“Lựa chọn nhân sự phải trúng người” theo danh sách có sẵn

Hôm 9 tháng 7 vừa qua, tại hội nghị toàn quốc phổ biến một số quy định, chỉ thị của Bộ Chính trị, trong đó có chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 14 của đảng, thường trực Ban Bí thư Lương Cường phát biểu: “Lựa chọn nhân sự trong Chỉ thị 35 và tới đây hướng dẫn sẽ rất đầy đủ, nhưng mà làm gì thì làm, tôi đề nghị yêu cầu cao nhất là chúng ta làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng quy trình nhưng mà phải lựa chọn đúng người, trúng người trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện. Cái này rất quan trọng, khắc phục những cái sai, cái yếu vừa qua; tức là, tất cả cơ bản là đúng quy trình, đúng nguyên tắc nhưng chọn không đúng người”.

Ông Cường nhắc nhở, không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào cấp ủy; đặc biệt là không được để lọt vào các cương vị chủ trì, chủ chốt ở cấp ủy các cấp.

Thực tế những năm qua, số cán bộ cấp cao trong Bộ chính trị vướng vòng lao lý không phải là ít, có cả người trong tứ trụ của nhà nước phải từ chức để “hạ cánh an toàn”.

Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh nói với RFA nhận định của ông:

Trúng người tức là đảng đã bố trí nhân sự. Chọn 7 bầu 5, ai rớt cũng được. Và những người được quy hoạch vào những chức vụ chủ chốt thì dứt khoát phải được bầu. Đảng quy định không được tự đề cử, tự ứng cử mà phải thông qua tiểu ban nhân sự các cấp. Mấy chục năm trước, đến kỳ đại hội đảng người ta còn hy vọng một thế hệ trẻ lên để đưa đất nước phát triển, nhưng rồi đất nước bây giờ ra sao, những người họ chọn lựa ra sao, nên bây giờ dân chúng không quan tâm nữa.

Bây giờ đảng cứ chọn đúng, chọn trúng theo ý đảng, rồi đảng tiếp tục độc quyền lãnh đạo, còn đất nước này như thế nào thì đảng không cần biết. Đảng nên bớt nói lại, làm nhiều hơn để lấy lại lòng tin của dân. Nhưng tôi thấy rất khó khi cứ “hy sinh đời bố củng cố 10 đời con” như bây giờ. Từ tứ trụ triều đình cho đến ủy viên Bộ chính trị bị kỷ luật thì hạ cánh an toàn như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng… cho thấy một nhà nước vô luật pháp, tất cả cán bộ đảng viên đều có thể đứng trên luật pháp, đứng trên dân”.

Một nhà quan sát chính trị ở Sài Gòn, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA:

“Theo quan sát của tôi, cách chọn nhân sự của ĐCSVN mấy chục năm qua không có gì thay đổi hết, luôn được thực hiện theo những bước sau:

Bước thứ nhất là chọn theo kiểu “nhìn mặt bắt hình dong” từ các tỉnh, thành rồi giới thiệu nhân sự vào Ban chấp hành trung ương đảng. Họ không có căn cứ nào hết mà chỉ chọn những ai họ cho là hiền lành, hòa đồng, dễ mến, kêu gì làm đó trong suốt quá trình làm việc…, tức là rất cảm tính nhưng rất bí mật. Bước thứ hai, trung ương đảng tổ chức những lớp bồi dưỡng cho những cán bộ trong diện quy hoạch vào ủy viên trung ương đảng.

Bước thứ ba, sau khi học xong những lớp này, những cán bộ này trở về công tác chỗ cũ, tránh không để xảy ra tai tiếng nào cho đến khi đại hội đảng vào tháng 1/2026. Bước thứ tư, có một số nhân sự được Bộ chính trị, Ban bí thư chọn đưa về các tỉnh, thành để tham gia vào Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành đó để hợp thức hóa, chính thức được dự đại hội đảng toàn quốc. Bước thứ năm là bầu ra Ban chấp hành trung ương đảng”.

4315e2e8-c288-43ef-af25-c241d37434ed.png
Ông Chu Ngọc Anh tại tòa

Theo nhà quan sát này, cả năm bước trên đều phải xuyên suốt một điều là không ai trong danh sách được chống đảng nên đảng có sự trường trị. Ông nói tiếp:

“Đó là sự trường trị trong một quốc gia rệu rã về phẩm giá làm người Việt Nam trong mắt thế giới, bởi rất nhiều đảng viên từ thấp cấp đến cao cấp, thậm chí siêu cao cấp bị kỷ luật, bị đi tù không phải vì phản đảng, phản quốc mà vì tham nhũng, lừa đảo, hối lộ, chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước…, tức là họ phơi bày ra hết quá trình chọn lựa nhân sự hạt giống đỏ của họ như thế nào. Nói về chuyện chọn đúng người và trúng người thì nó nằm ở bước thứ năm. Tưởng rằng bầu ai cũng được trong danh sách họ đưa ra để chọn, nhưng thực tế, phải chọn trúng người mà họ đã có sẵn trước khi bầu”.

Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2021 đã bầu ra 200 Ủy viên Trung ương khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, 21 người thôi nhiệm vụ, trong đó 11 người bị khởi tố hoặc bị kỷ luật. Trong 21 người đó có hai chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng; một chủ tịch thành phố là Chu Ngọc Anh; hai phó thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, một chủ tịch Quốc hội là Vương Đình Huệ…

Ông Nguyễn Phú Trọng là trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 12, 13 và khóa 14 sắp tới. Nhưng nhân sự do ông Trọng chọn những kỳ qua có đến 8 ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, hàng loạt ủy viên trung ương bị kỷ luật, bị tù khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác tuyển chọn nhân sự của ông Trọng. 

Cứ đến kỳ lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng, người dân lại được nghe ông Trọng tuyên bố rằng những người được giới thiệu vào cấp ủy khóa mới phải là những người có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức lối sống gương mẫu, trong sáng, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải là những người thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ đảng viên và nhân dân tín nhiệm…

Nhà báo tự do Lê Anh Hùng nêu quan điểm của ông với RFA về công tác nhân sự của ĐCSVN:

“Thật sự tôi không hiểu rõ cái cách dùng từ của những vị quan chức cộng sản này. Từ xưa đến nay, việc lựa chọn nhân sự vẫn diễn ra trong một cái hậu trường chính trị mà ở bên ngoài, dân chúng hầu như không thể biết được. Chủ yếu dựa trên cơ sở sự cân bằng giữa các phe nhóm trong đảng; dựa trên cơ sở cạnh tranh giữa các phe phái trong ban lãnh đạo. Chứ cái gọi đúng hay trúng của họ chỉ mang tính tương đối chứ nó không dự trên định lượng nào cả.

Chỉ hơn một năm mà có đến bảy ủy viên Bộ chính trị bị mất chức, chưa kể hàng loạt cán bộ cao cấp khác dính vào vòng lao lý vì tham nhũng. Điều đó cho thấy đúng hay trúng gì thì cũng vậy và người dân cũng đứng bên lề.”  

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2024, gần tám ngàn đảng viên bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do những sai phạm như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm nguyên tắc, quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…

Related posts