Tăng tỷ lệ sinh bằng cách tăng trách nhiệm xã hội với dân?

Thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn là kiến nghị của Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhằm cải thiện tỷ lệ sinh vùng đô thị. Bà Lan yêu cầu thí điểm từng bước biện pháp trên khi tỷ lệ sinh ở vùng đô thị đang xuống rất thấp. Đề nghị của bà Lan, được truyền thông loan trong ngày 16/8, nhận không ít phản ứng từ người dân.

Tại sao tỷ lệ sinh thấp?

Một phụ nữ không muốn nêu tên ở Đà Nẵng, hôm 20/8/2024 cho RFA biết ý kiến:

“Ở Việt Nam việc kết hôn không phụ thuộc vào từng người dân mà hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế, học thức, thu nhập cá nhân, vùng miền… Họ không muốn kết hôn vì họ không hội tụ đủ những thứ đó hoặc họ sẽ bị phân biệt đối xử đến nỗi không ai muốn lấy… là chính chứ không phải họ thiếu ý thức hay không có trách nhiệm với xã hội.”

Người phụ nữ này đưa ra một số lý do khiến tỷ lệ sinh thấp, trong đó trách nhiệm của Nhà nước là rất lớn:

“Khi mà kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đầy đủ và hoàn hảo thì hôn nhân là chuyện bình thường, đó là trách nhiệm của Nhà nước. Hơn nữa hãy để ý vùng sâu, vùng xa, nông thôn thì tỷ lệ kết hôn vô tội vạ rất cao, kể cả những tục tảo hôn, sinh đẻ không có kế hoạch, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Nhà nước. Cần có sự giáo dục cho mọi người nhất là lứa trẻ về ý thức hệ, trách nhiệm với hôn nhân và gia đình, đó cũng là trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Việt Nam đang thiếu đủ thứ thì không nên đòi hỏi công dân những điều vô lý.”

Cần có sự giáo dục cho mọi người nhất là lứa trẻ về ý thức hệ, trách nhiệm với hôn nhân và gia đình, đó cũng là trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Việt Nam đang thiếu đủ thứ thì không nên đòi hỏi công dân những điều vô lý.
-Một người dân

Một bà mẹ hai con ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 20/8 cho biết thêm một lý do mức sinh thấp ở vùng đô thị:

“Cuộc sống bây giờ không phải có tiền là đủ, cơm áo gạo nhà cửa, đủ thứ chuyện mưu sinh. Thứ hai sống theo vật chất nhiều quá, chạy theo để mà lo kiếm tiền, khi sinh con phải cho con học như thế nào, khó khăn đủ thứ về nơi ở. Ngày xưa thì dù gì cũng có thể lo được cái nhà nhỏ, còn giờ như công nhân thì làm gì có thể có nhà ở, toàn đi mướn không thôi nên thành ra họ không dám sinh con. Ngày xưa người ta hay nói trời sinh voi sinh cỏ còn giờ thì không có đâu.”

“Thu nhập thấp, thất nghiệp tràn lan, cuộc sống khó khăn như vậy thì ai mà dám sinh con. Cần lo việc làm cho người dân trước khi lo cho họ sinh đẻ” cũng là một trong những ý kiến mà người dân nêu lên khi truyền thông loan tin về kiến nghị của bà Bộ trưởng Y tế.

Theo số liệu của Cục Dân số – Bộ Y tế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ và ở dưới mức sinh thay thế. Trong khi Việt Nam đặt kế hoạch 2,1 con/phụ nữ.

Trong đó, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu, chỉ khoảng 1,5 con/phụ nữ.

000_8TX7LT.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Cần một chính sách đúng đắn

Với kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khi trả lời RFA hôm 20/8/2024 nhận định:

“Theo tôi điều này cũng là bình thường. Một số nước khác cũng đã áp dụng hình thức tương tự, nếu không kết hôn thì sẽ phải nộp một khoản phí nào đấy. Vì họ không thực hiện trách nhiệm chung chăm sóc đối với xã hội, nên phải chi trả cho thế hệ sau để tạo nguồn nhân lực cho đời sau. Vì nếu không có con cái chăm sóc thì xã hội phải chăm sóc. Tất nhiên những khía cạnh về xã hội cần phải đẩy mạnh, thế nhưng cả về mặt kinh tế cũng cần một chính sách nào đấy để thúc đẩy sinh con…”

Tất nhiên những khía cạnh về xã hội cần phải đẩy mạnh, thế nhưng cả về mặt kinh tế cũng cần một chính sách nào đấy để thúc đẩy sinh con…
-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương

Tuy vậy, theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, điều quan trọng nhất là làm sao giải quyết được câu chuyện phát triển kinh tế, hỗ trợ tương xứng:

“Thật ra việc muốn tăng tỷ lệ sinh là một xu hướng tất yếu của toàn cầu. Bất kỳ nước nào trên thế giới khi điều kiện kinh tế phát triển, trở thành các nước thoát nghèo, thì lúc đó tỷ lệ sinh cũng tăng… Tuy nhiên trường hợp của Việt Nam người ta nói là ‘chưa giàu… đã già’, tức là tốc độ già hóa nhanh và tốc độ sinh cũng giảm nhanh, tạo một sức ép quá lớn cho xã hội nói chung và cho quản lý nhà nước nói riêng.”

Bộ Y tế từng ban hành Thông tư số 01/2021 hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Theo đó, các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp sẽ hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi.

Theo Bộ này, một số tỉnh đã triển khai thông tư này điển hình như tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ… Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh những địa phương này hiện chưa cải thiện. Mức sinh ở Cần Thơ năm 2023 là 1,44 con/phụ nữ, còn năm 2022 là 1,73; Hậu Giang 1,52 con/phụ nữ vào năm 2023, năm trước là 1,51con/phụ nữ.

Related posts