“Huệ Vương” chỉ là đảo cách viết, tên trước họ sau, nhưng cách đảo ngược ấy muốn gợi lên sự hanh thông cho con đường phía trước của vị đứng đầu nhánh lập pháp? Sau năm ngày thăm Trung Quốc của ông Huệ (từ 7 đến 12/4), người Việt Nam vẫn chờ đợi sự tương hợp giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh.
—————————-
Tại cuộc gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt – Trung chiều 9/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “núi liền núi, sông liền sông, sớm sớm nghe tiếng gà gáy cùng…” Nhiều người lo lắng khi ông Huệ trích đoạn từ bài ca “đi cùng năm tháng” ấy; may mà ông dừng lại, không “hát” tiếp “… chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông…” (1). Chắc là ông Huệ đã tiếp thu lời khuyên của Tập Chủ tịch nói với ông trước đấy một hôm tại Đại lễ đường, “người anh em Việt Nam nên sử dụng ‘trí tuệ chính trị’ trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh” (2). Ông Huệ đã dừng lại thật đúng lúc. Tuy nhiên, theo logic thông thường, đối với đợt công du dài ngày như vừa qua, ít nhất, phải chờ đến thời điểm gần cuối chuyến đi, mới có thể lấy cảm hứng để chia sẻ các trải nghiệm. Đằng này, chỉ mới một ngày sau khi đến Bắc Kinh, ông Huệ đã hồ hởi: “…hai bên đã xác lập định vị mới, nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm “6 hơn” (3).
Đáng chú ý, trong buổi tiếp ông Huệ ngày đầu tiên, trước cả khi lễ đón chính thức được bắt đầu tại Đại lễ đường nhân dân, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhắc lại việc lãnh đạo cao nhất hai đảng, hai nước đã nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai” có ý nghĩa chiến lược, rộng mở cho quan hệ song phương với sáu phương hướng lớn (Việt Nam gọi là “sáu hơn”, Trung Quốc gọi là “Lục cá canh”): tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn, đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới. Ông Tập cam kết, sẵn sàng tăng cường trao đổi kinh nghiệm có được trong quản lý đảng và đất nước, tạo điều kiện để phối hợp giữa “Sáng kiến Vành đai và Con đường” với chiến lược “Hai hành lang và Một vành đai kinh tế”, đồng thời tăng cường giao lưu giữa giới trẻ, giữa các địa phương và thành phố kết nghĩa (4).
Theo truyền thông quốc tế, báo chí Việt Nam và Trung Quốc thuật lại các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Trung Quốc với ông Huệ với các chi tiết khác nhau khá cơ bản. Bình luận của VOA ngày 12/4 cho hay, truyền thông chính thống của Việt Nam nói chung, đặc biệt, trang điện tử “Người đại biểu Nhân dân”, tờ báo chính thức của Quốc hội Việt Nam nói riêng, đã bỏ qua một cách cố ý các phát biểu mang tính “huấn thị” của Tập Chủ tịch về “minh triết chính trị”, về “hệ thống xã hội chủ nghĩa” cũng như về “sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu” mà hai Đảng và hai nước cần đóng góp. Ngay cả trước đó, báo chí Việt Nam cũng “đánh bài lờ” các thâm ý mà Ngoại trưởng Vương Nghị truyền đạt cho Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung rằng, Việt Nam “cần cảnh giác trước các âm mưu ‘kết bè kéo cánh’ và không nên tham gia ‘các khối’ để chống lại nước khác [ở đây được hiểu là Trung Quốc] trong khu vực” (5). Và theo dư luận báo lề trái, có vẻ như chuyến đi của ông Vương Đình Huệ đến Trung Quốc dù là để thắt chặt các mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản, nhưng thực sự số phận chính trị của ông cũng nằm trong cuộc đối thoại ngoại giao được cho là mang tính “sống còn” trong giai đoạn tới đây đối với ông.
Nhân chuyến công du của ông Huệ, tờ Global Times, phó bản của tờ Nhân dân Nhật báo, đã gộp chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với sự có mặt của Ngoại trưởng Nga Lavrov và một số đoàn quốc tế khác trong một xã luận. Sự giao lưu quốc tế này, theo xã luận của Ban biên tập, “tức là việc hợp tác với Trung Quốc bao gồm nhiều cuộc thảo luận, hiểu biết lẫn nhau và kết quả rõ ràng. Người Trung Quốc rất thực dụng trong cách tiếp cận khách đến nhà, và nếu ủng hộ hay phản đối điều gì đó, chúng tôi luôn hướng đến những hành động và tâm lý nhất định, chứ không bao giờ nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào, hoặc gán cho họ là kẻ thù. Vì vậy, vòng bạn bè của chúng tôi ngày càng lớn mạnh và “ai đến [Trung Quốc] đều là khách” (6). Phải chăng đây là triết lý đối ngoại mới “Thân, Thành, Huệ, Dung” (thân thiện, chân thành, cùng có lợi, bao dung) để thay thế “ngoại giao chiến lang” khét tiếng một thời? Hãy chờ hành động trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông và trong giao lưu với các tỉnh biên giới phía Bắc, người Việt Nam sẽ có dịp trải nghiệm sự tương hợp giữa lời nói và việc làm của Bắc Kinh.
Đón ông Huệ trở lại Hà Nội hôm 12/4 là bản Thông cáo báo chí về việc “Huệ Vương” – đảo cách viết, tên trước họ sau để gợi lên sự hanh thông cho con đường phía trước của vị đứng đầu nhánh lập pháp – “kết thúc tốt đẹp” chuyến thăm chính thức Trung Quốc (7). Nhưng rõ ràng, văn bản ngoại giao sáo rỗng từ đầu đến cuối ấy có lẽ chẳng mấy ai quan tâm. Ngược lại cư dân mạng đang lên “cơn sốt” về bài thơ “Lặng lẽ hoa Tràm” xuất hiện từ mấy ngày trước trên tờ VietNamNet vừa được ai đó ra lệnh dỡ xuống đúng ngày Vương Chủ tịch về đến sân bay Nội Bài. Thật ra, như Thoibao.de bình luận, đây chỉ là một bài thơ vô thưởng vô phạt, không ám chỉ ai, và lại càng không liên quan đến chính trị. Nhưng chính vì nó bị gỡ, nên mới được cộng đồng mạng thổi bùng lên như một đám cháy! Tin đồn không rõ nguồn và khó kiểm chứng. Tuy nhiên, việc tin đồn nổi lên cùng lúc với “người bị dính tin đồn” đang trong vòng đấu quyền lực ở cung đình, thì lại trở thành “tin khả tín”. Bởi người dân đã quá rành khi các phe cánh ở Ba Đình lợi dụng mạng xã hội để hạ uy tín lẫn nhau, của các “đại thần” trong triều đình Cộng sản lâu nay (8).
____________
Tham khảo:
(1) https://bcdcnt.net/bai-hat/viet-nam-trung-hoa-5756.html
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo
(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c3gv6199j7eo
(6) https://www.globaltimes.cn/page/202404/1310378.shtml
(7) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=86190
(8) https://thoibao.de/blog/2024/04/12/hoa-hue-duc-da-tu-thu-hoa-tram-la-hoa-cua-chu-tich-quoc-hoi
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.