Sáng 21 tháng 5 năm 2024, tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật Đường bộ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề xuất luật hóa quy định thu phí ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định.
Theo bà Thủy, việc thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
UBND thành phố Hà Nội cho rằng để thực hiện đề án cần triển khai ba điều kiện kỹ thuật cần thiết. Thứ nhất, công nghệ thu phí phải số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng. Thứ hai, vận tải công cộng có thể đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi ôtô cá nhân có thể chuyển đổi sang phương tiện công cộng. Thứ ba, kết cấu hạ tầng, bãi đỗ xe và trung chuyển cần có sự kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Mục đích là phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ ôtô cá nhân sang phương tiện công cộng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu quan điểm của ông với RFA:
“Để giảm sự ùn tắc giao thông hay ô nhiễm khói xe trong nội ô thì tôi nghĩ, việc phải bớt các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy thì đằng nào cũng phải tiến hành thôi. Nhưng vấn đề là khi nào mà thôi. Nếu hệ thống giao thông công cộng tốt thì ngăn cấm hay việc thu phí giao thông… chỉ là những biện pháp kỹ thuật. Mà những biện pháp kỹ thuật ấy thì có thể tính toán sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể để đừng ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân”.
Tháng 4 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025, giao một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí nội đô.
Để giảm sự ùn tắc giao thông hay ô nhiễm khói xe trong nội ô thì tôi nghĩ, việc phải bớt các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy thì đằng nào cũng phải tiến hành thôi. Nhưng vấn đề là khi nào mà thôi. – Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Năm 2017, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có giải pháp thu phí vào nội đô.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, chính sách thu phí kẹt xe nhằm giảm giao thông cá nhân được Ủy ban Nhân dân thành phố này đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, thành phố HCM sẽ hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố bằng giải pháp thu phí xe vào giờ cao điểm và hạn chế chỗ đậu xe kết hợp thu phí đậu xe theo giờ. Thời gian thu dự kiến áp dụng trong các khung giờ cao điểm, mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh.
Hồi năm 2017, Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong cũng đề xuất dự án thu phí vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc với tổng mức đầu tư cho dự án gần 1.800 tỷ đồng, dự kiến trong mỗi năm ngân sách thành phố sẽ thu về thêm khoảng 700 tỷ đồng trong 15 năm.
Đây cũng là giải pháp được Tiến sĩ Nguyễn Quang A đề nghị. Ông nói với RFA:
“Tôi nghĩ rằng, có một giải pháp đơn giản khiến người ta rất ngại đưa xe vào nội đô, đó là thu phí đỗ xe. Đấy là một tài sản mà không có bất cứ chính quyền của bất kể thành phố nào trên thế giới bỏ qua cả. Ở Việt Nam thì rất đáng tiếc là chính quyền Hà Nội hay chính quyền Sài Gòn đã bỏ rơi.
Ví dụ vào nội đô, mỗi chiếc xe phải trả tiền đỗ vài trăm ngàn một giờ, và tìm chỗ đỗ cũng khó. Lập tức người ta sẽ không lái xe vào nội đô nữa. Còn những người trong nội đô có xe ô tô thì phải xây những chỗ cho họ để xe. Nếu không có chỗ thì phải để ở vỉa hè, tức họ chiếm dụng tài sản công, thì phải thu tiền. Như thế cũng công bằng vì ai có xe thì phải chị. Đấy là cách dễ nhất giải quyết nạn kẹt xe mà còn thu được ngân sách cho thành phố.
Đừng nghĩ rằng chính quyền giỏi, dân chẳng là cái đinh gì. Mà cán bộ muốn làm gì cũng phải chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, phải theo chỉ thị, nghị quyết thì đó là một tâm tính làm thui chột tất cả mọi sáng kiến, mọi sự chủ động của các quan chức. Đấy là điều gây tác hại khủng khiếp”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm, ông không yêu cầu chính quyền phải nghe ý kiến của ông hay của bất cứ người dân nào, mà ông chỉ yêu cầu chính quyền nên nghe dân và thấy cái gì dân góp ý hay thì nên làm.
Nói đến nạn kẹt xe và giải pháp thu phí vào nội đô, cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cũng là một tiến sĩ luật, từng viết trên Facebook của mình rằng, các nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông lớn nhất hiện nay tại Hà Nội đều do quản lý và có thể không loại trừ nhóm lợi ích chứ đâu phải do xe ngoại tỉnh vào Hà Nội. Cũng theo ông Nhưỡng, việc thu phí xe vào nội đô là bất công và chính nó gây bất bình đẳng trong chi phí xã hội, vi phạm nguyên tắc tự do đi lại và tự do kinh doanh doanh theo Hiến pháp và Luật cạnh tranh.
Việc này cũng có vẻ đúng nhưng thật ra đấy chỉ là một cách xử lý mang tính chắp vá mang tính tình thế mà thôi. Rồi cũng không ăn thua vì nếu người dân có nhu cầu vào nội đô thì họ vẫn đóng tiền để vào. – Ông Nguyễn Khắc Toàn
Ông Nguyễn Khắc Toàn, một người dân Hà Nội không tin việc thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ giải quyết được nạn kẹt xe. Ông nói:
“Theo tôi, đây là một chủ trương đối phó với tình thế. Bởi việc ô tô các tỉnh và ô tô của người dân sống trong nội đô có tăng lên, trong khi đường xá, hạ tầng cơ sở yếu kém, cũ kỹ, chật hẹp không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Bây giờ họ phải dùng biện pháp đối phó bằng cách hạn chế xe lưu thông vào nội đô để bớt tình trạng ách tắc này. Việc này cũng có vẻ đúng nhưng thật ra đấy chỉ là một cách xử lý mang tính chắp vá mang tính tình thế mà thôi. Rồi cũng không ăn thua vì nếu người dân có nhu cầu vào nội đô thì họ vẫn đóng tiền để vào”.
Theo thông tin được đưa ra sáng 12 tháng 7 năm 2022 tại Hội nghị đánh giá thực hiện Nghị quyết số 53 về phát triển kinh tế – xã hội cho thấy, năm 2009, nạn kẹt xe ở TP.HCM gây thiệt hại khoảng 13.000 tỉ. Đến năm 2022, thiệt hại lên tới 138.000 tỉ đồng, cao gấp hơn 10 lần.