Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu chính quyền thị xã Điện Bàn lấy ý kiến người dân khi đề xuất tháo dỡ tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc để xây mới với kinh phí từ ngân sách 88 tỷ đồng.
Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc là công trình văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng qua thời gian, công trình đã xuống cấp và quy mô, cao trình không còn phù hợp với cảnh quan, hạ tầng đô thị xung quanh đang ngày càng phát triển.
Ông Thái, một người dân thị xã Điện Bàn nói với RFA:
“Thật ra xưa giờ thì họ vẫn nói là lấy ý kiến của dân. Nhưng dân nào mới là điều đáng nói. Dân mà đại diện các hội đoàn thì đương nhiên họ sẽ đồng ý. Còn dân thường như tôi thì thậm chí còn không biết họ có hỏi ý kiến dân nữa. Lấy ý kiến dân thì sẽ như thế nào? Điện Bàn cũng có facebook, nếu lấy ý kiến qua đó thì họa may còn khách quan, chứ lấy theo kiểu truyền thống của nhà nước lâu nay thì không khách quan. Thử hỏi, bao nhiêu người dân Điện Bàn biết chuyện “hỏi ý dân” lần này?
Trong lúc toàn dân, chứ không riêng gì dân Điện Bàn khó khăn, thiếu ăn mà nhà nước bỏ ra 88 tỷ cho tượng đài thì nó nghịch lý quá. Họ nói tượng đài đã xuống cấp và không còn phù hợp với cảnh quan, hạ tầng đô thị xung quanh là ngụy biện. Bởi tôi đi ngang qua hoài, tôi thấy lập luận đó không đúng. Nói thằng là bây giờ dân đang đói, giúp gì được cho dân thì giúp. Xây cái tượng đài niềm tin trong lòng dân mới là quan trọng, không ai có thể đập phá được”.
Theo Điều 26 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022, một số hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư; phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình; thông qua hộp thư góp ý; thông qua Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở; thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố.
Thật ra xưa giờ thì họ vẫn nói là lấy ý kiến của dân. Nhưng dân nào mới là điều đáng nói. Dân mà đại diện các hội đoàn thì đương nhiên họ sẽ đồng ý. Còn dân thường như tôi thì thậm chí còn không biết họ có hỏi ý kiến dân nữa. Lấy ý kiến dân thì sẽ như thế nào?- Ông Thái
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn xem xét tổ chức trưng cầu lấy ý kiến cộng đồng nhân dân để có sự đồng thuận, thống nhất trong việc tháo dỡ tượng đài cũ để đầu tư xây dựng tượng đài mới và gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10 tháng 8 để tổng hợp, tham mưu.
Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở tỉnh Quảng Nam cho hay, việc lấy ý kiến dân để tháo dỡ tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc là do nhà nước nói; kết quả cũng do nhà nước đưa ra chứ dân không có điều kiện giám sát hay kiểm chứng. Ông nói:
“Lấy ý kiến là nói cho có thôi, chứ hỏi ý kiến dân thông qua hình thức nào và có công bố những con số thể hiện ý kiến của dân không. Có bao nhiêu người đồng ý đập đi xây lại, bao nhiêu người đồng ý không đồng ý và bao nhiêu người yêu cầu đập bỏ luôn. Quan trọng là chỗ đó, chứ nói hỏi ý dân thì chỉ là mị dân, dân chủ hình thức.
Tôi nhớ câu nói của ông Stalin, đại ý là việc bầu cử không quan trọng, quan trọng là việc kiểm phiếu mới quan trọng. Hỏi ý kiến dân rồi có công bố con số thực không, và ai kiểm tra con số đó?
Thực tế rất nhiều tượng đài trong cả nước khi xây có công khai hỏi ý kiến dân đâu. Vì sao bây giờ họ lại hỏi? Có phải vì dân phản ứng quá nhiều trên mạng xã hội không? Trong khi đó nguồn ngân sách xây bệnh viện, trường học thì không thấy. Ngắm tượng có no không, có hết bệnh không?”
Cũng theo Quang, một số công trình ông từng thực hiện với vai trò kỹ sư xây dựng được cho biết đã có ý kiến đồng thuận từ người dân, nhưng khi hỏi dân thì không ai biết gì cả.
Trên lý thuyết, quyền giám sát của Nhân dân được ghi trong Hiến pháp từ năm 1959. Theo đó, tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về Nhân dân; tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của Nhân dân. Hiến pháp năm 1992 quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Hiến pháp 2013 quy định Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu sự giám sát của Nhân dân.
Lấy ý kiến là nói cho có thôi, chứ hỏi ý kiến dân thông qua hình thức nào và có công bố những con số thể hiện ý kiến của dân không. Có bao nhiêu người đồng ý đập đi xây lại, bao nhiêu người đồng ý không đồng ý và bao nhiêu người yêu cầu đập bỏ luôn. Quan trọng là chỗ đó, chứ nói hỏi ý dân thì chỉ là mị dân, dân chủ hình thức. – Ông Quang
Cựu đại tá quân đội về hưu Nguyễn Quang Vinh ở Hà Nội từng nói với RFA:
“Những người đóng góp tiếng nói phản biện thường hay bị chụp mũ là phản động và bị an ninh gây khó dễ trong cuộc sống. Vì vậy có thể nói quyền giám sát của nhân dân được quy định trong hiến pháp mới chỉ nằm trên giấy, Nhân dân vẫn chưa có cơ hội thực hiện”.
Có ý kiến cho rằng, xây tượng đài là một cách “ăn” dễ nhất của các quan chức, bởi tượng đài mỗi nơi mỗi khác, mạnh ai nấy “kê giá”. Dư luận hẳn còn nhớ hồi tháng 9 năm 2020, tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên đồi Ông Tượng; tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ trị giá 411 tỷ đồng ở Quảng Nam, gấp nhiều lần số tiền được phê duyệt ban đầu, nhằm xây dựng công trình quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á.