Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Long An hôm 19/4 ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về cáo buộc “loạn luân” đối với ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi.
Thông tấn xã Việt Nam cho biết, cơ quan an ninh thụ lý điều tra vụ việc sau khi nhận nguồn tin tố giác về hành vi có dấu hiệu loạn luân của ông Vân.
Báo chí nhà nước cho rằng, sau thời gian điều tra, cơ quan công an đã có đủ chứng cứ xác định ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột sống trong hộ bà Cao Thị Cúc, tức là cơ sở tu tại gia Tịnh Thất Bồng Lai (sau đổi tên là Thiền Am Bên bờ Vũ trụ).
Một luật sư từng tham gia bào chữa cho ông Vân nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Theo tôi biết, ông Lê Tùng Vân không bị buộc chấp hành án phạt tù vì cao tuổi, sức yếu, nhiều bệnh tật… Do vậy, không có chuyện ‘sau khi chấp hành án tù hơn 1 năm thì bị khởi tố tiếp tội loạn luân’ như thông tin của một số bài báo trên mạng.”
Theo luật sư này, thông tin về việc ông Lê Tùng Vân tiếp tục bị khởi tố cần được kiểm chứng vì “lối đưa tin mập mờ, gần như lập lại nội dung chuyện cũ và sử dụng hình ảnh cũ…”
Phóng viên gọi điện cho Công an tỉnh Long An theo số điện thoại liên hệ trên website của cơ quan này để kiểm chứng vụ việc nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên không thể liên lạc được với người của Tịnh thất Bồng lai để hỏi thông tin về việc khởi tố như truyền thông đưa.
Như chúng tôi đã thông tin, công an Long An có ít lần ba lần cưỡng chế lấy mẫu DNA của các thành viên sống trong Tịnh thất Bồng Lai trong năm 2021 và 2022, trong đó có lần lấy mẫu máu trên danh nghĩa là xét nghiệm COVID-19.
Ông Đặng Đình Mạnh, một luật sư bào chữa của ông Lê Tùng Vân, hồi tháng 10/2022 cho biết, các luật sư hoàn toàn ủng hộ việc lấy mẫu ADN để xác định sự thật khách quan của vụ án, tuy nhiên, “việc giám định phải được thực hiện theo đúng quy định tố tụng hình sự theo cách có thể kiểm chứng được về đúng vai trò tố tụng, hợp cách về y tế” và phải “bảo đảm tôn trọng đầy đủ các quyền về nhân thân của những người phải giám định.”
Tuy vậy, theo ông Mạnh, trên thực tế có nhiều sai phạm trong việc lấy mẫu của cơ quan điều tra như, việc thu thập mẫu ADN không được sự đồng ý của người bị thu thập hay không có sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp đối với các cháu nhỏ,…
Ngoài ra công an cũng ngăn cản các luật sư tiếp cận với thân chủ tại tư gia của chính họ là không bảo đảm quyền được có luật sư bảo vệ và có thể kiểm chứng được.
Trước đó vào tháng 11/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An xét xử ông Lê Tùng Vân và các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Hội đồng xét xử tuyên ông Lê Tùng Vân 5 năm tù; các ông Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi người bị 4 năm tù, Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù, bà Cao Thị Cúc 3 năm tù.
Ba trong số năm luật sư bào chữa trong vụ án gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân phải sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị vào tháng 6/2023 sau khi công an Long An triệu tập các luật sư để làm việc vì có đơn tố cáo các ông có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong quá trình bào chữa.
Tuần trước, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xoá bỏ tư cách thành viên của hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng với lý do “không đóng lệ phí.” Hai luật sư này cho rằng quyết định này của Đoàn luật sư nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo để “xử lý” Tịnh thất Bồng lai.