III
Cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại
Mô hình chuyên chế đã quay trở lại, trong đó Đảng – Nhà nước được củng cố theo hướng “nhất thể hoá” với tính chất cách mạng, thiên về sử dụng sức mạnh bạo lực được thúc đẩy. Sự thay đổi này được coi như một phản ứng ‘tự vệ’ trước sự tồn vong của chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” trong bối cảnh quốc tế biển đổi nhanh, phức tạp khó lường. Sự “chuyển đổi”này có thể quan sát thấy qua nhiều sự kiện liên tục và, đặc biệt các biến cố chính trị gần đây. Trong đó, một là, khủng hoảng nhân sự ở thượng tầng, “tứ trụ” liên quan đến chống tham nhũng và vẫn đang diễn biến khó lường, với các nhân sự “kiện toàn” bộ máy Đảng có nguồn gốc từ các bộ sức mạnh ; Hai là, khó khăn kinh tế, hiệu ứng phức tạp của thị trường, niềm tin vào chế độ giảm sút ẩn chứa bất ổn xã hội…; Ba là, các yếu tố trong và ngoài nước khác đang thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống người dân để đảm bảo tính chính danh của chế độ. Đây là tình thế có thể đẩy đất nước vào giai đoạn thay đổi khó lường, bởi vậy cần thiết phải nâng cấp cảnh báo.
Là một chính đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam (CS) nhìn nhận vấn đề có liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh chế độ. Ngày 13/7/2023 Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW) ban hành Chỉ thị 24-CT/TW (kiểu chỉ thị nội bộ có đóng dấu “Mật”) về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. The 88 Project[1] (Dự án 88 hộ trợ và khuyến khích thực hiện nhân quyền ở Việt Nam) “phát hiện” và giải mật vào thời điểm “nhạy cảm” khi Tổng thống J. Biden thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ thành đối tác chiến lược toàn diện và, sau đó ít ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đã đến Hà Nội củng cố cấp quan hệ cao nhất giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam tiến hành ngoại giao cây tre trong môi trường quốc tế và khu vực phức tạp khi Mỹ và Trung Quốc vừa là đối tác thương mại vừa là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, Việt Nam là “đồng minh” ý thức hệ với Trung Quốc khiến giới quan sát chú ý tới “Chỉ thị số 9” của Đảng CS Trung Quốc nhấn mạnh về nguy cơ an ninh chế độ khi hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây.
Trong khi những tranh luận vẫn diễn ra căng thẳng đối nghịch nhau về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nói chung và từ nội dung của Chỉ thị 24-CT/TW nói riêng, thì sự “chuyển đổi” từ “toàn trị” sang “chuyên chế” đã diễn ra như con sóng ngầm, không thấy trên bề mặt nhưng mạnh mẽ dưới tầng sâu. Như đã biết, với đặc trưng là đứng trên nhà nước để cai trị, giới lãnh đạo chế độ Đảng CS trong những năm đầu thực hiện chủ trương Đổi mới đã “nhận ra” những rào cản thể chế và đã dần gỡ bỏ, trong đó sự “song trùng” giữa hai cơ quan của Đảng và Nhà nước nhưng cùng một chức năng, chẳng hạn Ban nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp… Tuy nhiên, những đòi hỏi cải cách thể chế mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu từ thực tế, tăng cường hội nhập và mở rộng kinh tế thị trường để tăng trưởng đã thách thức năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng…
