Chất lượng luận án tiến sĩ những năm qua ra sao?

Báo cáo của Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố hồi cuối năm 2023 cho thấy, qua thẩm định luận án của nhiều cơ sở đào tạo trong 10 năm qua, chỉ có hai trường hợp phải sửa chữa lại luận án theo yêu cầu của người thẩm định, trong đó có trường hợp luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, Viện Khoa học Thể dục thể thao, với đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.

Luận án của quan chức?

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, Việt Nam có rất nhiều luận án tiến sĩ không có giá trị nhưng vẫn được cho qua vì những luận án này là do các quan chức thực hiện. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu quan điểm của ông:

“Quan điểm của tôi về cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thì có hai phần. Phần về khoa học xã hội thì có chính trị chi phối cho nên Viện khoa học xã hội Việt Nam đào tạo mỗi năm hơn 350 tiến sĩ, tức là mỗi ngày có một tiến sĩ ra đời với những đề tài, những luận án vớ vẩn không có tính chất khoa học. Những cái này chỉ là tạo dựng ra để những quan chức lấy bằng như một cách trang trí cho bản thân mình. Do đó, những luận án tiến sĩ khoa học xã hội của Việt Nam không có giá trị.    

Phần về khoa học ứng dụng thì đỡ hơn, nhưng cũng tùy vào giáo sư hướng dẫn. Khi sinh viên làm luận án thì họ cũng có lao động sáng tạo, theo giới hạn của họ. Thành ra đối với khoa học kỹ thuật, khoa học ứng dụng thì tôi cho là tạm được. Còn đối khoa học tự nhiên, những luận án về toán học thì có giá trị cho dù hoàn cảnh kinh tế và hoàn cảnh chính trị có khó khăn.

Năm nào tôi cũng đưa ý kiến về việc đào tạo tiến sĩ nhưng không biết chứng nào mới có thể cải tiến.”

Việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam những năm qua thường được giới chuyên gia, phân tích cho là “không giống ai” nhất là khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra chỉ tiêu phải có bao nhiêu tiến sĩ trong một năm cho các trường đại học, cao đẳng.

Quan điểm của tôi về cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thì có hai phần. Phần về khoa học xã hội thì có chính trị chi phối cho nên Viện khoa học xã hội Việt Nam đào tạo mỗi năm hơn 350 tiến sĩ, tức là mỗi ngày có một tiến sĩ ra đời với những đề tài, những luận án vớ vẩn không có tính chất khoa học. Những cái này chỉ là tạo dựng ra để những quan chức lấy bằng như một cách trang trí cho bản thân mình. Do đó, những luận án tiến sĩ khoa học xã hội của Việt Nam không có giá trị. – Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Năm 2010, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra Quyết định số 911 phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010- 2020.

Mục tiêu lúc bấy giờ là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng trong 10 năm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Thế nhưng chỉ sau năm năm thực hiện, đề án này được nói là không đạt kế hoạch vì đến năm 2016 chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo.

Tiếp đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Mang tính hình thức

Vào tháng 6 năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Văn Phúc trong buổi làm việc với Bộ Khoa học – Công nghệ nhằm phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030 đã phát biểu, cần phải “làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ như hiện nay”.

Theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, làm tiến sĩ thay vì học tiến sĩ có nghĩa cần đầu tư sâu hơn, đẩy mạnh hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo đột phá, thu hút nhà nghiên cứu đầu ngành, từ đó thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao để khoa học có thể nuôi khoa học.

Giáo sư Mạc Văn Trang cho rằng, chính cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam dẫn đến những luận án không có giá trị. Ông nói:

“Tôi thấy cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam nó chẳng giống ai cả. Ở Việt Nam trước đây cũng như ở các nước, đào tạo tiến sĩ thứ nhất chỉ dành cho những người làm ở các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có cơ sở nghiên cứu; thứ hai là đào tạo cho các giảng viên ở các trường đại học.

Đào tạo như vậy thì số lượng tiến sĩ ít và có chất lượng, vì bản thân những tiến sĩ đó đã có những vấn đề họ đang nghiên cứu; có những chuyên đề đang giảng dạy. Do đó, khi chọn đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn sâu của họ thì nó phát triển lên và có chất lượng.

