Năng lượng là một trong những nền tảng của nền kinh tế. Chính sách và cơ chế hoạt động của ngành năng lượng có thể kìm hãm hoặc thúc đẩy nền kinh tế. Chúng ta có thể thấy điều này rõ rệt qua ảnh hưởng của ngành năng lượng tới ngành dệt may của Việt Nam, một ngành chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu và 25% tổng lao động trong ngành chế biến của nước này năm 2022.
Đối với ngành dệt may, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU là bốn thị trường lớn nhất. Những năm gần đây, Châu Âu và Hoa Kỳ bắt đầu xúc tiến các quy định để làm cho nhiều sản phẩm công nghiệp, trong đó có dệt may, xuất khẩu vào thị trường của họ, phải tuân thủ yêu cầu giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Châu Âu công bố “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” năm 2020 và thông qua luật vào tháng 10 năm 2023. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đang theo bước Châu Âu với nhiều dự luật tương tự đang được đặt lên bàn nghị sự.
Vấn đề “xanh hóa” không chỉ là yêu cầu đối với ngành dệt may. Đó cũng là yêu cầu chung của hầu hết các ngành sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, để Việt Nam có thể đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như chính phủ nước này cam kết.
Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) của Liên minh Châu Âu đã hướng dẫn các nước đang phát triển quy trình “xanh hóa” công nghiệp dệt may, ngành công nghiệp chiếm 10% phát thải carbon toàn cầu. Trong quy trình “xanh hóa” này, sử dụng “năng lượng xanh” được cho là một trong những giải pháp then chốt.
Giả sử Việt Nam muốn giảm thiểu phát thải carbon trong sản xuất dệt may nói riêng và các ngành sản xuất công nghiệp nói chung, tiếp tục giữ được những thị trường xuất khẩu chủ chốt, nước này phải làm gì và họ có làm được không?
Ngành năng lượng bị phân mảnh
Có nhiều nguồn “năng lượng xanh” như điện mặt trời, điện gió, điện ngoài khơi… Ở đây chúng ta sẽ bàn về điện mặt trời vì thời gian qua, vấn đề này có nhiều khúc mắc, phản ánh những lỗi hệ thống do cơ chế gây ra. Câu chuyện ngành điện ở Việt Nam không chỉ là một vấn đề “kỹ thuật”. Kỹ sư Nguyễn Khiêm, chuyên gia cao cấp về công nghệ và kinh doanh của một tập đoàn công nghệ tại Hoa Kỳ, cho rằng câu chuyện “xanh hóa” nền công nghiệp phản ánh những vấn nạn lớn nhất của thể chế ở Việt Nam.
“Vấn đề là chính sách năng lượng của Việt Nam bị phân mảnh, không có một chính sách phổ quát cho toàn đất nước. Ví dụ Việt Nam ở phía Nam 12 tháng có nắng nhưng không phát triển được ngành điện năng lượng mặt trời, dù doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Nếu Việt Nam có một chính sách rõ ràng và có tính chất khuyến khích, đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ phát triển được.
Năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm thiểu phát thải carbon phục vụ cho nhu cầu năng lượng trong sản xuất. Nếu Việt Nam có chính sách và cơ chế đúng đắn, Việt Nam sẽ làm được. Người dân sẵn sàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, nếu điều đó đem lại lợi ích kinh tế. Chỉ cần 10% hoặc 25% mái nhà ở Việt Nam được lắp đặt năng lượng mặt trời thì chỉ số phát thải carbon sẽ giảm rõ ràng. Tại sao Việt Nam không làm?”
Trong khi đó, Bộ Công thương lại quy định người dân lắp điện mặt trời sẽ không bán được cho EVN nếu sản xuất thừa. Điện dư thừa có thể được đấu nối vào mạng lưới điện nhưng giá bán số điện đó sẽ là 0 đồng. Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Khiêm nói:
“Việt Nam không tự sản xuất được tấm pin năng lượng mặt trời, phải nhập từ Trung Quốc. Nhưng nhập tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc không phải là vấn đề vì mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc hiện nay đã bị rớt giá rất mạnh. Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu nhập khẩu từ đó chứ không có hại. Cái hại lớn nhất chỉ là sau khoảng 30 đến 40 năm sử dụng, các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ cần được tái chế. Hiện nay người ta đã nghiên cứu công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng. Việc nghiên cứu công nghệ này không khó để thành công. Nhưng hiện Việt Nam không có động lực để nhập khẩu mặt hàng này do việc đầu tư vào năng lượng mặt trời bị xiết chặt.
Nếu Việt Nam muốn nhận tài trợ từ các nước phát triển khi tham gia vào chương trình giảm thiểu phát thải carbon thì một trong những hướng đi là mở rộng mạng lưới điện mặt trời. Nhưng chính sách năng lượng của Việt Nam bị phân mảnh nên không làm được.”
Điện mặt trời: đầu tư vượt quy hoạch nhưng không giúp ích cho mục tiêu giảm thải carbon
Trên thực tế hiện nay Việt Nam phát triển điện mặt trời vượt xa “quy hoạch.” Tuy vậy, vấn đề phát sinh lại là năng lượng điện mặt trời vượt xa quy hoạch nhưng không giúp nhiều cho mục tiêu giảm thải carbon trong quá trình sản xuất năng lượng. Vấn đề ở đây là: Bộ Công thương để cho ngành sản xuất điện mặt trời phát triển ồ ạt, nhưng không xây dựng cơ chế hợp lý để cho lượng điện này có thể đưa vào phục vụ nhu cầu.
Một chuyên gia trong ngành năng lượng ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, giải thích cho khán thính giả RFA về sự thất bại của cơ chế trong ngành năng lượng. Theo ông, cách quản trị ngành điện ở Việt Nam đã phá hỏng mọi loại “quy hoạch” ban đầu, dẫn tới ngành năng lượng bị bóp méo.
