Có 16 doanh nghiệp xăng dầu đã bị thu hồi giấy phép từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia kinh doanh.
Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/6, đồng thời khẳng định, việc các doanh nghiệp trả giấy phép và Bộ đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay trên tờ Đầu tư lý do các doanh nghiệp rút khỏi thị trường là vì họ không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.
Bà Hiền cũng cho biết, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tính năm tháng đầu năm 2024, các đầu mối kinh doanh xăng dầu được nói đã thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn cung xăng dầu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước ước thực hiện quý II/ 2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý II/2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7 – 1,8 triệu m3/tấn, về cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, thời gian tới, bà Hiền cho biết, Bộ chỉ đạo các thương nhân sản xuất và kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký; tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký; Thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Hôm đầu tháng 1/2024, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra xăng dầu, trong đó nêu rõ Bộ Công Thương có vi phạm trong cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, điều hành giá xăng dầu…
Theo kết luận, TTCP cho rằng từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Do Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo nên trong gần ba năm, một số thương nhân phân phối bán cho đầu mối sai quy định, khoảng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu, chênh lệch giá bất hợp pháp. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối đã không tạo nguồn theo quy định, ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu của thị trường. Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn tới gián đoạn nguồn cung vào năm 2022.
Tháng 8/2022, thị trường thiếu nguồn cung, hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, do thua lỗ kéo dài. Năm ngoái tình trạng khan hiếm xăng dầu cũng tiếp tục diễn ra tại nhiều tỉnh, thành. Nhiều đại lý, cây xăng phải treo biển đóng cửa, khiến người dân và doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn.