Luật sư Vũ Đức Khanh- Tổng thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam (LMDTVN) – người khao khát có cơ hội đóng góp cho một xã hội Việt Nam cởi mở và công bằng hơn, vừa gửi thư đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Ông mong sự ủng hộ của ông Biden vào thời điểm này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng cộng đồng quốc tế luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm quyền tự quyết. Nhân dịp này RFA có cuộc trò chuyện với ông.
RFA: Thưa luật sư, được biết ông vừa có bức thư gửi đến Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với tư cách Tổng thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam. Nội dung bức thư đề cập đến những vấn đề gì, thưa luật sư?
Vũ Đức Khanh: Nội dung chính của bức thư này là bày tỏ mong muốn được thấy Việt Nam đón nhận những giá trị tự do, dân chủ của Hoa Kỳ. Bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi đối với những lý tưởng đã giúp tạo nên nước Mỹ như ngày nay. Và kêu gọi Tổng thống Biden lên tiếng ủng hộ bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam. Tôi muốn nói với ông Biden và Chính phủ Mỹ rằng từ lâu nhân dân Việt Nam mong muốn có tiếng nói để góp phần xây dựng đất nước, nhưng đáng tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam đã độc quyền lãnh đạo, tước đi quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử và ứng cử một cách tự do và công bằng của họ. Và cuối cùng, một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng sẽ là đồng minh tin cậy của Hoa Kỳ, người bạn đồng hành lý tưởng vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ.
RFA: Vì sao ông lại viết thư cho Tổng thống Hoa Kỳ vào lúc ông Biden sắp mãn nhiệm?
Vũ Đức Khanh: Đúng là chỉ còn vỏn vẹn năm tháng nữa là ông Biden sẽ rời nhiệm sở, bất luận ai sẽ vào Tòa Bạch Ốc vào ngày 20/01/2025, LMDTVN biết rất rõ điều đó nhưng chúng tôi vẫn làm vì thà có làm còn hơn không. Chúng tôi chưa thấy ai nêu điều này với chính phủ Hoa Kỳ.
Chúng tôi hy vọng với việc làm này sẽ đánh động lương tâm của những ai còn quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Chúng tôi chỉ muốn làm viên gạch lót đường đầu tiên cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam. Có thủy mới có chung. Phải có sự khởi đầu thì mới hy vọng một ngày nào đó sẽ đến được đích.
Tôi muốn nói với ông Biden và Chính phủ Mỹ rằng từ lâu nhân dân Việt Nam mong muốn có tiếng nói để góp phần xây dựng đất nước, nhưng đáng tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam đã độc quyền lãnh đạo, tước đi quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử và ứng cử một cách tự do và công bằng của họ.
Chúng tôi cũng tin rằng dù không còn ở vị trí quyền lực tối cao nhưng sự ủng hộ của ông Biden vào thời điểm này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng cộng đồng quốc tế luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm quyền tự quyết. Nó cũng sẽ tạo tiền lệ cho những người kế nhiệm ông dễ dàng nối bước ông. Hơn nữa, nó sẽ truyền cảm hứng cho vô số cá nhân như tôi, những người khao khát cơ hội đóng góp cho một xã hội cởi mở và công bằng hơn.
RFA: Ông hy vọng gì cho tiến trình dân chủ Việt Nam sau bức thư ông gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ, thưa luật sư?
Vũ Đức Khanh: Tôi có một ước mơ, một ước mơ cháy bỏng về một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng. Một Việt Nam không nhìn nhau qua lăng kính đấu tranh giai cấp, không loại trừ nhau, không bỏ ai bên lề, không để ai lại phía sau, không độc tài, độc tôn, độc đoán và không kích động chia rẽ, hận thù. Tôi mơ một Việt Nam ấm áp tình người. Tôi mơ một ngày người Việt thực sự coi nhau là anh chị em, ngày mà trên cửa miệng của mọi người luôn là những câu ca dao tuổi thơ của tôi như “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hay “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Tôi mơ một chính quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Quan chức chính quyền phải thực sự phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân, lấy sự an vui, hạnh phúc của nhân dân là kim chỉ nam hành động. Tôi mơ về một ngày người dân Việt Nam thực sự được tự do tranh cử và bầu cử cho những người đại diện mà họ lựa chọn, để họ có thể hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyền công dân của mình.
Tất nhiên là tôi không ảo tưởng. Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng con đường hướng tới dân chủ rất phức tạp và đầy thách thức. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự khuyến khích và hỗ trợ của các quốc gia như Hoa Kỳ, sự thay đổi có ý nghĩa là có thể thực hiện được. Tương lai của Việt Nam cần được người dân quyết định thông qua một quá trình minh bạch, toàn diện và phản ánh mong muốn thực sự của họ. Đây là xu hướng tất yếu của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ là đối tác không thể thiếu trừ khi họ tự loại mình ra khỏi xu thế tiến hóa của nhân loại.
RFA: Sau cuộc gặp giữa TBT/chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và người đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, theo luật sư, Hoa Kỳ và các nước phương Tây sẽ có phản ứng gì đối với Việt Nam?
Vũ Đức Khanh: Ông Tập Cận Bình được cho là đã nói với ông Tô Lâm rằng hai bên đã xây dựng mối quan hệ song phương có “ý nghĩa chiến lược” trong thập niên qua, bày tỏ hy vọng rằng nhà lãnh đạo mới ở Hà Nội sẽ tiếp nối di sản của ông Nguyễn Phú Trọng, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin. Ông Tập còn nói thêm rằng Trung Quốc coi Việt Nam là “ưu tiên” trong ngoại giao láng giềng, cam kết mở rộng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” bằng cách đẩy mạnh xây dựng đường sắt, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng cảng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng hết lời ca ngợi chuyến thăm của ông Tô Lâm là một minh chứng cho những hành động thiết thực có thể cải thiện quan hệ song phương. Ông Tô Lâm được dẫn lời rằng hợp tác với Trung Quốc là “lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu”, theo bản tin của CCTV. Ông nói thêm, Việt Nam cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm quốc phòng, đầu tư và thương mại, cũng như hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng trên biển vì ổn định khu vực.
Sẽ còn quá sớm để kết luận bất cứ điều gì. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin vừa nêu, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc dường như đang được ưu tiên củng cố. Điều này có thể làm dấy lên “lo ngại” đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực về sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, cũng như khả năng Trung Quốc sẽ lợi dụng mối quan hệ này để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của mình, bao gồm cả việc kiểm soát Biển Đông.
Tôi nghĩ, thứ nhất, Mỹ và các đồng minh có thể lo ngại rằng mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược khu vực của Mỹ và đồng minh, bao gồm việc gia tăng hiện diện quân sự, thắt chặt quan hệ với các quốc gia ASEAN khác như Philippines, Indonesia, và Singapore.
Thứ hai, để đối phó, Mỹ và phương Tây có thể sử dụng các biện pháp ngoại giao để gây áp lực lên Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội thực hiện các cải cách chính trị nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này có thể bao gồm các cuộc đàm phán chiến lược, việc sử dụng các diễn đàn quốc tế như ASEAN hoặc Liên Hợp Quốc để gây sức ép, và gia tăng đối thoại với các thành phần xã hội dân sự tại Việt Nam.
Thứ ba, về mặt kinh tế, Mỹ và phương Tây có thể xem xét việc áp dụng các biện pháp kinh tế nhằm tạo áp lực đối với Hà Nội. Điều này có thể bao gồm việc điều chỉnh các thỏa thuận thương mại, đầu tư, và các gói viện trợ phát triển, với điều kiện kèm theo là Việt Nam phải cải cách thể chế phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường và thúc đẩy quyền tự do dân chủ.
RFA: Liên minh Dân tộc Việt Nam sẽ làm gì để hỗ trợ Hoa Kỳ và các nước phương Tây, thưa luật sư?
Vũ Đức Khanh: Tôi nghĩ Việt Nam có khả năng sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh này, Hà Nội có thể tận dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc để đạt được những lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời cố gắng tránh bị cuốn vào các tranh chấp lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, như đã lưu ý trước đó, nếu áp lực từ Mỹ và phương Tây tăng lên, Việt Nam có thể xem xét thực hiện một số “cải cách mang tính biểu tượng hoặc có giới hạn” nhằm xoa dịu các lo ngại từ phương Tây, nhưng vẫn giữ vững sự kiểm soát của Đảng Cộng sản. Hà Nội được cho là lão luyện trong việc “qua mặt” phương Tây. Cụ thể, họ có thể đưa ra những cải cách “cải lương” đó để đánh lừa dư luận nhưng tôi tin là nhân dân Việt Nam không còn dễ bị lừa nữa nên đây có thể sẽ là “màn lộng giả thành chân”, cuối cùng là “gậy ông đập lưng ông”.
Mỹ và phương Tây có thể sẽ tăng cường áp lực cả về mặt chính trị, ngoại giao, và kinh tế để thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế. Tuy nhiên, khả năng đạt được kết quả mong muốn phụ thuộc nhiều vào sự phản ứng của Việt Nam, cũng như khả năng Mỹ và đồng minh có thể tạo ra một chiến lược hợp lý để đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Vì vậy, Liên Minh Dân Tộc Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hết sức để huy động cộng đồng quốc tế tăng áp lực tối đa lên chính quyền Hà Nội trong việc thực hiện chương trình cải cách hiến pháp và thể chế. Đồng thời, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ, trong điều kiện cho phép, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên cả nước, kêu gọi chính phủ thực hiện dân chủ, tôn trọng hiến pháp và sớm tổ chức bầu cử tự do, công bằng.
Mỹ và phương Tây có thể sẽ tăng cường áp lực cả về mặt chính trị, ngoại giao, và kinh tế để thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế. Tuy nhiên, khả năng đạt được kết quả mong muốn phụ thuộc nhiều vào sự phản ứng của Việt Nam, cũng như khả năng Mỹ và đồng minh có thể tạo ra một chiến lược hợp lý để đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Yếu tố quốc tế là cần nhưng không bao giờ đủ để Việt Nam bước sang một trang sử mới hướng tới tự do, dân chủ và thịnh vượng. Cho nên, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi quốc dân đồng bào trong và ngoài nước đồng lòng cùng đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng ý chí, nguyện vọng chính đáng của người dân Việt Nam. Đây là công việc chung đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể làm việc này một mình hay riêng lẻ. Để thành công, đó phải là khát vọng của cả dân tộc.
RFA: Xin ông cho biết thêm Liên Minh Dân Tộc Việt Nam do ai thành lập và thành lập với mục tiêu gì?
Vũ Đức Khanh: Liên Minh Dân Tộc Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 30/06/2002 tại Trung tâm Hội nghị Anaheim Convention Center, Anaheim, California.
Tiền thân của LMDTVN là tập hợp đông đảo các tổ chức chính trị cách mạng Việt Nam trong và ngoài nước từ sau ngày 30/04/1975, khi cộng sản Bắc Việt thôn tính miền Nam Việt Nam, với mục đích duy nhất là mang lại tự do, dân chủ và thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam.
Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia vào ngày 11/07/1995, một số nhà lãnh đạo từ những tổ chức chính trị cách mạng nói trên đã cùng ông Nguyễn Hữu Chánh chính thức thành lập LMDTVN là một phong trào chính trị quần chúng của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và người Việt trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ và thịnh vượng cho Việt Nam.
Về cơ bản thì không có gì thay đổi vì chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng. Nhưng tuỳ theo thời điểm và trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng giữa hai thể chế độc tài, dân chủ trên phạm vi toàn cầu, LMDTVN có những điều chỉnh chiến lược cần thiết nhằm đáp ứng khát vọng tự do, dân chủ và thịnh vượng của nhân dân ta.
Sau hơn 20 năm lãnh đạo, ngày 05/02/2023, Đại hội Đại biểu LMDTVN và ông Nguyễn Hữu Chánh đã chính thức trao quyền lãnh đạo cho thế hệ trẻ và tôi để tiếp tục sứ mệnh lịch sử thiêng liêng này.
Về cơ bản thì không có gì thay đổi vì chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng. Nhưng tuỳ theo thời điểm và trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng giữa hai thể chế độc tài, dân chủ trên phạm vi toàn cầu, LMDTVN có những điều chỉnh chiến lược cần thiết nhằm đáp ứng khát vọng tự do, dân chủ và thịnh vượng của nhân dân ta.
RFA: Cám ơn ông đã dành thời gian cho RFA.