Đại diện Bộ Công an Việt Nam hôm 7/5 trả lời bình luận của các nước khẳng định, “dù chưa ban hành luật biểu tình, Việt Nam vẫn tạo điều kiện cho người dân diễu hành mít tinh, đông người.”
Tuy nhiên, việc này phải tuân thủ theo Nghị định 38 năm 2005 của Chính phủ vốn vốn quy định “việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký.”
Quy định này lại không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức.
Đối với các khuyến nghị về chống tra tấn, đại diện Bộ Công an cho biết, Việt Nam trừng trị nghiêm khắc hành vi tra tấn và đã thụ lý 6 vụ án với 15 bị cáo, đưa ra xét xử năm vụ với 12 bị cáo về tội dùng nhục hình.
Bộ Công an cũng đã phê duyệt dự án tổng thể cải tạo nâng cấp các cơ sở giam giữ đến nay đã nâng cấp được 200 nhà tạm giữ, gần 40 trại giam, tạm giam; đã lắp đặt thiết bị ghi âm ghi hình tại 204 phòng giám sát, xây dựng 63 mô hình điều tra thân thiện để điều tra giải quyết công vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu khả năng gia nhập Nghị định không bắt buộc của công ước chống tra tấn.
Đối với khuyến nghị về quyền tự do lập hội và hội họp hòa bình, nữ quan chức đại diện cơ quan hành pháp của Việt Nam cho rằng, “Việt Nam không hạn chế quyền tự do lập hội và hoạt động của các tổ chức NGO (phi chính phủ) trong nước.”
Tuy vậy, theo bà này, việc thực hiện các quyền tự do lập hội và hội họp hòa bình “phải tôn trọng quyền và lợi ích của cộng đồng và có thể bị hạn chế trong một số trường hợp cần thiết.”