Mấy hôm nay báo chí Việt Nam đang ca ngợi một tập đoàn xây dựng ở miền Trung đã bỏ gần 40 tỷ xây hoàn toàn một thôn mới cho người dân tộc thiểu số vùng sâu, miền núi biên giới. Thôn này ở tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Cách đây bốn năm, nơi ở cũ của họ: các thôn Cuôi, Cha Lỳ, Cooc Long đã rơi vào thế bị sạt lở núi vùi lấp, trong cả huyện Hướng Hóa chết hết 30 người.
Tôi cá là rất ít người từng nghe đến địa danh Cha Lỳ, nhưng Cha Lo thì quý vị nghe rồi chứ? Chúng đều là tên của các thôn người dân tộc Vân Kiều sống trên vùng núi thăm thẳm nhánh Tây Trường Sơn, giáp biên giới Việt-Lào. Cha Lo là tên của thôn Vân Kiều cuối cùng trên đất Việt Nam và đã khắc vào lịch sử, vào thơ ca nhạc họa như một địa danh thấm đẫm máu người Việt Nam trong một cuộc chiến đau thương.
Bây giờ Cha Lo (thuộc tỉnh Quảng Bình) là một cửa khẩu kinh tế nhộn nhịp, nhưng địa danh họ hàng với nó – Cha Lỳ (thuộc tỉnh Quảng Trị) thì vẫn là một thôn nghèo xơ xác, chênh vênh, hiểm nguy chực chờ vì người dân làm nhà ở dưới thung lũng, chân dốc của các dãy núi đồi thường xuyên bị sạt lở. Cha Lỳ cách Cha Lo chưa đến 100 cây số.
Tháng 8 năm ngoái, các cơ quan chức năng xác định trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 61 điểm, khu vực xảy ra và có nguy cơ trượt lở đất; 56 điểm, khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, tổng cộng 117 điểm.
Cái thôn mới do doanh nghiệp xây tặng đồng bào ở đây, thoạt nhìn thì khá đẹp: 56 ngôi nhà sàn xây bằng xi măng và sắt thép nằm sát nhau, được đánh số, bám đều hai bên con đường chính của thôn như cách phân bố cư trú thường thấy tại một thị trấn nhỏ. Sau lưng các ngôi nhà mới, đất đã được chặt bậc thang vuông vắn, được phủ lớp đất màu trên mặt thành các khu ruộng mà người dân sẽ dùng để trồng lúa nước. Thôn mới có điện, nước sạch, internet, điểm trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, mỗi hộ dân được tặng 1 tivi 43 inches, một con bò để làm vốn chăn nuôi trồng trọt và được cấp gạo miễn phí trong ba năm.
Với những người dân Vân Kiều nghèo kinh niên, món quà này có lẽ được ví như của ông trời tặng cho.
Hai hàng nhà sàn lợp mái tôn đỏ, tường sơn xanh nhạt, nổi bật như chuỗi hoa trên triền xanh thẳm của núi rừng.
Nhưng cũng chính màu tôn, màu tường đó khiến tôi gờn gợn.
Vì, nó đặc sệt Kinh. Nó đặc trưng cho tư duy của một, hay những người Kinh đã tặng món quà này. Nó vô cùng không phù hợp với địa hình và thói quen sinh hoạt của người dân ở đây. Có thể người dân đã không được hỏi ý kiến khi chủ đầu tư lập dự án.
Màu sơn quá sáng đó chỉ hợp với những ngôi nhà, căn phòng ở thành thị, nơi nó bám chân trên đường nhựa không có bụi lầm hay bùn đỏ nhão nhoẹt. Nơi chủ nhân ngôi nhà đó và hàng xóm của họ không có những chiếc gùi chất đầy nông sản vừa nhổ lên còn quện đặc đất đỏ, đôi chân trần đẫm bùn, đôi tay trồng trọt chăn nuôi, đàn bò vừa đi vừa cong đuôi ị hay vẽ những vệt nước tiểu ngoằn ngoèo trên đường. Nên chỉ vừa mới khánh thành nhưng màu xanh nhạt dưới chân những ngôi nhà đã bị nền đất nhuộm vàng lem luốc. Chắc chắn chỉ ít lâu nữa thôi, các bức tường xanh nhạt đó sẽ loang lổ hẳn sang màu vàng hay đỏ gạch của đất đai vùng này, do bụi bám hàng ngày, do mưa làm đất đá bắn lên tường, do bàn tay, dụng cụ của những người sống tại đó quệt lên tường làm bẩn.
