Ông Vương Tấn Việt, pháp danh Thích Chân Quang, có thể phải đối mặt với án phạt hình sự nếu bị xác định là sử dụng bằng cấp giả, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định.
Đối diện án hình sự
Ngày 13/8 vừa qua, Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TPHCM cho biết, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GDĐT TPHCM. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở. Điều đó nghĩa là ông Việt đã sử dụng bằng tốt nghiệp trung học giả. Nếu đúng như vậy, theo nhận xét của PGS-TS Hoàng Dũng, nói với RFA trong ngày 13/8, thì ông Việt sẽ bị tước bằng đại học và cả bằng tiến sĩ.
Tối ngày 13/8, đại diện Bộ GDĐT cho truyền thông nhà nước biết nghi vấn về giá trị tấm bằng THPT của ông Vương Tấn Việt là có căn cứ.
Một số luật sư mà RFA phỏng vấn trong bài viết này cho rằng ông Vương Tấn Việt có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu kết luận điều tra, xác minh cho thấy ông này sử dụng bằng giả trong những năm qua.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết trước đây, luật pháp Việt Nam quy định xử lý đối với trường hợp người sử dụng bằng cấp giả theo hai phương cách: Xử lý phạt vi phạm hành chính từ 30 triệu đến 40 triệu đồng hoặc sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, theo luật sư Mạnh, hiện nay luật pháp Việt Nam đã có sự thay đổi. Theo đó, phương cách xử lý phạt vi phạm hành chính không còn nữa mà tất cả đều bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Tùy theo mức độ vi phạm mà người sử dụng văn bằng giả có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù mức cao nhất lên đến bảy năm.
Ngoài ra, theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo đối với trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đều quy định trong trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định. Luật sư Mạnh kết luận:
“Thế nên, tôi nghĩ việc ông Vương Tấn Việt, tức Thượng tọa Thích Chân Quang, sử dụng văn bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để học đại học rồi học nghiên cứu sinh và được cấp học vị tiến sĩ sẽ buộc phải chịu xử lý như nêu trên nếu các cơ quan chính quyền xử lý khách quan, tôn trọng pháp luật.”
Sử dụng bằng giả lan tràn
Việc cấp và sử dụng bằng giả để thăng tiến không phải là chuyện mới có tại Việt Nam. vụ án lớn liên quan tới các cán bộ sử dụng bằng giả được truyền thông phanh phui như trường hợp ông Đàm Quang Vinh, Cựu tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. Ông Vinh bị xác định sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông trung học không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước hồi năm 2021. Hoặc như trường hợp cựu Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu bị phát hiện sử dụng bằng THPT giả để vào ngành Công an trong năm 2019; Cũng trong năm này , vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, người đã sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm mà không bị phát hiện, khiến dư luận bàn luận xôn xao
Hay như vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô. Đây là một vụ án chấn động ngành giáo dục xảy ra hồi năm 2021. Trong vụ này có hàng chục người bị phát hiện sử dụng các bằng giả cho mục đích làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, kê khai hồ sơ công chức, viên chức, thi tuyển công chức, thăng hạng viên chức…
Mới đây, vào Tháng 6/2024, một người tự xưng là Thầy Thích Tâm Phúc, bị tòa án nhân dân huyện Củ Chi tuyên tám năm tù giam vì hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo giám định của cơ quan điều tra, ông Thích Tâm Phúc đã lưu giữ và sử dụng một bằng Thạc sĩ Luật kinh tế và một bằng Tiến sĩ ngành Luật tôn giáo; một giấy chứng nhận điệp thọ… Tất cả đều được xác định là giả.
Theo luật sư Mạnh, việc sử dụng văn bằng giả khá phổ biến trong số các quan chức chính quyền Việt Nam. Thế nhưng, sự việc của ông Vương Tấn Việt đã gây sự chú ý, quan tâm rất lớn từ công chúng là điều khá dễ hiểu:
“Vì lẽ, ông ấy đã là một người rất nổi tiếng về những bài thuyết pháp kêu gọi công chúng cúng dường để nhận phước báu không đúng với tinh thần Phật pháp. Không chỉ vậy, ông ấy còn được xem là thân nhân ruột thịt của ông Hồ Chí Minh.
Những yếu tố ấy đã cộng hưởng khiến cho sự kiện phát hiện ra văn bằng giả của ông ấy đã trở thành sự kiện hết sức ồn ào, gây chú ý, quan tâm lớn đối với công chúng.”
Vì sao là Thích Chân Quang?
Một luật sư giấu tên, hiện đang ở trong nước, nhận định không phải ngẫu nhiên ông Thích Chân Quang trở thành “người được chọn” để truyền thông, báo chí trong nước phanh phui mọi sai phạm của ông.
Theo vị luật sư này, ngoài ông Thích Chân Quang, còn một người nữa là ông Thích Nhật Từ. Ông Từ cũng có bằng thạc sỹ, tiến sỹ Phật học ở Ấn Độ …nhưng, chỉ có ông Quang bị đào xới lại các bằng cấp. Lý do, theo luật sư giấu tên, là vì ông Quang thu hút được lực lượng tăng chúng đông đảo, có hệ thống, có ban bệ và còn được mở rộng ra nước ngoài:
”Tôi suy đoán là do cái hội chúng thanh niên của ông ấy. Nó đang dần biến thành một cái tổ chức. Nó giống như tổ chức chính trị, cho nên là có khả năng là ông ấy bị cho rằng nó như một cái sự đe dọa về chính trị chẳng hạn.
Một cái con người như thế ở trong một cái chế độ độc tài toàn trị này mà thu hút được hàng chục nghìn người tin theo, đi theo thì có phải là chết không?”
Trên trang web chính thức của Thiền Tôn Phật Quang – nơi ông Thích Chân Quang làm trụ trì – các đoàn tăng chúng của ngôi chùa này đã có mặt ở hơn 20 tỉnh thành, thậm chí còn mở rộng sang các nước như Singapore, Hàn Quốc…
Ngoài ra, một trong các điều lệ quan trọng của Thiền Tôn Phật Quang là buộc phật tử phải phát nguyện lời thề độc tuyệt đối trung thành với sư phụ của mình. Trang web chính thức của ngôi chùa ghi rõ “Khi phẩm chất trung thành tuyệt đối hiện ra rồi thì có hai tư tưởng, quan điểm nổi lên. Một là đời này là của phật pháp, của sư phụ. Hai là bất cứ cái gì của mình, từ vật chất đến tinh thần hay công lao đều là của phật pháp và của sư phụ.”