Giá sách giáo khoa và câu chuyện quản lý nhà nước

Mỗi bộ sách giáo khoa (SGK) được chi chiết khấu hoa hồng khoảng vài chục ngàn đồng, nhưng thử tính với con số hàng chục triệu học sinh, thì tổng số tiền hoa hồng được chiết khấu từ giá SGK có thể lên đến con số hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chiết khấu – ăn chia: điều tất yếu

Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận ở Hà Nội theo thông tin từ báo chí Nhà nước, hàng năm tiền phần trăm chi chiết khấu hoa hồng từ giá SGK cho các đầu mối mua bán SGK thấp nhất là 11%, mỗi bộ sách và số tiền các đầu mối này được hưởng là 38.600 đồng. Số tiền này nhà trường và giáo viên không được hưởng. Như vậy có thể thấy, đầu mối từ các phòng GD&ĐT quận, huyện đã hưởng một con số chiết khấu không hề nhỏ trong mỗi niên học.

Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 9/8/2024, cho biết thực tế:

“Thực tế tôi dạy ở cấp Trung học phổ thông, SGK thư viện nhà trường chỉ nhập một số bộ sách để thầy cô và học sinh tham khảo, chứ không đủ số lượng cho học sinh sử dụng toàn bộ. Học sinh phải mua từ những cửa hàng bên ngoài theo đường phân phối của nhà xuất bản. Tất nhiên quá trình phát hành SGK phải có lợi nhuận, đó là chuyện không tránh được. Tuy nhiên thực chất có rất nhiều khoản nhà trường khi nhận phân phối hoặc thu hộ, người ta đều có thù lao, chuyện ấy khá phổ biến… Cho nên thông tin phòng giáo dục nhập nhập sách rồi đưa về các trường có thù lao cũng không đến nỗi là lạ lùng, mà có lẽ là tất yếu, chắc chắn.”

Thông tin phòng giáo dục nhập nhập sách rồi đưa về các trường có thù lao cũng không đến nỗi là lạ lùng, mà có lẽ là tất yếu, chắc chắn.
Thầy Đỗ Việt Khoa

Trả lời truyền thông nhà nước hôm 7/8/2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, mức chiết khấu 11-15% thực chất là chi phí phát hành gồm: đóng gói, vận chuyển, kho bãi, giao hàng…(!?). Đồng thời đại diện NXB cũng cho biết đó là mức phí phát hành rất thấp.

Với lý giải trên của NXB Giáo dục VN, phó Giáo sư -Tiến sĩ (PGS. TS.) Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng công tác nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, hôm 9/8/2024 khi trả lời RFA khẳng định rằng, rất khó kiểm soát việc chi hoa hồng. Ông nói tiếp:

“Cái đó rất khó gắn cho họ một cái tội gì. Theo tôi biết hiện nay không có một quy định nào về vấn đề chi hoa hồng cả. Về mặt cảm xúc thì người ta có thể tức giận, nhưng tôi không thấy họ đưa ra một quy định nào về chi hoa hồng như thế nào, hay vi phạm chỗ nào? Tôi thấy không ai làm được cái đó cả, như vậy về mặt cảm xúc có thể phê phán… Nhưng đâu thể giải quyết một vấn đề quản lý xã hội bằng cảm xúc được. Ít nhất chuyện này cơ quan quản lý phải suy nghĩ, để đưa ra một quy định thật rõ ràng, làm cơ sở để giải quyết vấn đề này từ đây về sau.”

ccfee8a0-9cab-4258-ab94-476e4e20b31b.jpeg
Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA.

Nhà nước quản lý tổng thể mới khả thi

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Sáu, thuộc đoàn Đồng Tháp vào tháng 11 năm 2023, trong phiên thảo luận liên quan đến SGK đưa ra nghịch lý rằng, càng xã hội hóa thì giá SGK càng tăng và không kiểm soát được. Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để kiểm soát sai phạm trong chi phí phát hành (chiết khấu) cao, hoặc những sai phạm khác liên quan đến việc biên soạn, in ấn… thì, việc cần làm ngay là nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp đối với thu nhập của người dân và đề nghị sách giáo khoa phải do Nhà nước quản lý giá.