Theo Quy hoạch Điện 7 bản điều chỉnh công bố năm 2016, Việt Nam sẽ “đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW vào năm 2020,” và khoảng 4000 MW vào năm 2025.
Đến tháng 12 năm 2023, Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố kết quả thanh tra Bộ Công thương và EVN (Tổng Công ty điện lực Việt Nam, trực thuộc Bộ Công thương.) Theo kết luận thanh tra này, Bộ Công thương đã sai phạm khi phe phê duyệt 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, cao cấp 17,3 lần mục tiêu 850MW năm 2020 của Quy hoạch Điện 7. Thậm chí công suất 14.707 MW này còn vượt xa mục tiêu 4000 MW vào năm 2025 như nói ở trên. Giải thích về hiện tượng này, vị chuyên gia ẩn danh nói:
“Quy hoạch Điện 7 đã có từ 2016. Các địa phương đề nghị Bộ Công thương bổ sung tràn lan các dự án tại tỉnh mình. Bộ Công thương bổ sung tràn lan. Thủ tướng (RFA chú thích: Đó là giai đoạn ông Nguyễn Xuân Phúc) cũng ký duyệt những gì Bộ Công thương đưa lên. Thanh tra Chính phủ năm 2023 phê phán nhưng không nêu tên thủ tướng mà chỉ phê phán Bộ Công thương.”
Ngoài Bộ Công thương phê duyệt hầu hết các dự án mà các địa phương gửi lên, bất chấp quy hoạch quốc gia đã công bố, việc công ty EVN thuộc bộ này kiểm soát hoàn toàn ngành điện cũng gây ra những hậu quả lớn. Ngoài quyền lực gần như tuyệt đối của EVN với các chủ đầu tư tư nhân, “mê hồn trận” các thủ tục chồng chéo cho các cơ quan khác nhau trong hệ thống nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng đưa chủ đầu tư vào mê hồn trận. Phần lớn các chủ đầu tư vẫn đang nằm trong mê hồn trận này mà chưa ra được. Vị chuyên gia ẩn danh ở Hà Nội nói:
“EVN sai ở các quy định hợp đồng mua bán điện, thủ tục thử nghiệm, vận hành thử, để đưa vào vận hành thương mại. Trong quá trình đàm phán giữa EVN và các chủ đầu tư về các thủ tục trên thì họ nhập nhằng với nhau, tức là chưa đủ thủ tục pháp lý vẫn cho nhà đầu tư phát điện. Tuy nhiên EVN nắm đằng chuôi. Trong hợp đồng mua bán điện, họ cài một câu là có những thủ tục không thuộc thẩm quyền của nó thì nó không quyết. Nếu bị các cơ quan khác đình chỉ thì chủ đầu tư phải hoàn tiền bán điện.”
Vậy có bao nhiêu thủ tục mà doanh nghiệp buộc phải hoàn thành để được bán điện? Vị chuyên gia chỉ ra là chủ đầu tư phải hoàn thiện 40 chủ tục pháp lý để có thể được phát điện. Ông liệt kê một số thủ tục tiêu biểu, từ giai đoạn giải phóng mặt bằng cho đến thuê đất nhà nước 50 năm, lệnh khởi công công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Ông cho biết mỗi một thủ tục, giấy tờ do một cơ quan khác nhau phê duyệt. Ví dụ chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư do Sở kế hoạch đầu tư của tỉnh cấp, còn giấy chứng nhận đầu tư thì còn tùy vào quy mô dự án mà do Bộ Công thương, Sở kế hoạch đầu của tỉnh hoặc UBND tỉnh cấp. Ông nói tiếp:
“Tất cả những thủ tục này, nếu người quản lý dự án cho chủ đầu tư làm không tốt thì “lủng”, tức là làm thiếu thủ tục. EVN gài một câu trong hợp đồng mua bán điện là họ không quan tâm các thủ tục không do họ quản lý, do đó, họ vẫn mua điện nhưng nếu chủ đầu tư bị các cơ quan khác bị các cơ quan khác “thổi còi” thì chủ đầu tư phải hoàn tiền cho EVN. Hiện nay hầu hết các công ty điện mặt trời đều mắc một lỗi nào đó. Họ vẫn cố tình “đi đêm” với EVN để được bán điện. Họ cần bán điện để có dòng tiền vận hành. Khoảng 80% các chủ đầu tư bị rơi vào hoàn cảnh này.”
EVN không chỉ can thiệp vào việc đầu tư, mua bán điện, họ còn độc quyền nắm khâu phân phối điện. Vị trí độc quyền này cũng góp phần tạo ra môi trường không minh bạch trong ngành năng lượng Việt Nam. Vị chuyên gia ẩn danh phân tích cho RFA:
“Ngoài ra EVN còn kiểm soát các chủ đầu tư bằng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia. Họ cho rằng do hệ thống truyền tải không đủ năng lực để nhận hết công suất của tất cả các nhà máy, nên họ cấp phép sản lượng điện mà mỗi nhà máy có thể đưa lên hệ thống. Kết quả là chủ đầu tư nào muốn tăng lượng phát điện lên mạng lưới điện quốc gia thì phải “đi đêm” với EVN. Bức tranh là như thế. Đó là bức tranh đục nước béo cò.”
Theo ông Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), “thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá” sẽ là mục tiêu của ngành này xuyên suốt năm 2024. Ông Nguyễn Khiêm nhấn mạnh với RFA rằng vấn đề xanh hóa ngành năng lượng để tiếp tục giữ những thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản vượt ra ngoài khả năng của từng công ty, từng ngành sản xuất cụ thể mà cần một bàn tay mạnh để tái cấu trúc hệ thống.