Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin hôm 20/6 đưa ra tuyên bố chung cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước của ông Putin tới Hà Nội.
Lãnh đạo hai nước có cuộc hội đàm vào trưa ngày 20/6 và tổ chức cuộc họp báo chung sau đó. Tại họp báo, tân Chủ tịch nước Việt Nam ca ngợi cuộc hội đàm đã diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành và đánh giá cao chuyến thăm của ông Putin, đồng thời cho biết Việt Nam luôn biết ơn Liên Xô (trước đây) và Nga vì các viện trợ cho Việt Nam trước đây.
Người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, hai bên đã nhất trí quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật phát quốc tế.
Hai bên cam kết không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích cơ bản của nhau, không nhằm chống lại bất kì bên thứ ba, ủng hộ và tiếp tục đóng góp cho hòa bình của khu vực và trên thế giới.
Những cam kết này cũng là lập trường chung của Việt Nam với các nước nhưng trong trường hợp với Nga, Hà Nội hiện đang gặp phải nhiều chỉ trích.
Trước chuyến thăm của Putin tới Hà Nội, người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã chỉ trích ông Putin về cuộc chiến xâm lược Ukraine. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết: “Không quốc gia nào nên tạo cho Putin một diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và mặt khác cho phép ông ta bình thường hóa hành vi tàn bạo của mình”.
Hồi tháng trước, Việt Nam cũng hoãn chuyến thăm của đặc sứ EU phụ trách thực thi các biện pháp trừng phạt Nga – ông David O’Sullivan. Quyết định này được cho là để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin tới Hà Nội. EU đã bày tỏ thất vọng trước quyết định này của Hà Nội.
Một bài viết trên tờ Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 19/6, cho biết ông Putin đã ca ngợi lập trường cân bằng của Hà Nội trong cuộc chiến ở Ukraine và gọi đây là cách giải quyết rất thực tế đối với khủng hoảng.
Cũng trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, báo Nhà nước cho biết Chủ tịch Tô Lâm – người từng là Bộ trưởng Bộ Công an – đã chúc mừng ông Putin vừa tái đắc cử Tổng thống và ca ngợi những thành tựu của Nga bao gồm cả việc “ổn định chính trị nội bộ”.
Sau cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, tư pháp, dầu khí..
Đáng chú ý trong các văn kiện được ký kết nhân chuyến thăm lần này có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft; Bản ghi nhớ về hợp tác tại Việt Nam giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Novatek.
Hợp tác dầu khí là một trong các hợp tác truyền thống lâu đời giữa Liên Xô (trước đây) và tiếp theo là Nga với Việt Nam.
Zarubezhneft có hơn 40 năm kinh nghiệm hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Liên doanh Vietsovpetro thành lập từ năm 1981. Hiện Zarubezhnetf đang tham gia khai thác ở một số lô dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông bao gồm các lô 06-1 thuộc Mỏ Lan Tây – Lan Đỏ, lô 09-1 thuộc bể Cửu Long.
Hồi tháng năm vừa qua, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) của Việt Nam cho biết Zarubezhneft và PV GAS đã và đang phối hợp triển khai các dự án khí tại Việt Nam và gần đây nhất là việc thống nhất và ký kết Bản ghi nhớ về việc mua bán khí mỏ Thiên Nga – Hải Âu từ lô 12.11 vào ngày 15/03/2024 giữa hai bên.
PVEP cho biết hai bên đang triển khai dự án khí mỏ Thiên Nga – Hải Âu và vận chuyển về bờ bằng hạ tầng đường ống vận chuyển khí Nam Côn Sơn 1 hiện hữu, thông qua giàn Rồng Đôi, lô 11.2. Đây cũng sẽ là cơ sở cho việc phát triển mỏ Rồng Đôi Mới và các tiềm năng chưa phát hiện tại khu vực lô 11.2.
Hoạt động tìm kiếm và khai thác của Zarubezhnetf ngoài khơi Việt Nam thời gian vừa qua cũng gặp những trở ngại nhất định khi Trung Quốc liên tục đưa tàu tuần duyên và khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, gần các lô dầu khí do Zarubezhneft vận hành.
Trong họp báo mới giữa ông Tô Lâm và ông Putin, hai bên khẳng định ủng hộ việc bảo đảm an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, ủng hộ thực hiện đầy đủ DOC, sớm đàm phán tiến tới COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Putin trước đây đã từng lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế về những đòi hỏi quá đáng ở Biển Đông.
Ông Putin nói: “Chúng tôi thống nhất và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này, không công nhận quyết định mà tòa đưa ra. Đây không phải là lập trường chính trị mà hoàn toàn về mặt pháp lý”.