Xóa các video về Trương Vĩnh Ký, VTV làm đúng hay sai?

Trong tuần đầu tháng 2 năm 2024, Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) đã xóa hai tập phim về Tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, thuộc loạt hoạt hình ‘Khát vọng non sông’, mà không có lời giải thích nào trên website của mình. Trương Vĩnh Ký là một học giả nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ thứ 19, người viết nhiều tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, dịch thuật…

Đừng đổ thừa “dư luận trên mạng”

Lên tiếng về việc này, ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/2/2024 khẳng định rằng:

Xóa bỏ video về ông là không hay, bởi vì không phải những người làm việc cho Tây là không yêu nước. Tức là ở đây có kiểu người ta muốn một là mày đứng bên tao, hai là mày đứng bên địch, cái đó không đúng. Có những người họ không theo bên nào cả, người ta lấy quyền lợi dân tộc làm trên hết. Họ có thể nương cái này, nương cái kia… miễn là đem lại lợi ích cho dân tộc là tốt rồi, mình phải hiểu như thế. Tôi chỉ nói nhân vật Trương Vĩnh Ký là một người có công với đất nước.”

Nguyên nhân VTV rút hai tập phim về ông Trương Vĩnh Ký được báo Nhà nước loan là do trên mạng xã hội có nhiều phản ứng, cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Thân nói:

“Không đúng, ổng làm sao là việt gian được. Thứ hai, ở trên mạng thì lắm chuyện kiểu như Nguyễn Đắc Xuân lên án ông Alexandre de Rhodes vì vấn đề chữ Quốc Ngữ. Trong khi ngay chính Nguyễn Đắc Xuân bây giờ cũng viết bằng chữ Quốc Ngữ. Chẳng lẽ vì vậy mà đi dẹp những gì liên quan đến ông Alexandre de Rhodes à, đâu có được. Bây giờ cuối cùng cũng không ai nghe họ, và người ta vẫn thờ ông Alexandre de Rhodes. Cho nên đừng đổ thừa cho dư luận trên mạng, dư luận trên mạng là ai, bao nhiêu người nói như vậy. Không được dùng chữ ‘dư luận trên mạng’, chẳng lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam lãnh đạo đất nước này theo dư luận trên mạng?”

Tức là ở đây có kiểu người ta muốn một là mày đứng bên tao, hai là mày đứng bên địch, cái đó không đúng. Có những người họ không theo bên nào cả, người ta lấy quyền lợi dân tộc làm trên hết.
ng Lê Thân

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, cũng không đồng tình với luận điệu cho rằng ông Trương Vĩnh Ký là ‘tên đại Việt gian’, GS. Hưng nêu dẫn chứng:

“Vừa rồi một người đã tìm được trong ngân khố ở Paris, có một bản báo cáo của cảnh sát Pháp về hành vi của Trương Vĩnh Ký thời trước, nói rõ Trương Vĩnh Ký là một người rất nguy hiểm, là một người có tinh thần yêu nước và luôn luôn đòi hỏi, mong mỏi nước Việt Nam được độc lập. Thành ra những luận điểm sai lầm về Trương Vĩnh Ký nên sớm nghiên cứu lại để phục hồi sự thật về Ngài Trương Vĩnh Ký. Để sự tôn vinh Ngài Trương Vĩnh Ký được bình thường trở lại, đặc biệt nên đặt lại tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký, một trường trung học danh giá ở Sài Gòn, phục hồi lại cái tên của người xứng đáng hơn hết, đó chính là Ngài Trương Vĩnh Ký.”

Qua sự việc này, GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ thêm về nhà văn hoá, ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký, theo quan điểm của ông với RFA hôm 16/2:

“Quan điểm của tôi về việc này cũng giống quan điểm của tôi về chữ Quốc Ngữ mà tôi là một người cổ võ và tôn vinh. Ngài Trương Vĩnh Ký là một nhà ngôn ngữ học Việt Nam thâm sâu và được sự ngưỡng mộ của nhiều người. Ngài Trương Vĩnh Ký là người có công phổ biến chữ Quốc Ngữ hồi thế kỷ thứ 19. Ngài là người sáng lập và là Tổng Biên tập tờ báo đầu tiên về chữ Quốc Ngữ là tờ Gia Định Báo… cho nên vấn đề công đức của Ngài Trương Vĩnh Ký là một chuyện không thể chối cãi.”