Liên quan vấn đề này, thầy Đỗ Việt Khoa nhận xét:

“Thực tế hiện nay giá SGK đã tăng rất mạnh sau vài năm. Trước một nhà Xuất bản Giáo dục độc quyền, thì lãi cũng chỉ vài ngàn. Nhưng bây giờ cho nhiều đơn vị cùng in ấn, rồi các nhóm biên soạn sách cũng phải trả công… những chi phí ấy cũng vô cùng lắm… Cho nên giá SGK hiện nay rất đắt so với vài ba năm trước.”

Trong thực tế, một phụ huynh ở TPHCM, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 9/8/2024, nói với RFA:

“Mình có hai cháu, một hai năm gần đây mình mua sách cho con thấy giá thay đổi so với những năm trước, giá đắt gấp hai gấp ba lần… Nói thật với kinh tế không quá dư giả, thì nó cũng tạo cho mình áp lực, bởi vì đầu năm có rất nhiều khoản chi, chứ không chỉ riêng sách giáo khoa… Thêm một điều nữa, năm trước qua năm sau đã tăng giá sách giáo khoa… thì liệu những năm tiếp theo có tăng nữa hay không? Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực cho phụ huynh.”

Trong công văn của Bộ Giáo dục Đào tạo gửi các cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2024-2025 hôm 22/5/2024, được truyền thông trích dẫn, từ ngày 1/7/2024, SGK sẽ thuộc danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa.

Chuyện đặc biệt của Việt Nam là SGK bắt buộc phải mua, nhưng sách kèm theo trên thực tế cũng bắt phải mua… Cộng lại thì giá mà học trò phải bỏ tiền ra mua là rất cao, mà cái đó nhà nước lại không quy định.
PGS. TS. Hoàng Dũng

Tuy nhiên PGS. TS. Hoàng Dũng cho rằng, Nhà nước chỉ kiểm soát giá SGK, nhưng không kiểm soát giá sách tham khảo:

“Về mặt giá sách, tôi có đi so sánh thì thật ra tôi thấy giá SGK không cao. Nhưng mà giá những loại sách chung quanh SGK mới thành vấn đề. SGK do nhà nước khống chế, cho nên nói giá cao nhưng thực ra so với giá sách cũ không cao lắm. Đã có những bài viết họ thống kê so sánh giá sách mới và cũ, thì sách cũ in xấu hơn rất nhiều, sách mới in đẹp hơn, sách cũ được nhà nước đầu tư tiền, còn giá sách mới hoàn toàn là do kinh doanh, mà là kinh doanh đặc biệt nên nhà nước khống chế giá. Ngoài ra do trước đây chỉ có một bộ SGK, cho nên họ không việc gì phải chi hoa hồng rất là nhiều, hoặc phải quảng cáo về sách của mình. Còn bây giờ thì khác, bây giờ có nhiều bộ SGK cạnh tranh nhau, cho nên phải chi để PR cao hơn, chi phí phát hành các thứ… nhưng giá SGK mới so với sách cũ tính luôn % trượt giá, nó không cao lắm.”

Theo PGS. TS. Hoàng Dũng, dù là sách tham khảo, nhưng nhiều trường vẫn bắt buộc học sinh mua như SGK và đó là câu chuyện Nhà nước cần quan tâm:

“Chuyện đặc biệt của Việt Nam là SGK bắt buộc phải mua, nhưng sách kèm theo trên thực tế cũng bắt phải mua… Cộng lại thì giá mà học trò phải bỏ tiền ra mua là rất cao, mà cái đó nhà nước lại không quy định. Nhà nước cũng không khống chế giá sách tham khảo, trong khi SGK bán bao nhiêu là phải do nhà nước duyệt. Người ta nói cũng thuận mua vừa bán thôi, nhưng sự thật không phải vậy, vì người ta làm cách nào đó, rồi nhà trường bắt học sinh phải mua… Kết quả thực chất tiền học trò bỏ ra rất cao. Đối với nhiều phụ huynh, số tiền đó không đáng bao nhiêu. Nhưng rất nhiều phụ huynh khác nhà nghèo, thì số tiền đó rất đáng kể.”

Related posts