Việc một chủ nhà trọ ở Hà Đông lắp đặt camera quay lén trong ba nhà vệ sinh của nữ sinh thuê phòng hoặc vụ camera quay lén các đôi tình nhân trong khách sạn để tống tiền hay mới đây một người mẫu bị quay lén trong phòng thay quần áo… đều khiến dư luận bức xúc.
Nhiều trường hợp, theo truyền thông Nhà nước, được nạn nhân phát hiện kịp thời nên những hình ảnh, video quay lén nhạy cảm đó chưa bị đăng tải lên mạng xã hội hoặc bị rao bán trên các web đen.
Phải phạt thật nặng để răn đe
Theo công an quận Hà Đông, hành vi của chủ nhà trọ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên chỉ bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng về hành vi thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Trong khi đó, nhìn nhận ở góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Phạm Quỳnh Hương cho rằng, việc các nạn nhân phát hiện bị quy lén, sẽ dẫn đến sự khủng hoảng, lo sợ, làm ảnh hưởng tới công việc và sức khỏe tinh thần của họ. Bà nói với RFA:
“Những người bị quay lén như thế sẽ bị ảnh hưởng tâm lý rất là ghê gớm. Nhiều người bị ảnh hưởng suốt đời luôn. Tôi nghĩ, mặc dù quay lén nhưng họ có hẳn một thị trường để tiêu thụ những video quay lén đó. Nếu không thì họ sẽ không làm. Ở các nước họ có quy định, có luật pháp chặt chẽ. Còn ở Việt Nam thì khác. Vi phạm chỉ bị phạt có mười mấy triệu đồng thì ăn thua gì. Cơ bản là luật Việt Nam không quy định phạt thật nặng thì không thể giải quyết được.”
Báo Công an mới đây có bài viết “Camera quay lén được rao bán tràn lan” để nói về vấn nạn quay lén. Hiện, theo nội dung bài viết, camera quay lén được ngụy trang dưới nhiều hình thức như cây bút, cục sạc dự phòng, nút áo, đồng hồ, móc chìa khóa, ổ cắm điện…và được bán công khai trên mạng.
Rõ ràng là họ tập trung tất cả những nguồn lực để cai trị và kiểm soát con người trong một nhà nước độc tài hơn là dùng năng lực của công an trong việc kiểm soát an ninh xã hội. Cái cách đẩy cho báo chí kết tội “thị trường” là né tránh trách nhiệm buồn cười, đặc biệt với một ngành mà đã từng đưa vào quốc hội đề nghị kiểm soát từng con dao trên thị trường. – Người dân Sài Gòn
Chỉ cần gõ từ khóa “Camera quay lén” trên Facebook, hàng loạt danh khoản như “Camera Siêu Nhỏ Giấu Kín- Camera Ngụy Trang Quay Lén- Máy Nghe Lén Siêu Nhỏ”, “Hội Camera Quay Lén Siêu Nhỏ – Định Vị Nghe Lén Từ Xa”… xuất hiện kèm theo số điện thoại liên lạc. Hoặc gõ “mua camera quay lén” trên Google, hàng chục ngàn kết quả hiển thị, giới thiệu người mua đủ các loại camera mini ngụy trang quay lén siêu nhỏ giá rẻ; thậm chí có cả hướng dẫn điều khiển để lấy file từ xa…
Bỏ ngỏ kiểm soát an ninh xã hội
Một người dân Sài Gòn nói với RFA:
“Đời sống mất an ninh là câu chuyện cần làm rõ trách nhiệm của Bộ công an, ngành ăn tiền thuế nhất nhì trong đất nước. Vì với những lời tuyên bố rùm beng về ngành công an hiện đại của thế kỷ XXI, mà đến lúc này công an Việt Nam tích cực phát triển theo hướng của Trung Quốc thu thập sinh trắc học của tất cả công dân, theo sát từng bước mỗi người theo hệ thống VNeid, nhưng lại không thể kiểm soát nổi nguồn camera ip bẩn từ Trung Quốc.
Rõ ràng là họ tập trung tất cả những nguồn lực để cai trị và kiểm soát con người trong một nhà nước độc tài hơn là dùng năng lực của công an trong việc kiểm soát an ninh xã hội. Cái cách đẩy cho báo chí kết tội “thị trường” là né tránh trách nhiệm buồn cười, đặc biệt với một ngành mà đã từng đưa vào quốc hội đề nghị kiểm soát từng con dao trên thị trường”.
Theo trang chủ Thư viện Pháp luật Việt Nam, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể định nghĩa về hành vi quay lén người khác. Tuy nhiên, quay lén người khác có thể hiểu là hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử có chức năng ghi hình (thường là điện thoại, camera, máy quay, các thiết bị ngụy trang có chức năng ghi hình…) nhằm lưu lại hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó.
Tuy vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc người có hành vi quay lén người khác đồng nghĩa với việc chưa có sự đồng ý của người bị quay nên đây là một hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền của người khác.
Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ với RFA về vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi vi phạm trên:
“Về phương diện pháp lý, hình ảnh của một người thuộc quyền nhân thân của người đó được luật pháp quy định bảo vệ, mọi sự xâm phạm hình ảnh hoặc phát tán chúng đều phải chịu sự chế tài. Tùy mức độ và cách thức vi phạm, thì đương sự có thể bị xử lý bằng xử phạt hành chính (phạt tiền) hoặc nghiêm trọng hơn thì có thể bị khởi tố hình sự về các tội danh: “Làm nhục người khác”, “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, hoặc “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”…
Trong đó, có hình phạt bằng tiền cao nhất là 30 triệu đồng hoặc hình phạt tù giam lên đến 15 năm. Tuy nhiên, qua một vài vụ việc báo chí đăng tải gần đây, như xử lý một trường hợp chủ nhà trọ đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh của khách trọ chỉ bị phạt tiền 12,5 triệu đồng là quá nhẹ nhàng. Điều này không đủ sức răn đe đối với những người có ý định vi phạm tương tự”.
Các chuyên gia về luật mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, mức chế tài cho hành vi quay lén không đủ mạnh nên không đủ sức răn đe, dù nó gây tổn thất về tinh thần rất nặng nề cho người bị quay lén vì phải sống với sự lo âu kéo dài rằng, hình ảnh riêng tư của mình có thể đã hoặc sẽ bị phát tán bất cứ lúc nào trên không gian mạng. Tuy vậy, ở Việt Nam, trong thực tế những năm qua, những tội mà chính quyền cho là “nói xấu lãnh đạo”, “nói xấu đảng”, “nói xấu nhà nước” thường bị phạt tù nặng đến rất nặng.
Cụ thể, như vào hồi tháng 3 năm 2021, ông Vũ Tiến Chi ở Lâm Đồng bị y án tù 10 năm với lý do được nói là thường xuyên tìm hiểu các thông tin từ báo chí và các trang mạng nước ngoài với nội dung bị cho là ‘chống Nhà nước, nói xấu lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam’; thường xuyên viết đơn khiếu nại, tố cáo cán bộ Công an, chính quyền địa phương với nội dung mà cơ quan chức năng Việt Nam nói ‘không đúng sự thật’.
Vài năm trước, tòa án ở Cần Thơ cũng đã kết án tù hai người là Trương Đình Khang và Nguyễn Hồng Nguyên với lý do được nêu là thường xuyên truy cập internet để xem các bài viết, hình ảnh, video có các nội dung nói xấu, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan đảng, nhà nước, xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh gây phương hại đến uy tín lãnh đạo, an ninh chính trị quốc gia, trật tự an toàn xã hội.