Trung Quốc muốn bán tàu ngầm cho Thái Lan, Indonesia; còn Việt Nam?

Mạng báo South China Morning Post (SCMP) hôm 9 tháng 8 có bài viết nêu rằng Trung Quốc đang nỗ lực chào bán tàu ngầm do nước nước này sản xuất cho Indonesia. Động thái này của Trung Quốc thu hút sự chú ý của giới quan sát vì trước đây Trung Quốc đã chào bán tàu ngầm cho Thái Lan nhưng dự án này thất bại với lý do được cho là vì vấn đề công nghệ động cơ.

 Theo các nhà quan sát, động thái của Trung Quốc có thể ẩn giấu nhiều vấn đề về địa chính trị và quân sự trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Vịnh Thái Lan, Biển Đông nói riêng chứ không đơn giản chỉ là một thương vụ thông thường.    

Liệu Việt Nam muốn mua tàu ngầm Trung Quốc?

Có nhiều câu hỏi giới quan sát đặt ra đối với động thái của Trung Quốc. Tại sao chỉ có thông tin Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Thái Lan, Indonesia nhưng chưa có thông tin nước này chào bán cho Việt Nam? Việt Nam cũng là một quốc gia ở Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan, lại có mối quan hệ gần gũi về mặt ý thức hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, những năm gần đây, Trung Quốc đã chào bán thành công cho Việt Nam nhiều dự án có giá trị kinh tế lớn, như tàu điện ngầm nội đô ở Hà Nội, nhiều nhà máy điện than, tương lai có thể là đường sắt cao tốc. Liệu Trung Quốc có chào bán tàu ngầm cho Việt Nam như đã chào bán các mặt hàng dân dụng khác?  

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cho rằng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc rất mạnh nhưng quan hệ quốc phòng lại không giống như vậy. Ông nói:   

“Như các nhà máy điện than thì hầu hết các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng Trung Quốc loại bỏ các công nghệ lạc hậu sang Việt Nam để thay đổi công nghệ ở đất nước họ. 

Thế nhưng ở trong lĩnh vực quốc phòng thì hoàn toàn khác. Có lẽ là với thái độ thận trọng của Việt Nam từ trước đến nay, khi mà Việt Nam và Trung Quốc có nhiều xung đột về lãnh thổ. Đặc biệt trong lịch sử hàng ngàn năm thì Việt Nam luôn nằm trong âm mưu xâm lược và cai trị Việt Nam của Trung Quốc. 

Trong cái tâm lý đó thì Việt Nam không có ý định mua vũ khí Trung Quốc. Vì nếu mua vũ khí Trung Quốc thì khi xảy ra xung đột với Trung Quốc thì Việt Nam bị thất thủ một cách chắc chắn. Chính vì thế mà Việt Nam đã tránh không mua vũ khí Trung Quốc. 

Trong lịch sử chỉ có trong kháng chiến chống Pháp và sau đó là chiến tranh Việt Nam thì Việt Nam có sử dụng vũ khí Trung Quốc chứ còn sau khi hai bên có chiến tranh năm 1979 đến nay thì chưa bao giờ có thông tin nào về việc Việt Nam muốn mua vũ khí Trung Quốc. Đó cũng là điều dễ hiểu.” 

Do đó, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, về mặt mua bán hàng hóa dân dụng thì Việt Nam có thể duy trì các quan hệ thương mại để giữ quan hệ tốt đẹp và đối ngoại và kinh tế với Trung Quốc. Nhưng về mặt quốc phòng, quân sự thì Việt Nam – Trung Quốc đã có nhiều xung đột trên bộ và trên biển. Ông chỉ ra là hiện nay thì trên bộ Việt Nam và Trung Quốc đã cắm mốc biên giới xong, nhưng trên biển thì xung đột chưa chấm dứt được do hai còn tranh chấp rất nhiều. Cho nên đó có thể là lý do Việt Nam không tin tưởng để mua vũ khí Trung Quốc.  

Tham vọng tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á của Trung Quốc 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng việc Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Thái Lan, Indonesia cũng tương tự như chào bán các mặt hàng khác. Bởi lẽ rõ ràng là mỗi quốc gia khi sản xuất được một mặt hàng thì đều muốn bán. Sản xuất để dùng và sản xuất để bán. Trung Quốc không chỉ muốn bán tàu ngầm cho Thái Lan và Indonesia mà còn muốn bán cho nhiều nước khác.

Tuy nhiên, vũ khí chiến lược như tàu ngầm khác với các mặt hàng dân dụng, do đó, việc chào bán tàu ngầm quân sự cho Thái Lan, Indonesia phản ánh mong muốn tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ông Hoàng Việt giải thích: 

“Trong lĩnh vực vũ khí, quốc phòng, việc bán vũ khí không chỉ đơn thuần là việc bán hàng. Việc mua bán vũ khí kèm theo rất nhiều vấn đề: ngoại giao, chính trị, ảnh hưởng quan hệ quốc tế. 

Ví dụ, khi Mỹ bán vũ khí thì cũng phải dựa trên quan hệ ngoại giao. Quan hệ ngoại giao ở mức độ nào thì Mỹ bán cấp độ vũ khí nào, chứ không phải cứ nói bán là bán. Trung Quốc cũng tương tự như vậy. 