Ông Lê Thân, cũng góp thêm ý kiến rằng:

“Ông Trương Vĩnh Ký là một nhà giáo, một người yêu nước, nhưng ông sinh ra trong một thời đại như thế và chính người dân Việt Nam rất mang ơn ông, cho nên mới có tên trường Petrus Ký. Nếu nói rộng ra thì cả dân tộc Việt Nam mang ơn ông.”

phim-truong-vinh-ky-700.jpg
Tập phim về Trương Vĩnh Ký của phóng sự ‘Khát vọng non sông’ đã bị gỡ khỏi website của VTV. Courtesy home.vn

Việt Nam không nên né tránh việc “luận công hay tội”

Một tuần sau khi VTV xoá hai video về ông Trương Vĩnh Kỳ trong phát sóng loạt phim ‘Khát vọng non sông’, Kênh VTV Cần Thơ cũng có động thái tương tự khi xóa tên ông Trương Vĩnh Ký khỏi số Tạp chí Xuân ‘Năm rồng trên đất chín rồng’.

Cụ thể, trong phóng sự dài khoảng 55 phút về vùng đất Tây Nam Bộ với những ‘địa linh nhân kiệt’… VTV Cần Thơ đã lần lượt chiếu hình ảnh các nhân vật lịch sử như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng… và Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên sau đó, những gì liên quan đến ông Trương Vĩnh Ký đều bị xóa bỏ trong phóng sự này. Video này trên kênh YouTube của VTV Cần Thơ cũng bị gỡ bỏ.

Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM nhận định với RFA hôm 16/2/2024 về việc làm trên của VTV:

“Công và tội của các nhân vật lịch sử được đánh giá như thế nào với việc VTV rút hay không rút tên Cụ Trương Vĩnh Ký là hai chuyện khác nhau. Với chuyện trước, họ làm được gì cho nước cho dân. Với chuyện sau, các quyết định về chính trị hiểu theo nghĩa có gây tranh cãi gì hay không? Hai năm trước đây, Ban Tuyên giáo Trung ương ra công văn đề ngày 5/1/2022 do Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ký nêu rõ: ‘Cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa làm sáng tỏ được những vấn đề liên quan đến hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký đối với lịch sử Việt Nam và quy định những nhân vật còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử, chưa đặt tên đường phố hoặc công trình công cộng…”

Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn!
Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Với tình hình đó, theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc VTV rút tên cụ Trương Vĩnh Ký là điều dễ hiểu. Ông Dũng nói tiếp:

“Còn nhớ đầu tháng 1 năm 2017, cuốn Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ do Nhà Nghiên cứu lão thành nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu chủ biên, bị lệnh miệng thu hồi. Lẽ ra Ban Tuyên giáo Trung ương phải có những động thái thúc đẩy công việc nghiên cứu về các nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng để giải quyết điểm tắc trong chính sách về các nhân vật ấy. Nhưng, trên thực tế, chính Ban Tuyên giáo lại cản trở công việc này. Chỉ vì họ sợ hãi một không khí học thuật sôi nổi tranh luận về công, về tội trước lịch sử! Không cứ gì Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký, những người sống cách ta hàng trăm năm rất là nhiều. Ngay thời hiện đại cũng có nhiều nhân vật không dễ gì đạt được sự đồng thuận thực sự trong học giới về công hay tội trước lịch sử.”

Nhìn nhận đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, tránh né sự đánh giá về công hay tội trước lịch sử không phải là cách giải quyết vấn đề. Ông Dũng cho rằng:

“Trước hay sau, ngay trong sách giáo khoa cho trẻ con học, cũng có những đánh giá thể hiện sự công bằng lịch sử. Vô phương chạy trốn!”

Sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu từ cuối năm 2016. Tuy nhiên đến ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.

Theo trang truongvinhky.edu.vn, ông Trương Vĩnh Ký là danh nhân văn hoá của dân tộc . Tên khai sinh: Trương Chánh Ký , sau đổi là Trương Vĩnh Ký , tự là Sĩ Tải , tên thánh: Jean Baptiste Pétrus . Quê ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).

Từ lúc mới 22 tuổi (năm 1859) ông Trương Vĩnh Ký đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông. Năm 1860, ông nhận lời làm phiên dịch cho Pháp. Năm 1863, ông là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Năm 1866, làm hiệu trưởng trường đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn. Năm 1869 làm chủ nhiệm Gia Định báo. Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách. Ông mất năm 1898.

Related posts