Gần đây, nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Jensen Huang của NVIDIA hay Tim Cook của Apple khi đến Việt Nam đều ca tụng nước chủ nhà bằng những lời lẽ rất ngoại giao và đưa ra những lời hứa tốt đẹp. Thế nhưng, họ lại không đưa ra cam kết cụ thể nào.
Biết người biết ta…
Mới đây nhất, hôm 15/4/2024, CEO của Apple là Tim Cook đến Việt Nam, báo chí được dịp hết lời ngợi ca ông này. Tuy nhiên, cũng như các lãnh đạo tập đoàn lớn khác, CEO của Apple “chỉ hứa hẹn”, rồi sau đó rời Việt Nam sang Indonesia.
Tại Indonesia, CEO của Apple lập tức công bố những cam kết và kế hoạch đầu tư rất cụ thể như: Apple đang mở “Học viện phát triển Apple” thứ tư ở Indonesia. Cả ba học viện trước đó của Apple ở Indonesia đã hoạt động hiệu quả, “đào tạo hàng nghìn kỹ sư Indonesia,” có thể tạo các ứng dụng (app) cho App Store “cho cả người dùng trong nước và quốc tế.”
Trước đó, hãng tin CNBC cũng cho biết lãnh đạo của NVIDIA tuyên bố đầu tư 200 triệu USD ở Indonesia để xây dựng “Trung tâm phát triển công nghệ Trí tuệ nhân tạo”.
Điều đáng chú ý là Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cả hai lần gặp hai vị lãnh đạo công nghệ này đều mời họ xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong khi đó, khác với Samsung, cả hai công ty này đều không sở hữu nhà máy sản xuất sản phẩm cho chính họ. Điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi là lãnh đạo Hà Nội có thực sự hiểu đối tác mình đang nói chuyện?
Ai cũng thấy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để nhận được đầu tư lớn hơn về công nghệ nói riêng và kinh tế nói chung, nhưng liệu đất nước “rất thích ăn thua” với Indonesia trong lĩnh vực bóng đá này, có bắt được những cơ hội “ngàn vàng” như Indonesia?
Thực tế cho thấy các “ông lớn” như NVIDIA, Apple không “hứa hẹn” mở rộng đầu tư ở Việt Nam, còn các hãng nhỏ hơn như Lam Research mới đây đính chính thông tin họ sẽ mở nhà máy ở Việt Nam sau cuộc gặp với lãnh đạo nước này.
Trong khi đó, tạp chí tiếng Anh “The Investor” của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (VAFIE) cho biết “Hoa Kỳ đã áp đặt các yêu cầu cấp phép bổ sung đối với việc xuất khẩu chip Nvidia sang một số quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.” Lý do của lệnh cấm này là nhằm “hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng.”
Bình luận về động thái này của Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Trí, một nhà nghiên cứu, nhà báo độc lập ở TP. HCM, tác giả của hàng trăm bài viết về kinh tế chính trị và thực trạng phát triển công nghệ ở Việt Nam, cho rằng Hoa Kỳ lo ngại Việt Nam nhận được chip tiên tiến của NVIDIA rồi bán lại cho Trung Quốc.
Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia ở California, Hoa Kỳ, thì đưa ra nhận xét rằng, các “đồng chí Việt Nam” cần hiểu là “nhà đầu tư không đem tiền đi làm làm từ thiện”. Ông cho rằng bây giờ nếu Việt Nam có một chiến lược tổ chức từ trên xuống dưới một cách khoa học thì có thể lấy được nhiều cơ hội “dễ ăn” hơn là lao vào những ngành đỉnh cao như bán dẫn.
Ông Khiêm Nguyễn nói, hiện nay, bán dẫn là ngành nổi trên truyền thông, còn nhiều ngành khác “thầm lặng” hơn, nhưng cũng quan trọng mà những dân tộc nào có đầu óc thông minh sẽ có thể làm “core technology” (công nghệ lõi) cho toàn thế giới. Ông cho rằng khả năng người Việt có thể học và làm được, nhưng lãnh đạo Hà Nội “sẽ chả bao giờ hiểu được những điều này.”
