Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Tô Lâm lãnh lương bao nhiêu một tháng?

Phải nói ngay là do không đủ dữ kiện và chuyên môn nên tôi không tính được hoàn toàn chính xác, nhưng theo các quy định công khai thì tối đa có thể vào khoảng 60-70 triệu đồng/tháng. Thực tế có thể không đạt con số này.

Một nhân vật vô tiền khoáng hậu

Sau cố Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có lẽ rút kinh nghiệm đau thương của hai đời Chủ tịch nước – không kiêm Tổng bí thư sau đó liên tiếp ngã ngựa giữa dòng, đời Tổng-Tịch thứ hai đã xuất hiện rất nhanh chóng. Và có lẽ điều này sẽ trở thành một truyền thống chính thức, biểu hiện cho một hình thức tập trung quyền lực rất đáng quan sát của Việt Nam.

Nhưng Tổng-Tịch đời hai, ông Tô Lâm, còn có những đặc điểm vượt trội mà đời một không có.

Và có lẽ trong hiện tại và tương lai gần, cũng không nhân vật nào có được.

Đó là ông tập trung những cấp hàm và chức vụ cao đến tuyệt đối trong hệ thống quyền lực của xã hội Việt Nam.

Về chuyên môn nghiệp vụ an ninh, ông là Giáo sư Khoa học an ninh, Tiến sĩ Luật.

Ông là một trong vỏn vẹn bốn người từ trước tới nay trong lịch sử ngành công an được phong quân hàm cao nhất: Đại tướng. Trong đó, hai vị đã qua đời.

Ngoài ông Tô Lâm, ba Đại tướng còn lại là Đại tướng Mai Chí Thọ (1922-2007), Đại tướng đầu tiên của Công an Việt Nam; Đại tướng Lê Hồng Anh (1949); Đại tướng Trần Đại Quang (1956-2018).

Lĩnh vực ông từng phụ trách là lĩnh vực quan trọng nhất với nội bộ: Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an.

Ông là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Trong hệ thống Nhà nước, ông giữ chức vụ cao nhất: Chủ tịch nước.

Trong hệ thống Đảng, ông cũng giữ chức vụ cao nhất: Tổng bí thư.

Đặc biệt nhất và có lẽ cũng là điểm mạnh áp đảo các ứng viên cho chức Tổng Bí thư (nếu có) là ông Tô Lâm có cả đời lặn ngụp trong ngành Công an, phụ trách Tổng cục An ninh. Vị trí này cung cấp cho ông kho thông tin đặc hiệu khổng lồ, cũng như tôi luyện bản lĩnh, lý trí, mạng lưới quan hệ đặc biệt cùng với đầu óc chiến lược chiến thuật mà những lãnh đạo xuất thân dân sự không thể có được.

Vị trí ấy cũng giúp ông Tô Lâm hiểu và nắm rõ từng đường tơ kẽ tóc của từng người trong hệ thống cán bộ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng, ông bà nói ít có sai.

Và với tuyên bố Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội (điều 4 Hiến pháp), còn lực lượng vũ trang thì phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, chức vụ kiêm cả Tổng bí thư lẫn Chủ tịch nước đã đặt toàn bộ quyền lực vào tay ông Tô Lâm.

Lương tháng

Ông Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư từ ngày 3/8/2024, sau đợt quyết định tăng lương cơ sở vào tháng 7/2024. Mức lương của Tổng Bí thư theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 và Quyết định 128-QĐ/TW năm 2004 (ban hành bảng lương chức vụ lãnh đạo Đảng, Mặt trận và các Đoàn thể Trung ương, chức danh Tổng Bí thư hiện nay hưởng hệ số 13,00) là 30,42 triệu đồng/tháng.

Mức lương của Chủ tịch nước tương đương với Tổng Bí thư, cũng là 30,42 triệu đồng/tháng.

Lương cấp hàm Đại tướng Công an là 18,72 triệu đồng/tháng.

Các mức lương này chưa bao gồm phụ cấp, trợ cấp khác.

