Lương hưu chỉ tăng một nửa so với lương công chức là bất công!

Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng 15%, trong khi lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được tăng 30%.

Đại diện thường trực Chính phủ cho rằng, đây là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong đảm bảo ổn định đời sống người nghỉ hưu.   

Phi lý, bất công

Ông Đinh Kim Phúc, một công chức đã nghỉ hưu, nêu quan điểm của ông với RFA:

“Chúng tôi đóng vào quỹ bảo hiểm để về hưu được lãnh, là đồng tiền của cá nhân chúng tôi, là tiền của cơ quan, xí nghiệp sử dụng lao động chúng tôi đóng góp chứ không phải tiền của Nhà nước.

Bản thân tôi có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội, mà khi về hưu năm 2019 đến nay, mỗi tháng tôi nhận được 6.100.000 đồng, sống giữa thành phố Sài Gòn đắt đỏ. Thử hỏi người về hưu với đồng lương hưu như thế thì chống chọi với cuộc sống như thế nào?

Tôi yêu cầu các ông bà ngồi trong phòng lạnh suy nghĩ. Đừng vì mình có đặc quyền đặc lợi rồi luôn luôn vẽ chuyện ra với người lao động. Như thế là bất công, Nó không đúng với chủ trương của đảng và nhà nước; không đúng với lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Tôi không biết rằng những ông bà có trách nhiệm dựa trên cơ sở nào mà ấn định con số 15% cho người lãnh lương hưu. Vì cái đồng lương hưu đó là do cơ quan, xí nghiệp sử dụng lao động đóng, và đồng tiền này quỹ bảo hiểm xã hội thu giữ không phải là đồng tiền chết mà nó là đồng tiền sinh lời”.

Tôi yêu cầu các ông bà ngồi trong phòng lạnh suy nghĩ. Đừng vì mình có đặc quyền đặc lợi rồi luôn luôn vẽ chuyện ra với người lao động. Như thế là bất công, Nó không đúng với chủ trương của đảng và nhà nước; không đúng với lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. – Ông Đinh Kim Phúc

Ông Nguyễn Đăng Quang, một kỹ sư xây dựng mới về hưu, nói với RFA quan điểm của ông:

“Chỉ tăng 15% cho hưu trí, bằng nửa mức tăng 30% đối với người đang làm việc là bất công, bởi lẽ trong quá khứ thì người về hưu cũng làm việc, cống hiến như người đang làm việc; còn về chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày thì đối tượng nào cũng như nhau cả. Thử hỏi, có ai giảm giá hàng hóa, dịch vụ cho người về hưu khi họ sử dụng hàng hóa, dịch vụ không? 

Đâu phải công chức đi một cuốc xe trả 100 ngàn, người về hưu rồi đi cuốc đó chỉ phải trả sáu, bảy chục ngàn đâu. Nó phi lý, bất công. Hơn nữa, lương hưu là tiền tích lũy của chính người lao động nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội khi còn làm việc, để dành khi về hưu chứ không phải là ngân sách nhà nước. Bây giờ đến tuổi hưu mình được nhận, mà mức độ nhận bao nhiêu thì tùy thuộc vào thời gian mình đóng bảo hiểm xã hội cũng như số tiền mình đóng”.

Theo Điều 57 Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, hồi tháng 8 năm 2012, trong báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Hà Nội công bố, được thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, với sự cộng tác của Bộ Lao động – Thương binh – xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê, thì quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029.

000_K20N1.jpg

Đến tháng 5 năm 2014, ILO dự báo đến năm 2021, quỹ bảo hiểm xã hội của Việt Nam sẽ mất cân đối thu chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Dự báo đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn dẫn đến khả năng vỡ quỹ và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu. Tuy nhiên, Chuyên gia của ILO tại Việt Nam Carlos Galian lúc bấy giờ cho biết, thực tế khả năng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội có thể xảy ra sớm hơn. 

Quỹ bảo hiểm vỡ?

Dự đoán của chuyên gia ILO vận dụng với thực tế chính sách thay đổi của Việt Nam thời gian gần đây được nhiều người “bán tín bán nghi” về việc “quỹ bảo hiểm vỡ”.

Có thể thấy điều đó khi năm ngoái, nhằm khắc phục việc mất cân đối của quỹ, Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ lao động lên tương ứng 62 và 60 tuổi. Đây được xem là biện pháp tốt nhất vì tác động nhanh nhất cả đầu ra và đầu vào của quỹ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất không cho rút bảo hiểm xã hội một lần quá 50% tổng thời gian đóng quỹ hưu trí và tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động khi về hưu, tránh tạo gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội.

Chỉ tăng 15% cho hưu trí, bằng nửa mức tăng 30% đối với người đang làm việc là bất công, bởi lẽ trong quá khứ thì người về hưu cũng làm việc, cống hiến như người đang làm việc; còn về chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hàng ngày thì đối tượng nào cũng như nhau cả. Thử hỏi, có ai giảm giá hàng hóa, dịch vụ cho người về hưu khi họ sử dụng hàng hóa, dịch vụ không?  – Ông Nguyễn Đăng Quang

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.

Trao đổi với RFA lúc bấy giờ, bác sĩ Đinh Đức Long, nêu quan điểm của ông:

“Họ làm như thế có thể do quỹ bảo hiểm vỡ hoặc không còn đủ tiền chi trả cho người lao động.

Lương của người lao động mỗi tháng trích ra đóng bảo hiểm xã hội, khi hết tuổi lao động họ sẽ được hưởng lương hưu. Về nguyên tắc, đó là tiền của người lao động. Anh dựa vào cơ sở pháp lý nào, hay là ý muốn chủ quan của anh mà có thể chiếm đoạt lương của người lao động như thế?

Tiền của người lao động trích từ lương thì về nguyên tắc, họ có toàn quyền trên đồng tiền của họ. Nếu người ta không tin có thể sống đến già, hay không tin đồng tiền sẽ không trượt giá, mất giá thì họ có quyền rút hết ra.”

Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Quỹ bảo hiểm xã hội không phải là quỹ chết, mà quỹ này được Chính phủ cho phép sử dụng đồng tiền đó để mua trái phiếu Chính phủ, để cho Chính phủ vay, để gửi trong các ngân hàng lấy lãi, đầu tư vào một số dự án xây dựng…

Mục đích sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội là chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định; chi trả chi phí quản lý bảo hiểm xã hội như: Chi phí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội; chi phí tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp; chi phí cải cách thủ tục bảo hiểm xã hội, hiện đại hóa hệ thống quản lý; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng bảo hiểm xã hội.

Related posts