Thực trạng
Tại Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ vào sáng 14 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: Vì sao Việt Nam có đầy đủ hệ thống kiểm soát, giám sát ngân hàng mà để nợ xấu tăng; để xảy ra những vụ việc như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)?
Theo tin từ truyền thông nhà nước, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính để rút hơn một triệu tỷ đồng sử dụng cho mục đích cá nhân. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an truy tố bà Trương Mỹ Lan về ba tội “Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản”. Phiên xử đang diễn ra có 86 bị can, trong đó có 41 lãnh đạo, cán bộ SCB và nhiều cán bộ cấp cao khác.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ giữa năm 2017 về thanh tra SCB, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Đoàn thanh tra ngân hàng SCB gồm 18 thành viên, do bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng thuộc NHNN làm trưởng đoàn.
Để ngân hàng hoạt động một cách không trung thực, không đúng theo quy định của pháp luật nên ngày càng tai hại. Cách quản lý đó không đúng theo quy tắc của luật về các tổ chức tín dụng lợi dụng chủ sở hữu ngân hàng để vay tiền một cách vô tội vạ. – Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Bản kết luận được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố ngày 17 tháng 11 năm 2023 cho thấy, tất cả 18 thành viên Đoàn thanh tra ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đều đã nhận tiền để thay đổi kết quả thanh tra, che giấu sai phạm của ngân hàng này.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nêu nhận định của ông với RFA:
“Thanh tra ngân hàng đóng vai trò giám sát hệ thống ngân hàng. Nhưng nếu thanh tra ngân hàng bị mua chuộc như trường hợp ở SCB thì cơ quan nào có quyền lực hơn để điều tra và chất vấn các vấn đề của SCB?
Có hai cơ quan quan trọng đóng vai trò giám sát và chất vấn, nhưng ở Việt Nam họ hầu như không có nhiều tiếng nói. Thứ nhất là các cơ quan báo chí. Báo chí phải được tự do để lên tiếng và phanh phui các bất thường của các doanh nghiệp cũng như các sai phạm của các quan chức và cá nhân. Sự lên tiếng của báo chí sẽ giúp công luận chú ý và các cơ quan an ninh điều tra.
Thứ hai là quốc hội. Quốc hội cần phải có quyền điều trần và điều tra các quan chức và cá nhân. Trong trường hợp thanh tra bị vô hiệu hoá thì Quốc hội sẽ đóng vai trò giám sát và điều tra. Khi cả hai cơ quan quốc hội và báo chí truyền thông đóng vai trò kiểm soát chung đối với xã hội thì lúc đó những sai phạm như ở SCB mới nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn”.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm của ông với RFA:
“Việt Nam có ba mươi mấy ngân hàng nhưng không đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên một cách bài bản. Hoạt dộng phần lớn là cho vay có thế chấp kiểu như một tiệm cầm đồ. Nhân viên ngân hàng không làm cái việc nghiên cứu thật sự xem dự án được vay có khả thi hay không, có khả năng hoàn trả vốn hay không.
Để ngân hàng hoạt động một cách không trung thực, không đúng theo quy định của pháp luật nên ngày càng tai hại. Cách quản lý đó không đúng theo quy tắc của luật về các tổ chức tín dụng lợi dụng chủ sở hữu ngân hàng để vay tiền một cách vô tội vạ.
Việc này không phải hoàn toàn nhà nước không biết vì chuyện nợ xấu, nợ khó đòi dã xuất hiện rất nhiều nhưng Chính phủ lại chuyển nó qua Công ty quản lý nợ của nhà nước (VAMC), mà có quản lý được gì đâu. Tóm lại, ngân hàng nhà nước thật sự không làm hết vai trò kiểm tra, thanh tra các ngân hàng”.
Làm sao cải tổ
Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan này cũng có chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng tại Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ vào sáng 14 tháng 3 năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng, cải tổ lại hệ thống cơ quan thanh tra ngân hàng.
Vấn đề thứ hai, cho đến giờ này, thanh tra của Việt Nam chỉ là thanh tra của NHNN. Đó là sự thiếu sót. Chúng ta cần một đội thanh tra tổng hợp, từ thanh tra của NHNN, thanh tra của Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia, hoặc là thanh tra của chính phủ. Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia được coi là một cơ quan tương đương FDIC bên Mỹ. – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập cho RFA biết, ông đã nhiều lần đề xuất với chính phủ là cần có sự tham gia của Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia trong đoàn thanh tra để có hai cơ quan độc lập, thì việc thanh tra sẽ trong sáng hơn, ổn định hơn và cân bằng hơn. Ông nói thêm:
“Việc đầu tiên là NHNN phải rà soát lại những thanh tra của mình. Điều thứ hai là phải tăng năng lực của các thanh tra bằng cách đào tạo họ, để họ nắm rõ chủ trương, quy định của NHNN, đặc biệt là nắm rõ trách nhiệm của một người thanh tra. Những vụ việc xảy ra với SCB, với Ngân hàng Xây dựng cách đây 8 năm cho thấy các thanh tra bị “đầu độc”; các thanh tra bị hối lộ; các thanh tra ăn tiền tham nhũng. Từ đó có để họ nhắm mắt làm ngơ những sai sót của ngân hàng.
Do đó, việc đào tạo lại cũng như tăng cường năng lực, đặc biệt là vấn đề đạo đức trong thanh tra cũng như vấn đề liêm khiết trong thanh tra là quan trọng. Vấn đề thứ hai, cho đến giờ này, thanh tra của Việt Nam chỉ là thanh tra của NHNN. Đó là sự thiếu sót. Chúng ta cần một đội thanh tra tổng hợp, từ thanh tra của NHNN, thanh tra của Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia, hoặc là thanh tra của chính phủ. Công ty bảo hiểm tiền gửi quốc gia được coi là một cơ quan tương đương FDIC bên Mỹ.
Cái nguyên tắc tôi học hỏi được trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ là nguyên tắc bốn mắt (four-eyes principle). Nguyên tắc này cần phải được thực hiện ở Việt Nam”.
Nguyên tắc bốn mắt là nguyên tắc kiểm tra độc lập, nghĩa là bất kỳ một hoạt động nghiệp vụ nào, bất kỳ một quyết định, giao dịch nào cũng phải được ít nhất hai người cùng chấp thuận (một thực hiện, một duyệt/giám sát). Cơ chế kiểm soát này được sử dụng để tạo thuận lợi cho việc ủy quyền và tăng tính minh bạch. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tại Hoa Kỳ, thường thường những đoàn thanh tra bao gồm thanh tra của FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation); thanh tra của State Banking Department (thanh tra của các cơ quan quản lý tiểu bang). Hai cơ quan đó độc lập với nhau.