Thế còn mấy năm gần đây, Việt Nam đào tạo tiến sĩ rất buồn cười, tức là ai cũng có thể làm tiến sĩ. Quan chức làm tiến sĩ rất nhiều. Những người không giảng dạy, không nghiên cứu sâu mà vẫn làm luận án tiến sĩ thì những luận án này chỉ mang tính hình thức. Nó không có chất lượng, không có giá trị gì cả. Làm xong, bảo vệ xong rồi vứt vào kho. Thế thôi”.

b38368a9-ddbb-421d-8d04-eba4d00e4fbf.jpeg
Một buổi lễ tốt nghiệp đại học được tổ chức ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. RFA

Giáo sư Mạc Văn Trang nói thêm, có những đề án viết cho có vì mục đích chính trị, truyên truyền chứ không thực chất. Chẳng hạn hàng loạt đề án được các ngành nghề, địa phương đưa ra vào năm 2010 với mục tiêu đạt được vào năm 2020 nhưng bây giờ chẳng ai biết đã làm được đến đâu.

Một trong những đề án được cho là chỉ mang tính tuyên truyền chứ không thiết thực là đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do ông Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng Ban Chỉ đạo. Đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bộ Tư pháp, được đưa ra vào chiều 7 tháng 7 năm 2022, khi ông Phúc còn làm chủ tịch nước.  

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA nhận định của ông:

“Một cái luận án tiến sĩ yêu cầu phải có yếu tố mới trong nghiên cứu khoa học, thì hiện nay tôi dám chắc 90% các luận án tiến sĩ hoàn toàn không có yếu tố mới, mà chỉ rập khuôn những báo cáo của hệ thống đảng, của hệ thống chính quyền để làm những luận án từ những “lò ấp tiến sĩ”. Tôi đã từng đặt vấn đề tại một cái hội thảo khoa học là có bao nhiêu phương thức để tìm ra yếu tố mới trong một cái luận án tiến sĩ trong một đề tài nghiên cứu kho học, thì hầu như không ai trả lời được.

Chúng ta thấy rõ ràng, con đường nghiên cứu là một con đường rất dài. Và cái luận án tiến sĩ trong buổi bảo vệ nhận cái bằng tiến sĩ chỉ là cái bước khởi đầu cho quá trình nghiên cứu của một nghiên cứu sinh, chứ không phải là bước cuối cùng, dùng nó để thăng quan tiến chức; dùng nó để khoe mẽ với xã hội rằng ta cũng có bằng tiến sĩ.

Người ta dùng nó để mua chức để rồi vơ vét ngân sách quốc gia, vơ vét tiền thuế của dân. Cả nước có gần 30 ngàn phó giáo sư, tiến sĩ nhưng có bao nhiêu sáng kiến khoa học? Có bao nhiêu cái bằng phát minh để phát triển kinh tế? Cấp lãnh đạo có biết không? Ông bộ trưởng giáo dục có biết chất lượng tiến sĩ hiện nay không?

Họ biết hết nhưng giả bộ làm ngơ vì họ bất lực. Đó là lỗi của cái hệ thống hiện nay.”     

Điểm lại các số liệu mà Bộ Giáo dục – Đào tạo tổng hợp mấy năm qua về chỉ tiêu cho đào tạo tiến sĩ cho thấy nhiều năm liền, tuyển sinh không đạt. Lý do được Bộ nêu ra là chỉ tiêu quá cao khi yêu cầu ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và hai bài báo quốc tế đăng trên tạp chí uy tín; người hướng dẫn cũng phải có công bố quốc tế.

Do đó, vào giữa tháng 8 năm 2021, Bộ Giáo dục – Đào tạo lại ban hành quy chế mới về đào tạo tiến sĩ với một số quy định được cho là dễ hơn, như không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có hai công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong năm năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra ba công bố cùng loại của nghiên cứu sinh.

Một số chuyên gia giáo dục lo ngại quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới với chuẩn tiến sĩ thấp như vậy có thể gây nhiều hệ lụy. Truyền thông Nhà nước dẫn lời của GS Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam rằng: “Như vậy, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức, chỉ cần sau một năm giảng dạy. Với chuẩn đầu ra thấp như thế này thì sau vài năm liệu có còn “thầy giỏi” để đào tạo ra “trò giỏi”?”.

Related posts