“Việc một số tài khoản được cho là xuất phát từ Việt Nam bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội vừa qua không đại diện cho quan điểm của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không đồng tình với các ý kiến, bình luận mang tính kích động, chia rẽ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia, công kích cá nhân lãnh đạo hai nước.”
Đó là lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khi trả lời mạng báo VietNamNet ngày 23 tháng 5 về quan điểm của Chính phủ Hà Nội đối với đề nghị của phía Phnom Penh hợp tác điều tra thông tin một số tài khoản mạng xã hội được cho là của công dân Việt Nam có lời lẽ không đúng mực trên tài khoản của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Hôm 20 tháng 5, Bộ Thông tin Campuchia cho biết Phó Thủ tướng Campuchia đã triệu Đại sứ Việt Nam Nguyễn Huy Tăng để thảo luận về những bình luận xúc phạm dưới những video trên tài khoản TikTok của cựu Thủ tướng Hun Sen.
Sok Chenda Sophea, đồng thời là Ngoại trưởng Campuchia, cho biết những bình luận này “gây ra cảm giác xấu trong chính phủ hoàng gia và người dân Campuchia” và yêu cầu Việt Nam hợp tác để xác định danh tính những người đứng sau chúng.
Động thái này diễn ra sau khi Hun Sen yêu cầu chính quyền hợp tác với Việt Nam để truy tìm những người để lại bình luận thiếu tôn trọng bằng tiếng Việt trên các video TikTok của mình.
“Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy những bình luận về (clip) TikTok mà tôi đã đăng,” Hun Sen viết trên Facebook hôm 19/5.
Trong ảnh chụp màn hình đính kèm bài đăng trên Facebook của ông, có những bình luận bằng tiếng Việt có nội dung:
“Việt Nam đã đổ máu cho nền hòa bình của Campuchia”, hay “Hãy nhớ đến hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam nằm lại mảnh đất Campuchia”.
Cựu thủ tướng, hiện là Chủ tịch Thượng viện và nắm giữ nhiều quyền lực ở Campuchia, còn bị gọi là “kẻ vô ơn”, “con rối của Trung Quốc” và “kẻ phản bội”.
Hun Sen cho biết ông nghi ngờ nguyên nhân các vụ tấn công có thể là do dự án kênh đào Funan Techo được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là người đứng đầu chính phủ.