Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận mới đây nhận định việc triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét tại tỉnh này bị chậm tiến độ một phần là do nguyên nhân khách quan bao gồm việc đăng tải thông tin không chính xác của một tờ báo điện tử làm cho các đối tượng phản động lợi dụng, xuyên tạc”. Thông tin này được truyền thông Nhà nước trích dẫn từ báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận đề ngày 26/3. Thông tin không nói cụ thể tờ báo điện tử nào.
Hồ chứa nước Ka Pét là dự án quan trọng cấp quốc gia và đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư. Dự án hồ Ka Pét có tổng diện tích đất là 697,73 ha, trong đó khoảng hơn 600 ha là đất rừng tự nhiên và vì vậy dự án hồ đang vấp phải nhiều phản đối từ người dân địa phương, một số nhà khoa học. Những người phản đối dự án cho rằng việc phá rừng làm hô lo lắng hiện tượng sa mạc hoá vùng đất do phá rừng trong khi cộng đồng người Chăm ở đây lo lắng những di sản của họ sẽ bị phá khi làm hồ dẫn đến nguy cơ xung đột sắc tộc.
Chính quyền địa phương khẳng định việc làm hô là cần thiết để cấp nước tưới cho đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Theo báo Nhà nước, Chính phủ vừa có báo cáo “hoả tốc” cho Quốc hội , thông báo việc chậm tiến độ dự án hồ Ka Pét và nêu ra các khó khăn căn cứ vào báo cáo của địa phương.
Hồ chứa nước Ka Pét với tổng vốn đầu tư ước tính 519 tỷ đồng và thời gian thực hiện từ năm 2019 – 2025. Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, đến nay dự án hồ chứa nước Ka Pét mới chỉ được cấp giấy phép khai thác, sử dụng mặt nước. Công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng đã làm xong từ tháng 12/2020 và cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng 4/2022.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Ban QLDA) phải lựa chọn nhà thầu khác để thực hiện công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hồ chứa nước Ka Pét.
Ngoài ra, các phần việc khác liên quan đến dự án cũng bị trì hoãn bao gồm: chuyển mục đích sử dụng rừng và tận thu lâm sản; khảo sát, lập hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lựa chọn nhà thầu rà phá bom mìn, vật liệu nổ và triển khai rà phá bom mìn; thực hiện các thủ tục liên quan đến các gói thầu thi công, giám sát, bảo hiểm công trình và triển khai thi công…
UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá nguyên nhân khách quan là do thông tin sai lệch được đăng trên một tờ báo điện tử khiến “các đối tượng phản động lợi dụng, xuyên tạc. Do đó, phải thận trọng rà soát, đánh giá khách quan các nội dung còn băn khoăn, trong đó có việc cân nhắc quy mô đầu tư dự án.”
Ngoài nguyên nhân này, tỉnh Bình Thuận còn nêu một số nguyên nhân khác liên quan đến địa chất cần thêm thời gian khảo sát’ sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có liên quan.