“Tôi chưa thấy Úc đối xử như thế đối với bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Việt Nam.” – Đây là nhận định của một luật sư di trú ở Úc về một loạt các vụ du học sinh Việt Nam ở tiểu bang Nam Úc “mất tích” đột ngột trong hai tháng qua.
Úc tạm cấm du học sinh từ ba tỉnh miền Trung VN
Ngay sau sự việc bốn du học sinh Việt Nam đột ngột mất tích trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024 ở bang Nam Úc, Chính phủ bang này thông báo sẽ tạm thời đình chỉ việc tiếp nhận học sinh từ ba tỉnh miền Trung Việt Nam, bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Bình luận về động thái này của nhà chức trách nước Úc, ông Lê Đức Minh, luật sư di trú ở hiện đang ở Sydney, nói với RFA rằng:
“Về mặt pháp luật, với tư cách là một luật sư, tôi không chấp nhận là bởi vì đó là một sự phân biệt đối xử rất rõ ràng đối với các tỉnh đó, và tôi cũng chưa thấy họ đối xử như thế đối với bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Việt Nam.
Nhưng mà tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh hiện tại thì Bộ Di trú nước Úc họ không có biện pháp nào hơn là phải chấm dứt chương trình nhận hồ sơ tại các tỉnh này để cho những hoạt động bất hợp pháp nhằm đưa người qua Úc sai mục đích tại các tỉnh này phải được chấm dứt ngay lập tức.”
Theo tuyên bố của Bộ Giáo dục Nam Úc, là một biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo an toàn và phúc lợi của học sinh và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương.
Tuyên bố cũng cho biết Bộ sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan để theo dõi tình hình, đồng thời trợ giúp cho các học sinh bị ảnh hưởng. Việc đình chỉ sẽ được xem xét hàng tháng và dỡ bỏ ngay khi tình hình được cải thiện.
Du học sinh VN “biến mất” có tổ chức?
Bốn em học sinh này biến mất cùng với vật dụng cá nhân. Tài khoản mạng xã hội cũng bị khoá và gia đình của các học sinh tại Việt Nam có vẻ như không lo lắng vì sự mất tích này. Do đó, giới chức bang Nam Úc khẳng định các du học sinh này đang chạy trốn và “chủ động trốn tránh chính quyền.”
Ông Lê Đức Minh, luật sư di trú ở hiện đang ở Sysney, nói với RFA rằng rõ ràng đây là một vụ việc chủ động biến mất và có tổ chức:
“Hoàn cảnh mất tích của bốn em này hoàn toàn giống hệt như nhau. Điều đó chúng ta có thể thấy rằng đây là những hành động có tính chất có tổ chức và sự biến mất của các em là đã có kế hoạch trước, chứ không phải các em là nạn nhân của tội phạm như lúc đầu cảnh sát cũng đã nghi ngờ.”
Theo truyền thông nước Úc, có ít nhất 10 học sinh – sinh viên từ các tỉnh này đã mất tích ở Nam Úc trong hai tháng qua. Các du học sinh này đã đăng ký các khóa học khác nhau, từ tiếng Anh đến kỹ thuật, được gia đình hoặc bạn bè nhìn thấy hoặc liên lạc lần cuối vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.
Một du học sinh hiện đang theo học đại học ở tiểu bang Nam Úc, yêu cầu được giấu danh tính nói với RFA rằng thường thì du học sinh chỉ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp khi visa du học đã gần hết hạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, các em vừa đến Úc đã bỏ trốn ngay, nguyên nhân có thể là do các em không có đủ điều kiện để đóng tiền học phí và chủ đích ban đầu đến Úc không phải để học mà là để đi làm việc.
Theo luật, du học sinh được phép làm thêm 20 tiếng mỗi tuần. Lương tối thiểu khoảng hơn 20 đô la Úc/giờ. Tuy nhiên, đối với người làm việc bất hợp pháp thì lương thấp hơn nhiều, chỉ tầm 14-15 đô la Úc/giờ. Do đó, nhiều du học sinh chọn con đường nghỉ học hẳn, trốn ra ngoài làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống.
Hậu quả
Theo luật sư Đức Minh, tình trạng người nước ngoài đến Úc với danh nghĩa là du học sinh, sau đó bỏ trốn ra ngoài xin việc làm, ở lại quá hạn visa là điều khá phổ biến ở Úc. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc top đầu các quốc gia vi phạm luật di trú của nước này:
“Nhưng mà trong số tất cả những quốc gia vi phạm về luật di trú của Úc thì Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật. Việt Nam là một trong những quốc gia mà mình có thể nói thẳng là nằm trong sổ đen của bộ Di trú Úc để du học sinh và người đi du lịch đến nước Úc và cố tình vi phạm luật di trú của Úc.”
Điều này, theo luật sư Lê Đức Minh, là sẽ để lại nhiều hậu quả cho chính những người mang quốc tịch Việt Nam muốn đến Úc học tập và làm việc trong tương lai.
“Có thể nói là về mặt pháp luật các em chưa phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các hành vi của mình tại Úc. Tuy nhiên, các em phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi của mình. Và có thể là các em sẽ không còn cơ hội để tiếp tục ở lại Úc học tập nữa, cũng như các em khó có cơ hội để quay lại Úc trong tương lai.”
Luật sư Lê Đức Minh nhận định, chính những công ty tư vấn du học lừa đảo, tạo dựng hồ sơ giả để đưa người qua Úc với cái mác du học sinh mới là “thủ phạm” chính của tình trạng người Việt vi phạm luật Di trú ở Úc:
“Tất cả những em học sinh đó không phải là những đối tượng cần phải trừng trị. Đối tượng cần phải trừng Trị chính là những tổ chức gian lận, những công ty du lịch, những công ty di trú ma giáo, gian lận, lừa đảo.
Họ cố tình dựng những hồ sơ giả cho những em học sinh muốn qua Úc để đi làm kiếm tiền chứ không phải mục đích là để đi học để qua mặt Bộ Di trú, và hậu quả là các em đó tới Úc là bỏ trốn. Chính các công ty du lịch du học lừa đảo ở các tỉnh đó mới là nguyên nhân của tất cả mọi tai họa.”
Du học sinh giấu tên cho biết hiện nay, các vụ việc bỏ trốn chưa có ảnh hưởng cụ thể đối với các du học sinh Việt Nam hiện đang học ở Úc. Tuy nhiên, người này cũng bày tỏ lo ngại rằng có thể sẽ rất khó khăn để du học sinh Việt Nam nộp hồ sơ xin trở thành thường trú nhân sau khi hoàn thành chương trình học:
“Hiện tại thì Úc có đang siết việc cấp thường trú nhân lại, giờ lại xảy ra vụ việc này thì có lẽ sắp tới còn khó hơn nữa.”
Hồi tháng 5/2023, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước Assessment Level 1 (AL1). Điều này có nghĩa là du học sinh Việt Nam được miễn yêu cầu chứng minh tài chính và không bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh khi nộp hồ sơ xin visa du học Úc. Tuy nhiên, chỉ bốn tháng sau, Việt Nam bị hạ xuống nhóm AL 2. Du học sinh buộc phải chuẩn bị thêm hồ sơ tài chính và chứng chỉ tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu của trường hoặc cơ quan chức năng nước Úc.