Thay vì cải cách thể chế chính trị tương thích với thể chế kinh tế, Đảng vẫn theo đuổi quyền lực tuyệt đối để tạo ra những chủ trương, chính sách và các cơ quan, tổ chức “chuyên chế” để đối phó với tham nhũng đã lan rộng và nghiêm trọng… Không khó để nêu các thể chế như vậy. Các Ban đảng như ban Nội chính, Ban Kinh tế… được tái thiết lập và tăng cường, trong đó nổi bật nhất là hệ thống Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trải dài từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, các quy tắc đảng cũng là những “đặc sản” của chế độ toàn trị. Chẳng hạn, Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng, trong đó Bộ Chính trị (hay Cấp Uỷ) giới thiệu ứng cử viên duy nhất để bầu trong các đại hội đảng; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo cho phép lãnh đạo vùng cấm như ở Bộ chính trị “hạ cánh an toàn, không bị truy cứu hình sự” dưới hình thức “chịu trách nhiệm chính trị”; Quy định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Và mới đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới… Ông Tổng Bí thư Đảng từng được ‘ca ngợi’ là “một bậc thầy về các quy tắc phức tạp”[2]
Như một hệ quả của sự tập trung quyền lực để cai trị, sự tăng cường của các bộ sức mạnh như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và sự đại diện của các lãnh đạo trong cơ cấu của cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, Bộ Chính trị. Diễn biến trên chính trường đang khó lường, nhưng như một phản xạ không điều kiện, có thể quan sát nền chính trị của đồng minh ý thức hệ Trung Quốc để đối phó. Tuy nhiên, những khác biệt về thời điểm và sự chuyển giao ngôi vị Tổng bí thư khiến giới quan sát không khỏi “lo lắng” những gì sẽ đến với đất nước và người dân Việt Nam. Một điều không thể trong lúc này là bản chất chế độ không thay đổi.
Chế độ đảng toàn trị với bản chất chuyên chế, cách mạng, cai trị dựa vào hai trụ cột chủ yếu: bộ máy đặc quyền (nomenklatura) và ý thức hệ cộng sản (CNXH). Ngoài những tính chất quyết đoán, bạo lực, kỷ luật, khép kín, có niềm tin, tư duy phức tạp… hai trụ cột này giúp chế độ trở nên tinh vi, dẻo dai và ứng phó cao… Nomenklatura theo tiếng Latin là nomenclature[3], chế độ “danh pháp”, nghĩa là đặt tên hay tạo ra quy tắc đặt tên các tổ chức, dựa trên hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin không ngừng biến đổi nhằm cải tạo hiện trạng nhằm mục đích tiến tới xã hội cộng sản. Với các trụ cột cai trị này chế độ đảng toàn trị đã “ủ bệnh” và phát tác bất cứ khi nào có cơ hội và dưới các hình thức khác nhau…
Mô hình Putin vẫn phải dựa vào “nomenklatura”, như một tầng lớp cai trị (ruling class[4]), kết hợp với việc sử dụng thân tín, hệ thống đầu sỏ (oligarchs) như một công cụ sức mạnh để cai trị… Và, khi một Trung Quốc đang trỗi dậy hung hăng với mô hình chuyên chế mà ông Tập Cận Bình đang tiến hành khiến cho nhiều nước, đặc biệt các nước phương Tây, các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại khi đặt vấn đề an ninh chế độ lên trên các vấn đề kinh doanh của họ cũng như dân chủ, nhân quyền nói chung… Trong bối cảnh tham nhũng huỷ hoại chế độ toàn trị và thách thức sự kiên nhẫn của người dân mô hình chuyên chế đã quay lại Việt Nam và, câu hỏi đặt ra là liệu giới lãnh đạo có tránh được vết xe đổ mà các “đồng minh” ý thức hệ đang sa vào?
Phần 1: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 1)
Phần 2: Tham nhũng hủy hoại chế độ toàn trị, cảnh báo đỏ về mô hình chuyên chế trở lại (Phần 2)
__________________
Tham khảo:
[1] https://the88project.org/about-us/;
[2] https://nghiencuuquocte.org/2021/03/10/con-duong-chinh-tri-cua-nguyen-phu-trong;
[3] Https://en.wikipedia.org/wiki/Nomenklatura;
[4] https://archive.org/details/nomenklaturasovi0000vosl_l7v8/page/n7/mode/2up/ Nomenklatura: the Soviet ruling class
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do