Tại sao lại họp gấp ngày 3/8?
Hội nghị Trung ương bất thường vừa diễn ra tại Hội trường Bộ Quốc phòng sáng 3/8/2024. Bất thường nhưng Ban Tuyên giáo lại muốn người dân coi là bình thường, dù trước đó không có bất cứ một dòng thông báo nào trên các phương tiện truyền thông “lề phải”, như đối với các cuộc họp Trung ương trước đây, kể cả đối với những phiên bất thường. Ngay cả địa điểm của cuộc Hội nghị sáng 3/8 cũng bao phủ một không khí bí mật. Tại sao các Ủy viên lại kéo nhau về Hội trường Bộ Quốc phòng để bàn luận trong suốt trong một ngày, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Dường như lời giải thích được đưa ra là Cục 2 Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm an ninh cho địa điểm họp tốt hơn các nơi khác (kể cả địa điểm cũ là Hội trường của Ban chấp hành trung ương (BCHTW) vẫn thường họp. Nhưng cũng có thuyết âm mưu giải thích nội hàm “an ninh” rộng lớn hơn, sâu sắc hơn như thế! Cứ như là Trung ương sợ có lực lượng nào đó làm phản?
Trung ương họp ngày 3/8/2024, tức nhằm vào 29 tháng Sáu âm lịch (năm Giáp Thìn), là ngày Minh đường hoàng đạo (1). Ngày này được quan niệm là rọi sáng con đường thành công, may mắn, giúp mọi dự định, kế hoạch quốc gia trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Để chậm vài ngày nữa sẽ bước sang tháng Bảy, tháng mà các nhà chiêm tinh ngần ngại, cho đấy là tháng cô hồn, không nên khởi công, động thổ, hội họp, bàn chuyện lớn trong thiên hạ. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mật tông, tháng Bảy không hẳn là thời điểm đáng sợ, mà đó là cơ hội để thực hành tâm linh, tích lũy công đức và phát triển lòng từ bi. Có Lễ Vu Lan báo hiếu, đó là thời gian con người phấn đấu tu dưỡng có thể phát tâm Bồ Đề mạnh mẽ hơn, cầu nguyện cho sự an lạc và giải thoát cho tất cả chúng sinh. Nhìn chung, tháng này mang lại nhiều ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng trong việc phấn đấu và hướng thiện. Lạm bàn thế không phải để cổ võ cho sự mê tín dị đoan, mà chỉ muốn nhắc nhở các chuyên gia tâm linh cho Đảng, một thực tế là trên đời này, người tính không bằng trời tính.
Trở lại với bản tin của TTXVN ngày 3/8, tại Hội nghị, “căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở giới thiệu của Bộ Chính trị, Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm… thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm… giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII” (2). “Suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100%” khiến chúng ta nhớ đến phát ngôn nổi tiếng được cho là của “Nguyên soái” Joseph Stalin, đại ý rằng, “vấn đề không phải là những người đi bầu, vấn đề là ai đếm phiếu” (3). Còn cái vế Trung ương đã “suy tôn” đồng chí tân Tổng bí thư thì phần lớn độc giả đều đại xá mà cho rằng, đây là “lỗi của cậu Thư ký” không sành tiếng Việt. Bởi vì trong tiếng mẹ đẻ của Việt tộc, hai chữ “suy tôn” chỉ được dùng trong văn cảnh: “suy tôn một đấng minh quân” hoặc “suy tôn vị Cha già dân tộc”, chứ không thể đụng ai cũng “suy tôn” được. Dù có ngưỡng mộ tân TBT bao nhiêu đi nữa, chưa thể phóng ngay bây giờ, kiểu “nâng bi” như thế. Bởi vì “phải khi ngộ biến tòng quyền/ yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau! (Nguyễn Du).
“Cân bằng quyền lực” hay “chia sẻ lợi ích”?