Vì sao Trung Quốc muốn bán vũ khí cho Indonesia và Thái Lan? Cả hai đều có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á. Đặc biệt, Indonesia đóng vai trò như là anh cả của khối ASEAN vì là quốc gia đông dân nhất, rộng nhất, là đầu tầu ở khu vực Đông Nam Á.”           

Theo các nhà phân tích được SCMP trích dẫn, Trung Quốc thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Indonesia có thể mang lại cơ hội để gây ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này sẽ gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của Indonesia và họ không muốn điều đó.  

Nhà nghiên cứu Indonesia Anastasia Febiola, điều phối viên nghiên cứu và quản lý của công ty tư vấn Semar Sentinel Indonesia, được SCMP dẫn rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn, Indonesia vẫn coi quan hệ quốc phòng với phương Tây là quan trọng. Jakarta có thể chấp nhận các đề nghị mua thiết bị quân sự của Trung Quốc để xoa dịu Bắc Kinh nhưng nước này sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác an ninh với phương Tây. 

Cùng một góc nhìn trên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với RFA:  

“Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn luôn muốn đóng vai trò chi phối. Trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc thì Đông Nam Á là khu vực họ cần tạo ảnh hưởng. Nếu họ có thể bán được tàu ngầm thì họ có thể tạo ảnh hưởng vô vùng lớn chứ vấn đề không đơn giản vì người mua lệ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì vậy khi thất bại thương vụ ở Thái Lan thì họ chào bán cho Indoenesia.” 

Đông Nam Á đối với Trung Quốc: giữ quan hệ kinh tế, tránh thắt chặt quan hệ quân sự 

Dường như ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa đủ sức thuyết phục Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam, tăng cường thắt chặt quan hệ quân sự. Nguyên nhân thứ nhất là năng lực công nghệ, nguyên nhân thứ hai là xung đột lợi ích quốc gia với tham vọng của Trung Quốc. 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ về quân sự và an ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, chỉ ra rằng Trung Quốc đã thất bại khi bán tàu ngầm cho Thái Lan nên quay sang chào bán cho Indonesia. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, việc Trung Quốc thất bại trong việc bán tàu ngầm cho Thái Lan cho thấy một vấn đề rất rõ là công nghệ Trung Quốc còn chưa được tin tưởng. Ông cho biết: 

“Mặc dù họ cố gắng học hỏi phương Tây, chắp vá, mua công nghệ, thậm chí dùng phương pháp tình báo để đánh cắp công nghệ nhưng vẫn chưa làm chủ được một số công nghệ, đặc biệt là công nghệ động cơ. Việc Trung Quốc bán tàu ngầm cho Thái Lan bị đổ bể là do Trung Quốc kí hợp đồng mua động cơ tàu ngầm từ một công ty Đức nhưng Chính phủ Đức ra lệnh cấm bán nên Trung Quốc không thể hoàn thành. Trung Quốc muốn thay động cơ Đức bằng động cơ do mình sản xuất nhưng Thái Lan không chấp nhận do vấn đề tính năng.” 

Do đó, mặc dù Trung Quốc có ảnh hưởng lớn về kinh tế ở Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, nhưng ảnh hưởng về quân sự và địa chính trị vẫn chưa như họ mong muốn. 

Ông Yokie Rahmad Isjchwansyah, nghiên cứu viên tại Trung tâm Hợp tác Ngoại giao và Liên chính phủ tại Trường Cao học Ngoại giao Paramadina ở Jakarta, lưu ý rằng từ năm 2003 đến năm 2022, Indonesia chỉ tập trận với Trung Quốc bốn lần, nhưng tập trận với Hoa Kỳ và các đối tác, đồng minh của Hoa Kỳ 110 lần. Theo ông Yokie Rahmad Isjchwansyah, lý do là “Indonesia không tin tưởng vào chất lượng thiết bị quốc phòng của Trung Quốc và vẫn nghi ngờ giá trị của việc tập trận chung với Trung Quốc và cử binh lính sang học tập tại nước này.” 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng chia sẻ cùng một góc nhìn như vậy. Ông trao đổi với RFA:      

“Cá nhân tôi cho rằng Indonesia khó mà dám mua tàu ngầm Trung Quốc. Bản thân Indonesia đã mấy lần dự định mua vũ khí từ Nga nhưng sau đó họ suy nghĩ lại, chuyển sang mua vũ khí Pháp. Chưa kể tổng thống mới đắc cử của Indonesia là cựu bộ trưởng quốc phòng, là đại diện cho tiếng nói của quân đội ở Indonesia nên ông hiểu rõ chuyện này.”  

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong quan hệ thương mại thì Trung Quốc có vai trò rất quan trọng với Việt Nam. Năm 2014, khi sự kiện giàn khoan HD-981 nổ ra thì Việt Nam đã thảo luận rất nhiều về vấn đề làm sao để thoát Trung. Thoát Trung ở đây bao gồm cả sự lệ thuộc vào Trung Quốc, trong đó vấn đề lệ thuộc kinh tế. Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu và thị trường từ Trung Quốc và bị họ chi phối. Câu chuyện này cũng dễ hiểu vì Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc và Trung Quốc là cường quốc mạnh ở nhiều lĩnh vực. 

Related posts