Nhiệm vụ chính trị cản trở doanh nghiệp Nhà nước cải tổ?

Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính hôm 22/2/2024 ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Trong đó yêu cầu các DNNN đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh… Ông Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các DNNN tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế, bảo đảm DNNN là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong đổi mới và phục hồi nền kinh tế.

Yêu cầu các  DNNN sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được Chính phủ đưa ra nhiều năm qua, đến nay đã thực hiện đến đâu? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 23/2/2024 về vấn đề này:

“Việc sắp xếp lại  DNNN có một số tiến bộ, nhưng hiện nay việc sắp xếp các  DNNN còn lại trở nên khó khăn. Bởi vì các nghiệp ấy là các doanh nghiệp có vị trí then chốt trong việc cung cấp các kết cấu hạ tầng và việc sắp xếp lại đòi hỏi có sự thu xếp tổ chức lại một cách rất nghiêm túc. Thứ hai về bộ máy tổ chức, Nhà nước cũng đã có nỗ lực sắp xếp lại bộ máy, tôi hy vọng trong thời gian sắp tới đây, với việc vận dụng kinh tế số, chính phủ điện tử thì bộ máy nhà nước có thể tin giản biên chế, cũng như sắp xếp lại các tổ chức trong việc tận dụng công nghệ thông tin và nâng cao trình độ chuyên môn của viên chức, công chức nhà nước.”

Việc sắp xếp lại  DNNN có một số tiến bộ, nhưng hiện nay việc sắp xếp các  DNNN còn lại trở nên khó khăn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Đầu năm 2023, hàng loạt  DNNN than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng, xin được hỗ trợ hoặc tăng giá. Đơn cử như Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines dù có doanh thu trong năm 2022 phục hồi bằng hai năm trước đó cộng lại, nhưng vẫn than lỗ hơn 10 ngàn tỷ đồng với nguyên nhân được hãng này giải thích là do giá nhiên liệu và tỷ giá biến động mạnh. Dù theo truyền thông Nhà nước, các hãng hàng không tư nhân khác tại Việt Nam đã có lãi.

Một  DNNN độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng. Sau đó EVN cũng cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.

Liên quan các khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng của các  DNNN hiện nay, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

“Các khoản nợ của  DNNN có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như khoản nợ đối với tập đoàn điện, đây là điều khó khăn vì trong thời gian vừa qua, các đầu vào để cung cấp điện như dầu, than và các nguyên liệu khác đều tăng, nhưng giá điện ở Việt Nam do nhà nước quyết định và việc quyết định đó tuy là có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được sự biến đổi của giá cả trên thị trường. Vì vậy cho nên việc xác định nguồn gốc lỗ đó ở đâu, và trách nhiệm ở đâu, nhà nước có thể trợ giúp đến mức độ như thế nào… thì đấy là một quá trình không phải là dễ dàng.”

Theo ông Doanh, Việt Nam phải tiếp tục cải cách  DNNN , vận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, để giảm bớt các khoản lỗ. Đồng thời cần phải có các vận dụng điều chỉnh giá cả phù hợp hơn với biến động của thị trường. Ông Doanh nói tiếp:

“Việc này thì nhà nước đã có áp dụng, thí dụ như điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay, đã có mức điều chỉnh sát hơn với giá thị trường, trong một khoảng thời gian ngắn hơn, so với trước đây rất nhiều.”

a364ab72-1679-485b-8520-0546f2fd69e3.jpeg
Tổng công ty Hàng không Việt nam -Vietnam Airlines. AFP.

Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2022 được Chính phủ gửi tới Quốc hội, trong năm 2022 các  DNNN tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỉ đồng; tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỉ đồng. Đáng chú ý tổng nợ phải trả của DNNN là 1,9 triệu tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, từng là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng, các DNNN cứ thua lỗ triền miên sẽ gây ra những hậu quả đối với nền kinh tế:

“Các  DNNN cứ thua lỗ triền miên sẽ làm cho khối nợ của  DNNN lớn hơn, cộng thêm vào khối nợ công đang có của Việt Nam, làm cho vấn đề nợ càng trầm trọng. Nợ của  DNNN ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng, làm cho hoạt động của ngân hàng kém hiệu quả đi. Nợ của  DNNN cũng làm cho khối tài sản rất lớn của đất nước trao vào tay  DNNN không được sử dụng hiệu quả. Do đó nó làm cho nền kinh tế bị kém hiệu quả trong khi các lực lượng khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân rất cần các nguồn lực hiện đại thì lại không tiếp cận được.”

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tại tọa đàm ‘Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới’ vào tháng 9 năm 2023 cho biết, ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực  DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng và tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 9% so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2023 dù hoạt động có lãi, song các DNNN có lỗ lũy kế và nợ phải trả là khá lớn, bộc lộ nhiều hạn chế như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Theo Bộ này, mặc dù, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN, nhưng khu vực này chỉ đóng góp gần 40% GDP, còn lại 60% của GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Đồng thời DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; Vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn; việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết thấu đáo…

Vì các doanh nghiệp này đóng một vai trò chính trị trong hệ thống, nên họ ít nhiều có một số quyền lực đặc thù và vì vậy chính phủ khó mà cải tổ được họ.
-Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 23/2/2024 khi trả lời RFA cho rằng:

“Các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm 100% vốn của Việt Nam hiện nay chiếm số lượng rất ít, chừng một phần ngàn, nhưng đều là các doanh nghiệp lớn, chiếm giữ lượng lớn về vốn, khoảng 10% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp, và thường lỗ hoặc lãi ít. Họ không chỉ đóng vai trò kinh doanh, mà họ còn đóng vai trò chính trị, giúp chính phủ điều phối nền kinh tế theo chính sách kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chính phủ.”

Vì các doanh nghiệp này đóng một vai trò chính trị trong hệ thống nên theo ông Vũ, họ ít nhiều có một số quyền lực đặc thù và vì vậy chính phủ khó mà cải tổ được họ. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp:

“Những người nắm giữ các vị trí trong các công ty này đồng thời cũng là các đảng viên đảng Cộng sản. Mỗi công ty là một chi bộ đảng Cộng sản. Họ hoạt động như một chi bộ Đảng hơn là một doanh nghiệp tư nhân nỗ lực vì lợi nhuận và cạnh tranh thị trường. Ở một số lĩnh vực, các công ty này đóng vai trò độc quyền và vì vậy mà họ không có nhu cầu thay đổi để trở nên sáng tạo hay hiệu quả hơn. Bởi đơn giản là họ quá thoải mái với vị trí công ty của mình. Các cán bộ quản lý do đó cũng vậy. Tại sao họ phải chạy đua để thay đổi quá nhiều khi mà công ty họ vẫn giữ một thị phần gần như là duy nhất ở đất nước này.”

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh… thì việc kêu gọi các công ty nhà nước tự cải cách hay tăng hiệu quả mới có thể thực hiện được.

Related posts