Cần tầm nhìn & hiểu biết của lãnh đạo
Nhằm cung cấp thông tin sâu hơn về lợi thế cạnh tranh của Indonesia và Việt Nam, RFA đăng nội dung phỏng vấn nhanh với nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Trí ở TP. HCM, sau đây:
RFA. Thủ tướng Việt Nam gặp lãnh đạo Nvidia và Apple đều mời họ “xây nhà máy” ở Việt Nam trong khi các công ty này không tự sản xuất như Samsung. Vậy mô hình kinh doanh của họ là gì?
Nguyễn Quốc Trí
Tôi rất ngạc nhiên khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong hai lần gặp CEO Jensen Huang của NVIDIA và Tim Cook của Apple thì đều nói giống nhau là mời họ đầu tư, lựa chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất toàn cầu.
Dẫu biết thủ tướng bận trăm công nghìn việc, không thể bao quát hết, nhưng nói như vậy thì rõ ràng là không hiểu về đối tác. Ở đây, cần phải khiển trách bộ máy tham mưu, giúp việc cho ông ấy.
NVIDIA hiện là công ty bán dẫn lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường (market cap), đạt hơn 2000 tỷ USD (gấp 5 lần GDP của Việt Nam) nhưng họ hoạt động theo mô hình fabless – tức không sở hữu nhà máy riêng mà chỉ đầu tư vào R&D và thương mại hóa sản phẩm.
Còn lại, NVIDIA sẽ thuê các foundry (tức các nhà sản xuất, chủ yếu là TSMC của Đài Loan) sản xuất con chip.
Với tiềm lực tài chính hùng mạnh của mình, không phải NVIDIA không tự đầu tư sản xuất được chip, nhưng họ sẽ không làm vậy mà thuê đối tác (TSMC) có khả năng làm tốt với chi phí rẻ hơn.
Điều này cũng đúng với Apple. Market cap, tức giá trị vốn hóa thị trường, của họ đạt 3000 tỷ USD. Thay vì tự sản xuất iPhone, Macbook, iPad, Airpod, Vision Pro, … họ thuê các nhà thầu, công ty hoạt động theo mô hình OEM (sản xuất thiết bị gốc), ODM (sản xuất “thiết kế” gốc) như Foxconn, Pegatron, Wistron, Compal, Quanta (Đài Loan), Luxshare (Trung Quốc), … làm việc đó.
Những nhà thầu này lại sử dụng linh kiện bởi một chuỗi dày đặc các nhà cung cấp. Chính những nhà cung cấp này lại phải tìm cách cạnh tranh với nhau. Chẳng hạn, trước đây Apple thường sử dụng màn hình do Samsung cung cấp cho iPhone, nhưng gần đây họ đã chuyển sang BOE (Trung Quốc) do chất lượng không kém mà giá rẻ hơn.
Vì thế, chúng ta không nên nói những câu “vô nghĩa” như mong NVIDIA hay Apple xây nhà máy sản xuất tại Việt Nam bởi họ sẽ không cần làm việc đó.
Nếu có thì hãy nghĩ cách để Việt Nam vươn lên, có nhiều doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng của Apple hay NVIDIA, bắt đầu từ những thứ đơn giản như các chi tiết vỏ nhựa, dây cáp, … và cao cấp hơn là linh kiện, bo mạch, …
RFA. Lãnh đạo Việt Nam hoạch định chính sách mà không biết mô hình kinh doanh của các công ty lớn. Điều đó cho thấy Việt Nam có vấn đề gì về “hoạch định” chính sách?
Nguyễn Quốc Trí
Đây là điều thực sự đáng buồn. Nó cho thấy thói quen hay tập quán hoạch định chính sách dựa trên niềm tin duy ý chí, rất thiếu cơ sở khoa học của lãnh đạo Việt Nam. Chúng ta không thể đi câu nếu chưa hiểu rõ đặc điểm, tập tính của loài cá và cũng không có sự chuẩn bị tốt (cần, mồi câu).
