Philippines đã đệ trình cho Ủy Ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên hiệp Quốc bản đăng ký mở rộng thềm lục địa rộng ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Manila cho rằng đó là những khu vực mà Philippines có độc quyền khai thác tài nguyên.
Bộ Ngoại giao Philipines cho biết như vừa nêu ngày 15/6 và nói thêm việc đệ trình vừa nêu được thực hiện sau hơn một thập niên rưỡi nghiên cứu khoa học. Benar News và truyền thông quốc tế loan tin trong cùng ngày.
AP nói Trung Quốc chưa có bình luận về hoạt động đệ trình vừa nêu của Philippines; nhưng chắc chắc Bắc Kinh sẽ phản đối.
Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Marshall Louis Alferez được dẫn nguyên văn rằng “Những vụ việc xảy ra trong vùng biển này (Biển Đông) có khuynh hướng che mờ tầm quan trọng của những thứ dưới mặt biển. Vùng đất dưới lòng biển mở rộng tối đa tính từ các quần đảo của chúng tôi theo Công ước về Luật biển Liên hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 có những nguồn tài nguyên tiềm năng đáng kể mang lại lợi ích cho đất nước và người dân chúng tôi thuộc nhiều thế hệ tương lai. Hôm nay chúng tôi bảo đảm tương lai đó qua việc công bố độc quyền khai thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng thềm lục địa mở rộng hợp pháp của chúng tôi”.
Vùng thềm lục địa mở rộng mà Philippines muốn được Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của LHQ công nhận theo UNCLOS 1982 bao gồm vùng quần đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Brunei, Đài Loan, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, và Việt Nam.
Theo UNCLOS 1982, một quốc gia ven biển có thể có độc quyền khai thác tài nguyên trong vùng thềm lục địa của họ; đây là vùng long biển có thể rộng đến 350 dặm (648 km); trong đó có quyền cho phép và kiểm soát mọi hình thức khoan xuống long biển.
Vùng thềm lục địa của Philippines có thể chồng lấn với những nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Manila từng nói sẵn sàng đàm phán để giải quyết thực tế này theo UNCLOS 1982.