Một toà án ở Thái Lan hôm 15/7 lùi ngày xét xử dẫn độ đối với nhà hoạt động người Việt Y Quynh Bdap trong phiên tòa có sự hiện diện của quan chức Việt Nam.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập tổ chức nhân quyền Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6 về cáo buộc “lưu trú quá hạn” sau nhiều năm xin tị nạn và chờ được định cư ở một nước thứ ba.
Tòa án Thái Lan cũng xem xét khả năng cho phép dẫn độ ông về nước theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam.
Nadthasiri Bergman, luật sư bào chữa của Y Quynh cho biết tòa án đã đồng ý với yêu cầu của bị cáo rằng các tài liệu vụ án phải được cung cấp bằng ngôn ngữ mà ông hiểu được.
Nhà hoạt động này nói tiếng mẹ đẻ Ê đê và có thể nói tiếng Việt, trong phòng xử án ông có một phiên dịch viên tiếng Việt-Thái.
Bà Bergman nói với các phóng viên bên ngoài tòa án, rằng toà không cho giới truyền thông tham gia vì tính chất an ninh quốc gia của phiên tòa, nhưng lại cho phép sự có mặt của một số quan chức cộng sản Việt Nam.
“Chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị bảo vệ cho trường hợp này ngày hôm nay, một vụ án mang động cơ chính trị,” phóng viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tại Bangkok ghi lại lời của luật sư trước trụ sở toà án.
” Ông ấy, một người thuộc sắc tộc thiểu số, đã bị tra tấn và sợ hãi nếu bị đưa trở lại (Việt Nam- PV). Chúng tôi sẽ chứng minh điều đó ở góc nhìn khác của câu chuyện,” vị luật sư khẳng định.
“Thái Lan phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế vì ông ấy là người xin tị nạn được bảo vệ theo quy định của Liên Hiệp Quốc,” bà bổ sung.
Vị luật sư này cũng cho biết phiên toà về cáo buộc “lưu trú quá hạn” sẽ được tiến hành vào ngày 05/8, và phiên xử về trục xuất sẽ được tổ chức trong hai ngày 01/8 và 19/8.
Thân chủ của bà sẽ vẫn bị giam ở nhà tù đặc biệt và không được bảo lãnh tại ngoại.
Trước phiên xử hai ngày, ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), viết trên mạng xã hội X:
“Trong mọi trường hợp, Thái Lan không nên cưỡng ép trả lại người tị nạn và nhà hoạt động người Thượng Y Quynh Bdap về Việt Nam, nơi ông sẽ phải đối mặt với việc bị bắt, bỏ tù, và những điều tồi tệ hơn vì các hoạt động chính trị của mình. Ông ấy là người tị nạn và phải được bảo vệ!”
Y Quynh Bdap đã cùng vợ con đi sang Thái Lan từ năm 2018 với hoạt động chính là cùng tổ chức MSFJ chuyên báo cáo về vi phạm nhân quyền đối với người bản địa ở Tây Nguyên, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo.
Tuy vậy, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk hồi đầu năm kết án vắng mặt 10 năm tù giam đối với ông Y Quynh về tội danh “khủng bố” vì cho rằng ông có liên quan đến vụ nổ súng ở trụ sở của hai xã ở huyện Cư Kuin rạng sáng ngày 11/6 năm ngoái.
Kể từ khi ông Y Quynh Bdap bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ngay sau cuộc phỏng vấn với Đại Sứ quán Canada ở Bangkok về định cư, nhiều tổ chức và cá nhân đồng loạt lên tiếng kêu gọi Chính phủ Thái Lan trả tự do cho ông và không trục xuất ông về Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội, nơi ông sẽ chịu tra tấn và tù đày dài hạn.
Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW), Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS)… đều thúc giục Thái Lan tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền và không gửi trả ông về Việt Nam.
CIVICUS thậm chí còn đưa Thái Lan vào Danh sách Giám sát trong tháng 7 vì các vi phạm nhân quyền, trong đó có việc bắt giữ Y Quynh Bdap theo yêu cầu của Việt Nam mà tổ chức nhân quyền này cho rằng Thái Lan tham gia đàn áp xuyên biên giới.
Trong nhiều năm gần đây, cảnh sát Thái Lan và an ninh Việt Nam thường hợp tác chặt chẽ. Năm 2019, blogger Trương Duy Nhất của RFA bị bắt cóc ở thủ đô Bangkok mà theo một số tổ chức nhân quyền quốc tế thì vụ bắt cóc này có sự nhúng tay của cảnh sát địa phương.
Giữa tháng 4/2023, Youtuber Đường Văn Thái cũng bị bắt cóc và đưa về Việt Nam. Hiện ông vẫn đang bị tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.