sức khoẻ trong khi ông muốn nói những nội dung mà pháp luật không cấm. Do ông không đồng ý nên trại giam đã cắt quyền được gọi điện về nhà.
Bà Thảo cho biết từ tháng 9, ông Bách cùng ba bạn tù chính trị khác trong Phân trại 1 không nhận khẩu phần ăn từ trại giam.
Ông chỉ ăn thức ăn khô từ gia đình gửi vào, và muốn mua thêm rau và trái cây từ căng-tin của trại giam, tuy nhiên căng-tin luôn trả lời không có hàng để bán cho nhóm tù nhân chính trị này. Ông cho rằng đây là sự trù dập của cán bộ trại giam đối với bốn người tù bất khuất luôn phản đối sự đối xử vô nhân đạo của cơ sở giam giữ.
Trại giam còn không cung cấp nước sôi để ông Bách có thể chế biến đồ khô như bột đậu, bún miến khô… mà gia đình gửi vào, buộc ông phải dùng nước lạnh trong điều kiện mùa đông rét mướt ở khu vực miền núi của tỉnh Nghệ An.
Tuyên bố sẽ tuyệt thực đến cùng để đòi quyền lợi, ông Bách nói với vợ:
“Nhà nước Việt Nam trên tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền cần đảm bảo thực thi nghiêm túc hiến pháp và pháp luật nhằm bảo vệ quyền con người điều mà bấy lâu nay tạo ra những bức xúc và bất công trong toàn xã hội nói chung và những người đang bị giam giữ nói riêng.”
Phóng viên không thể liên lạc với Trại giam số 6 qua điện thoại để hỏi về tình hình của ông Bách và ông Thức cũng như kiểm chứng tố cáo của hai ông.
Như đã đưa tin, ông Bách và ông Thức báo với gia đình việc có một nhóm người cầm dao nhảy vào khu giam giữ tù chính trị của Phân trại 1 trong một đêm cuối tháng 8/2023 để đe doạ bốn tù nhân ở đây sau khi họ đòi nhà tù niêm yết công khai khẩu phần ăn của tù nhân.
Ông Bách tố cáo đã bị quản giáo đánh vào đầu, gây thương tích nghiêm trọng khi ông thông báo tin này cho gia đình. Tuy nhiên, trại giam luôn bác bỏ cáo buộc của ông.
Gần đây, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An có vào trại làm việc nhưng không gặp ông Bách để làm việc về đơn tố cáo của ông.
Ông Bách nhiều lần tuyệt thực dài ngày để phản đối việc bị đối xử bất công và vô nhân đạo ở Trại giam số 6. Lần gần đây nhất kéo dài một tháng và kết thúc giữa tháng 7/2023.
Không được cấp sổ hồng cho căn hộ trả góp và hệ luỵ
Ngoài việc bị kết án 5 năm tù giam, ông Bách còn bị buộc phải nộp số tiền 1,4 tỷ đồng trong vụ án “trốn thuế” cho các khoản tài trợ của các dự án xã hội thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), nơi ông Bách làm giám đốc.
Trong nhiều tháng qua, Cục Thi hành án dân sự của Hà Nội đã yêu cầu bà Thảo nộp số tiền phạt nói trên. Gần đây, cơ quan này đã yêu cầu chủ toà nhà nơi có căn hộ trả góp của vợ chồng ông Bách bà Thảo không giao sổ hồng cho bà để gây sức ép.
Bà Thảo cho biết gia đình bà không thể đăng ký hộ khẩu thường trú do không có sổ hồng, dẫn đến hậu quả là con trai gần ba tuổi không thể đăng ký học trường công ở khu vực, ngoài ra gia đình bà không thể ký hợp đồng mua nước sạch với giá ưu đãi cho cư dân chung cư mà bị buộc phải trả tiền với giá cao.
Hiện tại, bà nuôi con nhỏ và không có thu nhập gì trong khi phải thăm nuôi chồng ở trại giam.
Phóng viên gọi điện đến Cục thi hành án dân sự của thành phố Hà Nội để hỏi về trường hợp của ông Bách thì người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan để được làm việc trực tiếp.