“Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng đã và đang trở thành động lực để cán bộ, đảng viên toàn ngành Tuyên giáo tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, trau dồi…để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân…”
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu như vừa nêu tại Lễ Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo hôm 1/8/2024.
Ngành Tuyên giáo có phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân như lời ông Nghĩa nói? Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 2/8/2024 khi trao đổi với RFA nhận định:
“Theo tôi thấy trong bài phát biểu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa thì tuyên giáo đang coi những người dân nói lên sự thật là thế lực thù địch và tuyên giáo đang tuyên chiến với sự thật và người dân chứ không phải phụng sự nhân dân. Khi người dân gặp bất công, viết đơn khiếu nại hoặc phản ánh trên mạng xã hội mà tuyên giáo lại chỉ trích dân, chụp mũ dân là thế lực thù địch, thì đó đâu phải bảo vệ dân, coi người dân yếu thế là kẻ thù thì đó là hại dân chứ giúp gì cho dân đâu.”
Theo tôi thấy trong bài phát biểu của ông Nguyễn Trọng Nghĩa thì tuyên giáo đang coi những người dân nói lên sự thật là thế lực thù địch và tuyên giáo đang tuyên chiến với sự thật và người dân chứ không phải phụng sự nhân dân.
–Ông Trần Anh Quân
Theo ông Trần Anh Quân, khi dân bị đàn áp về các vấn đề nhân quyền mà tuyên giáo lại đứng về phía gây ra bất công, bảo vệ bộ mặt của đảng thì tuyên giáo đã chọn con đường chống lại người dân rồi. Ông Quân nói tiếp:
“Nếu phục vụ người dân thì tuyên giáo phải lên án những sai lầm trong chính sách, phản đối những hành vi tham nhũng, lạm quyền của cán bộ cộng sản, tôn trọng các ý kiến phản biện của người dân. Như vậy chẳng những là bảo vệ dân mà còn bảo vệ đảng, vì có phản biện, có lắng nghe sự thật thì mới có thay đổi để tốt hơn, vững mạnh hơn. Còn cứ ủng hộ cái xấu, bảo vệ sâu mọt thì càng ngày tuyên giáo sẽ càng khiến cho đảng càng suy yếu.”
Tuyên truyền là công cụ rất hữu hiệu của Đảng cộng sản Việt Nam mà Ban Tuyên giáo của là cơ quan chỉ huy toàn bộ việc tuyên truyền của đảng, hay nói cách khác là công tác tẩy não người dân, thuyết phục người dân, tin tưởng và theo đảng cộng sản. Dù thông qua internet và mạng xã hội, nhiều người cũng đã có được thông tin xác thực. Tuy nhiên một số đông người ở Việt Nam vẫn bị lừa bởi sự tuyên truyền của Ban Tuyên giáo thông qua báo chí nhà nước.
PGS. TS. Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, khi trả lời RFA từ Sài Gòn liên quan vấn đề này cho rằng:
“Ngành Tuyên giáo, là ngành cảnh sát tư tưởng. Họ bằng mọi cách kiểm duyệt não trạng của xã hội. Nếu như có sự thay đổi trong đường lối, chủ trương của đảng thì ngành tuyên giáo là ngành thay đổi sau cùng. Khi mà lý tưởng mới mẻ đã thắng thế một cách không thể chối cãi trong lãnh đạo của đảng thì cậu tuyên giáo mới được phép nói. Như thế sao họ đóng vai trò tiên phong trong việc khai sáng văn minh cho dân tộc được, họ làm công việc ngược lại thì đúng hơn.”
Theo PGS. TS Hoàng Dũng, thực tế xã hội hiện nay không phản ánh những gì mà Ban Tuyên giáo thường nói:
“Người ta nói Chủ nghĩa Xã hội nhất định tiến đến dân chủ thì chỉ là họ muốn thì họ nói. Cái chính là người dân cần họ đưa ra lý lẽ về các mặt thí dụ về thực tiễn chứng minh cho điều đó. Như tôi đây khi nghe những lời như thế cũng chỉ cười cứ không cãi, cãi sao được những chuyện như vậy.”
Ngành Tuyên giáo, là ngành cảnh sát tư tưởng. Họ bằng mọi cách kiểm duyệt não trạng của xã hội.
–PGS. TS Hoàng Dũng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình… Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngoài ra, các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các cơ quan này.
Một Nhà báo ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng:
“Chức năng quyền hạn của Ban Tuyên giáo đã được định rõ với nhiệm vụ là một cơ quan rất quan trọng cho chủ trương tẩy não và nhồi sọ. Chủ trương này xuyên suốt hàng chục năm qua, phải nói là một chủ trương thành công, trải khắp mọi lĩnh vực và thậm chí len lỏi vào trong từng trường học, từng gia đình… Khắp từ trung ương cho tới thành phố, quận, huyện, phường xã và trong từng cơ quan của nhà nước đều có bóng dáng của tuyên giáo. Vai trò của Ban Tuyên giáo nói một cách công tâm đã thành công trong hàng chục năm qua.”
Tuy nhiên theo Nhà báo này, kể từ khi có internet thì vai trò của Ban Tuyên giáo không còn sức thuyết phục người dân, bởi nhờ việc tiếp cận và hội nhập với thế giới mà người dân có thể tự tìm hiểu nhiều vấn đề. Vị Nhà báo này nói tiếp:
“Nói hình tượng, Bộ Công an là cơ quan cầm tù thể xác, thì Ban Tuyên giáo là cơ quan cầm tù tinh thần của toàn thể người dân Việt Nam.”
Do đó Nhà báo này cho rằng, việc ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói như vậy càng tự tố cáo những gì Ban Tuyên giáo nói là không chính xác.