Trong Báo cáo ngày 28/2/2024 về tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã.
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể), người từng cùng các trí thức gởi thư ngỏ tập thể yêu cầu bãi bỏ một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam liên quan chủ trương nhập, tách các đơn vị hành chính… nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/3/2024:
“Tôi nghĩ việc sáp nhập các đơn vị hành chính là một việc thật sự thường xuyên phải làm. Bởi vì khi xã hội phát triển, thì các đơn vị hành chính cũng cũng nên được sắp xếp lại để cho phù hợp với sự phát triển của sản xuất, cũng như sự phát triển của xã hội. Việc này không có gì đáng để chê trách, chỉ có việc sáp nhập đấy có được tính toán kỹ hay không, có được cân nhắc và quan trọng nhất có được thảo luận với những người có liên quan, cụ thể là người dân của chính những đơn vị đấy để người ta có thể lên tiếng hay không?”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, vấn đề thảo luận cân nhắc là quan trọng nhất. Bởi vì không có sự thảo luận cân nhắc thì những quyết định của một số người nào đấy có thể sẽ tùy ý và cái đấy có thể không phù hợp với thực tiễn, sẽ dẫn đến chuyện sẽ phải chia tách như đã làm với bao nhiêu tỉnh trước đây. Ông A kết luận:
“Tóm lại việc sáp nhập là chuyện bình thường, vấn đề là cách làm như thế nào cho hiệu quả, cho thực sự sát với thực tế. Mà trong quá trình đấy, tôi nhấn mạnh sự thảo luận, sự cân nhắc, sự tranh luận có lý có tình, của các quan chức với các tổ chức khác, với những người có liên quan khác và nhất là với dân của những nơi liên quan đó.”
Việc sát nhập đấy có được tính toán kỹ hay không, có được cân nhắc và quan trọng nhất có được thảo luận với những người có liên quan, cụ thể là người dân của chính những đơn vị đấy để người ta có thể lên tiếng hay không?
–Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Cũng trong Báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 28/2/2024, Hà Nội dự kiến sẽ sáp nhập 25 phường tại năm quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông và Long Biên, do không đủ tiêu chí về diện tích và dân số.
Từ Hà Nội, cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 1/3/2024 liên quan việc này:
“Thứ nhất về mặt số lượng đơn vị hành chính thì Việt Nam hiện nay chia quá nhỏ và quá nhiều. Một nước lớn như Trung Quốc về dân số gấp khoảng 10 mấy lần Việt Nam, diện tích cũng gấp khoảng 30 lần, thì số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh chỉ bằng một nửa của Việt Nam. Đơn vị hành chính quá nhỏ thì bộ máy và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá lớn. Cho nên việc phải cắt giảm bộ máy hành chính là một yêu cầu bắt buộc. Thực tế nhiều tỉnh thành đến 70 % ngân sách dùng để trả lương, nuôi bộ máy như vậy, thì không còn ngân sách để chi do phát triển. Một trong những biện pháp đơn giản và có hiệu quả tức thì là giảm số lượng đầu mối hành chính xuống, ví dụ như nhập xã, nhập huyện… Tôi thấy đó là một xu hướng đúng.”
Tuy nhiên ông Trí cũng bày tỏ lo ngại việc nhập tỉnh xong lại tách như hồi sau năm 1975:
“Nhập xong lại tách, xong bây giờ lại nhập… có vẻ là một vòng hoàn toàn quẩn quanh và giải bài toán đấy tôi thấy chưa thật sự trệt để, không có giải pháp tổng thể. Tôi nghĩ Bộ Nội vụ, Chính phủ, Quốc hội phải đưa ra phương án cuối cùng, ví dụ Việt Nam sẽ gồm bao nhiêu đơn vị hành chính, dưới mỗi tỉnh sẽ bao nhiêu huyện, bao nhiêu xã… và từ đó có lộ trình cắt giảm cho phù hợp.”
Sau năm 1975, Việt Nam đã sáp nhập nhiều tỉnh thành… nhưng đến năm 1989 một số tỉnh lại được tách ra như tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đó tiếp tục được Chính phủ Việt Nam cho tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh…
Vào năm 1997, một số tỉnh tiếp tục chia tách như tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Đến năm 2004, tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.