Cổ nhân có câu “biết người biết ta”, nhưng thực tế thì các lãnh đạo Việt Nam chưa thật sự hiểu mình và cũng chẳng hiểu người. Như thế thì thất bại là tất yếu.
RFA. Tại sao lãnh đạo các công ty lớn sang Việt Nam đều nói những lời có cánh, tụng Việt Nam, nhưng sau đó sang Indonesia công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở đó? Indonesia có lợi thế gì? Việt Nam thiếu cái gì để khiến họ không muốn mở rộng thêm cơ sở?
Nguyễn Quốc Trí
Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn toàn cầu sang thăm và hội kiến lãnh đạo chính trị Việt Nam thường nói những lời có cánh. Họ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa, sự thân thiện, hiếu khách cùng tiềm năng phát triển “không gì có thể cản bước” của Việt Nam. Thực ra đây là chuyện rất dễ hiểu, bởi nó phù hợp với nguyên tắc ngoại giao. Khách đến chơi, nhận sự tiếp đón thịnh tình, ai lại buông lời chê chủ? Ngoài ra, “lời nói chẳng mất tiền mua”, họ đâu phải chịu trách nhiệm cho những lời khen mang tính xã giao ấy. Thích nghe khen thì anh khen cho chú “nổ mũi”.
Điều này còn cho thấy họ rất hiểu văn hóa và tập tính của người Việt Nam ta – thích nghe lời hay ý đẹp thay vì “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng ta, cụ thể là các lãnh đạo, có hiểu họ không thì chưa chắc.
Trong chuyện làm ăn, đầu tư kinh doanh thì điều quan trọng nhất đương nhiên phải là tính hiệu quả. Chúng ta đừng mong các tập đoàn lớn hay “đại bàng” sang làm tổ nếu không khiến họ an tâm.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia rộng lớn và đông dân nhất, sở hữu nhiều lợi thế không kém hoặc hơn Việt Nam. Ta đừng cậy mình có vị trí chiến lược, tài nguyên dồi dào, … những thứ đó họ đều có cả, bên cạnh thị trường lớn gần gấp 3.
Và quan trọng nhất là thể chế chính trị của họ, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, nhưng đang ngày càng hoàn thiện theo hướng tốt, tinh gọn, minh bạch và hiệu quả hơn.
Tôi còn nhớ từng đọc một bài viết của Giáo sư David Dapice, thuộc Chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard, thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công của Indonesia tốt hơn Việt Nam.
Chẳng hạn, hệ thống tàu điện ngầm (MRT) tại Jarkata cũng vay vốn ODA của Nhật, đã đi vào vận hành được 5 năm, còn những hệ thống tương tự tại Hà Nội và Sài Gòn thì liên tục chậm tiến độ, chưa biết bao giờ mới xong.
Về chất lượng nhân sự, có thể thấy Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, một lãnh đạo theo khuynh hướng kỹ trị, trong nhiệm kỳ của mình đã làm được rất nhiều việc cho đất nước Indonesia.
Các bộ trưởng trong nội các của ông này cũng là những người được đào tạo bài bản, hiểu về kinh tế thị trường, quản trị tài chính và công nghệ. Tiêu biểu như Nadiem Makarim (sinh năm 1984), nhà sáng lập Gojerk (startup công nghệ từng được định giá 10 tỷ USD) được lựa chọn làm bộ trưởng giáo dục, công nghệ và văn hóa.
Tôi không nói người Indonesia thông minh hơn người Việt. Chúng ta có rất nhiều nhân tài nhưng phần lớn đều phải lựa chọn sinh sống và làm việc tại hải ngoại.
Ngày còn đi du học, tôi thấy những bạn bè Indonesia thường ít được đánh giá cao như sinh viên Việt Nam và Ấn Độ. Nhưng rõ ràng là thể chế của Indonesia hiện tại tốt hơn hẳn Việt Nam.
Và đó là yếu tố quyết định khiến các big tech đang có xu hướng chọn Indonesia thay vì Việt Nam.
RFA xin cảm ơn ông Nguyễn Quốc Trí đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.