Nghe qua các bài đít-cua của Thủ tướng Chính, rồi nghe tiếp lời tuyện thệ long trọng (4) và nội dung họp báo của tân TBT (5) khiến độc giả liên tưởng ngay (nhanh như điện) tới bài viết của Facebooker Kim Văn Chính. Ông này khá dũng cảm, vì chẳng hề sợ bị ai đó gán ghép bài viết về “Lịch sử đảng Cộng sản Liên Xô” vào hoàn cảnh của ĐCSVN (6). Nhưng đọc mà cứ thấy nổi gai ốc vì giọng văn cũng như bối cảnh của các câu chuyện về những năm tháng Lê Nin bị đột quỵ, bị bạo bệnh kéo dài, về hoàn cảnh Lenin không hề nói việc ai có thể thay mình hoặc ý muốn của lãnh tụ là ai sẽ thay ông… Và cuối cùng là đoạn kết, sau khi Lenin mất, quyền thao túng ĐCSLX thuộc về Stalin, một kẻ quyết đoán, thô thiển, ác độc và không khoan nhượng với ai chống đối ông mà bị ông liệt vào hàng kẻ thù. Tôi không dám liên tưởng tiếp, chỉ cầu mong cho tất cả các Đảng anh em, trong đó có cả Đảng ta không rời vào “đoạn trường tân thanh” ấy!
Có thể ĐCSVN may mắn hơn, vì chúng ta không có truyền thống “sùng bái cá nhân”. Blogger Hoàng Trường trên VOA cho biết, trước cuộc Hội nghị Trung ương nói trên, ngày 2/8/2024, Bộ Chính trị ĐCSVN cũng đã nhóm họp để quyết định giới thiệu nhân sự cho BCHTƯ bỏ phiếu vào ngày hôm sau. Theo thông tin rò rỉ, cũng có ý kiến muốn “gộp” hai chiếc ghế trong “Bộ tứ” truyền thống của Việt Nam là Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào làm một. Việt Nam từng có tiền lệ, đã thí điểm việc “nhất thể hóa” giữa Đảng và Nhà nước một thời gian, giống như bên Trung Quốc và một vài nước khác. Các thí nghiệm ấy bất thành, có thể phần nào phản ánh xu hướng muốn duy trì “cân bằng động” trong cơ cấu quyền lực cao nhất ở Việt Nam. Điều tương tự cũng đã xẩy ra lần này trong cuộc thăm dò ngày 2/8 (7). 13/14 Ủy viên Bộ Chính trị vẫn giữ ý kiến cần phải tách hai trung tâm quyền lực, tức là chức danh Tổng bí thư Đảng với Chủ tịch nước, chứ không nên ‘nhất thể hóa’ như một lá phiếu duy nhất (tỷ lệ 1/14) đề xuất gộp hai trung tâm quyền lực Đảng và Nhà nước vào với nhau!
Vấn đề ở đây là duy trì được một cơ chế để lợi ích các bên đều được đảm bảo, rủi ro và trách nhiệm thì chia đều. Nói theo khoa học chính trị là thiết lập một trạng thái “cân bằng quyền lực” trong nội bộ Đảng và Chính quyền, không khuynh loát nhau, mà cùng nhau “tồn tại trong hòa bình” để quản trị đất nước. Trong tinh thần ấy, sau cuộc Hội nghị Trung ương còn nhiều việc đang dang dở, lương dân trong cả nước hy vọng, ngôi cửu trùng từ nay đã vững, Tô Đại tướng có thể yên tâm tương nhượng, chuyển giao cương vị mang tính lễ nghi cho phe quân đội là Đại tướng Lương Cường, người hiện vẫn đang giữ chức vụ là Thường trực Ban Bí thư BCHTW một thời gian trước mắt! (8) Dư luận đang rất muốn biết, Quốc hội sẽ có họp bất thường vào ngày nào. Theo Blogger Dương Quốc Chính, để cho anh em Trung ủy đỡ phải bay đi bay về. Một thực tế là, nếu có nhất thể hóa giữa Tổng bí thư và Chủ tịch nước, thì báo chí chính thức đã giật tít rồi. Hiện tại truyền thông lờ tịt về vị trí Chủ tịch nước sẽ thế nào, nên có thể dự đoán là sẽ có thay đổi! (9)
*Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do
Tham khảo:
(1) https://huyenso.com/ngay-hoang-dao/y-nghia-cua-ngay-minh-duong-hoang-dao-n452.html
(3) https://www.luatkhoa.com/2020/07/5-cau-hoi-giup-ban-hieu-cach-he-thong-bau-cu-my-van-hanh/
(4) https://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-phat-bieu-nham-chuc-cua-tong-bi-thu-to-lam-post968519.vnp
(5) https://tuyengiao.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-hop-bao-sau-hoi-nghi-trung-uong-155655