Và đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc… về thành phố Hà Nội. Nhưng hiện nay Nhà nước Việt Nam lại tách một số quận của Thành phố lớn để lập Thành phố trực thuộc Thành phố… đơn cử như thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng liên quan việc sáp nhập huyện, xã, Bộ Công an hôm 28/2/2024 đã kiến nghị nên đổi căn cước công dân sau sáp nhập huyện, xã.(!?)
Tất cả các việc họ làm có vẻ như là chạy theo tình huống, không có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Liên quan việc lại phải làm lại căn cước công dân, ông Trí nói:
“Tất cả các việc họ làm có vẻ như là chạy theo tình huống, không có nghiên cứu cụ thể, rõ ràng. Trong vòng mấy năm qua đã đổi từ Chứng minh Nhân dân sang Căn cước Công dân đến hai ba lần. Khi đó vừa mới đổi thì dân tình đã phát hiện ngay những lỗi sơ đẳng như sai chính tả… Tôi nghĩ việc này thể hiện sự yếu kém của người, của cơ quan chuyển đổi. Những cái đấy gây lãng phí lớn cho cho xã hội, cho ngân sách nhà nước và thời gian của nhân dân. Cũng giống như nhập huyện, xã thể hiện cái tầm của những người tiến hành công việc là rất thấp, làm không có căn cơ, không có kế hoạch và không có lộ trình rõ ràng.”
Sau khi nhập, rồi tách các đơn vị hành chính, vào năm 2021 Bộ Nội vụ lại đề xuất sáp nhập các tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông… Các tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên do Bộ Nội vụ đề xuất, có thể bị sáp nhập gồm: Tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Vĩnh Long, Thái Bình, Nam Định…
Vào tháng 8 năm 2023, Một thư ngỏ tập thể của các nhóm nhân sĩ, trí thức và quần chúng yêu cầu bãi bỏ một Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và các văn bản Nhà nước liên quan chủ trương nhập, tách các đơn vị hành chính gây tranh cãi và bị cho là ‘gây đảo lộn xã hội’ và ‘lãng phí’ công sức và tiền bạc của người dân, đồng thời có thể ‘để lại những hậu quả tiêu cực’ lâu dài tại Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm những ảnh hưởng về kinh tế xã hội trong việc sáp nhập huyện, xã… RFA hôm 1/3/2024 liên lạc Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, và được ông giải thích:
“Theo tôi hiểu Bộ Nội vụ đã có khảo sát và đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho một huyện và cho một xã, nếu như tiêu chuẩn về diện tích và dân số mà không đạt được, thì sẽ yêu cầu xác nhập. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà thành phố Hà Nội đầu tiên đã có ý tưởng sáp nhập quận Hoàn Kiếm và không cho tồn tại quận Hoàn Kiếm. Nhưng quận Hoàn Kiếm là một quận có giá trị lịch sử và có nhiều di tích lịch sử, cho nên ý tưởng bị phản đối mạnh mẽ và UBND Hà Nội đã đình chỉ và không nhắc đến việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm nữa. Còn việc sáp nhập các nơi khác thì tôi nghĩ đây là một biện pháp cũng cần thiết, để tạo ra một diện tích, cũng như một năng lượng, một dân số cần thiết để giảm bộ máy hành chính…”
Tuy nhiên theo ông Doanh, việc sáp nhập này sẽ tác động đến các công chức, viên chức của các huyện và các xã được sáp nhập. Do đó ông Doanh cho rằng phải có những biện pháp, chính sách để hỗ trợ các công chức viên chức ở đó.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nên có sự bàn bạc cụ thể và đặc biệt nên xem xét phương án sử dụng các trụ sở thừa ra sau khi sáp nhập, nếu không được sử dụng thì phải được giao cho các cơ sở y tế, các cơ sở xã hội, giáo dục… để có thể sử dụng một cách hợp lý, tránh lãng phí các cơ sở đã được xây dựng như vậy.