Trước thời điểm 01/7/2024, ngoài các phụ cấp thâm niên hay phụ cấp khác, chức vụ lãnh đạo còn được hưởng khoản phụ cấp chức vụ, nhưng sau thời điểm cải cách tiền lương này thì khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã bị bãi bỏ do các chức danh lãnh đạo đã được xếp lương chức vụ. Do vậy từ đầu tháng bảy, ông Tô Lâm được hưởng mức lương của Chủ tịch nước là 30,42 triệu đồng/tháng nhưng không còn khoản phụ cấp chức vụ. Còn từ 3/8/2024, ông được hưởng thêm phụ cấp kiêm nhiệm của chức Tổng Bí thư.

Có khá nhiều Nghị định, thông tư quy định về cách tính phụ cấp của chức vụ lãnh đạo, nhưng đúng với nguyên tắc rừng luật của Việt Nam, tôi tìm ra một mớ nhưng đọc xong thì vẫn ngố ra như không, vì nó được soạn thảo khó hiểu, rắc rối phức tạp.

Ví dụ đoạn này trong Thông tư của Bộ Nội vụ (số 78/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác), về cách tính phụ cấp kiêm nhiệm:

1- Mức phụ cấp:

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác được tính bằng 10% mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.

2- Cách tính trả phụ cấp.

Để tính thật chính xác khoản lương + phụ cấp mà Chủ tịch nước/Tổng Bí thư/Đại tướng Tô Lâm được lĩnh hàng tháng sau khi trừ các khoản bảo hiểm, thuế thu nhập (nếu có)… thì phải là người có chuyên môn này. Tôi cũng không tìm ra các đại lượng cần thiết để tính toán thật chính xác, nhưng thử tính theo các quy định công khai mà ai cũng tìm được thì Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm được hưởng lương chức vụ của chức Chủ tịch nước, cộng thâm niên vượt khung, cộng mức lương của quân hàm Đại tướng, cộng phụ cấp kiêm nhiệm của chức Tổng bí thư. Phụ cấp kiêm nhiệm chức Tổng bí thư bằng 10% của tổng thu nhập mà chức Tổng bí thư được hưởng như nói trên. Tối đa cho khoảng sáu triệu đồng nữa. Vậy ông Tô Lâm có thể được hưởng 30,42 triệu đồng (lương Chủ tịch nước) + 18,72 triệu đồng (lương Đại tướng) + 5 triệu phụ cấp kiêm nhiệm chức Tổng bí thư + phụ cấp thâm niên vượt khung … Tối đa có lẽ trong khoảng 60 triệu đồng-70 triệu đồng/tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng với gia đình có bốn người ở Hà Nội là khoảng 30 triệu đồng. Trong đó mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Gồm chi tiêu cho ăn uống chiếm 46.5%. Chi tiêu không dành cho ăn uống (như thuê nhà, chi phí điện, nước, internet, giao thông, học tập, giải trí…) chiếm 47,4%. Chi tiêu khác (du lịch, sức khỏe…) 6,1%.

Tuy nhiên mức chi tiêu này chỉ đủ để gia đình sống giản dị, tiết kiệm và phải tính toán rất chi ly như nấu cơm ăn tại nhà thường xuyên, không mua sắm áo quần đắt tiền và đi du lịch, giải trí bằng tivi, internet là chủ yếu…

______

Tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tien-luong-moi-dai-tuong-cong-an-nhan-dan-tu-172024-se-duoc-tinh-nhu-the-nao-18597.html

https://cafef.vn/ha-noi-dat-do-nhat-nuoc-30-trieu-dong-mot-thang-van-thaythieu-188240425063703874.chn

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-128-QD-TW-che-do-tien-luong-can-bo-cong-chuc-115171.aspx

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-dinh-ve-9-loai-phu-cap-theo-che-do-tien-luong-moi-tu-ngay-17-150568.html

https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tong-bi-thu-giu-chuc-chu-tich-nuoc-viet-nam-thi-se-huong-luong-nhu-the-nao-2419.html

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-dinh-ve-9-loai-phu-cap-theo-che-do-tien-luong-moi-tu-ngay-17-150568.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Related posts