Những ngôi nhà dựng lên san sát, hoàn toàn như một tiểu khu dân cư người Kinh ở thành thị. Không có sân cho trẻ em chơi hay người già ngồi hóng chuyện, không có vườn để cha mẹ chúng trồng rau, dựng chuồng nuôi con gà.
Trong một bức ảnh khác, chúng ta thấy người dân đang dắt đàn bò đi về nhà. Nhưng họ sẽ nhốt, hay cột bò ở đâu? Dưới nhà sàn thì không thể rồi, vì một góc nhà sàn đã được dùng làm bếp và nhà vệ sinh. Làm chuồng riêng ở phía sau nhà chăng? Đất ở phía đó đã được san phẳng, có lẽ có thể làm chuồng gia súc được, nhưng còn nguồn nước để rửa nền chuồng thì ở đâu?
Các bản tin ca ngợi thôn nghĩa tình đều không nói người dân sẽ nhốt trâu bò ở đâu, có làm chuồng cho chúng hay không.
Trong một vài bức ảnh, chúng ta lại thấy một số người dân đã dựng vài kiến trúc cực kỳ thô sơ và – rất phá hoại cảnh quan – ngay sát phía sau nhà họ, bằng tre nứa và gỗ. Có cái giống như chỉ phủ tấm vải dầu lên vài thanh tre gỗ, có cái như một chái nhà lem nhem, có cái lại tươm tất như một ngôi nhà nhỏ ở khá xa sau nhà.
Người dân đang dựng một mái bếp, một túp lều hoặc chuồng để nhốt gia súc chăng?
Ngoài màu sơn không phù hợp với địa hình địa phương, những ngôi nhà sàn này được chủ đầu tư cho là phù hợp với tập tục sinh hoạt của bà con Vân Kiều tại đây, nhưng phân tích kỹ thì chưa phải thế. Nó chỉ có cái vỏ nhà sàn. Còn mọi sinh hoạt trong ngôi nhà đó đều được áp dụng theo thói quen sinh hoạt của người Kinh, mà là người Kinh sống ở thành thị. Chiếc bếp nhỏ và kín phù hợp để nấu bếp gaz chứ không thuận lợi cho nấu củi, vì không có chỗ trữ củi, không có chỗ thoát khói, hay chiều cao mái đủ để hun khói thực phẩm, treo bắp… như thói quen bảo quản lương thực, thực phẩm của bà con. Trên nhà sàn lát bằng gạch men không còn bếp lửa bập bùng suốt đêm, là trái tim của ngôi nhà, là nơi tiếp khách và quây quần gia đình. Nhà cộng đồng để sinh hoạt chung cũng không còn kiến trúc của dân tộc Vân Kiều mà là một ngôi nhà trệt tường vàng mái đỏ hết sức đặc thù kiểu kiến trúc trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Tóm lại, trừ cái vỏ nhà sàn thì đã giống người Kinh gần hết.
Nhiều người đã nói về sự mất mát bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc khi thói quen sống của một cộng đồng đông đảo hơn cứ luồn lách một cách tự nhiên và liên tục vào mọi giác quan của người ta hàng ngày hàng giờ qua vô số kênh trực tiếp: quảng cáo, phim ảnh, ca nhạc, kịch nghệ, truyền thông… Ban đầu nó thu hút vì sự tiện dụng, rồi từ từ, sự xâm nhập văn hóa này khiến cộng đồng thiểu số tự lược bỏ những thói quen sống, những nét văn hóa riêng biệt của mình, để dần dần trở nên một dân tộc mới nửa Kinh nửa Vân Kiều (chẳng hạn), tự đồng hóa mình để trở thành một dân tộc duy nhất.
Trong thôn nghĩa tình, những người dân vẫn còn mặc y phục Vân Kiều- những chiếc váy dệt thủ công nhiều màu sắc, kết hợp với áo thun polo, T-shirt in chữ tiếng Anh hoặc không. Nhưng rồi trong những ngôi nhà nghĩa tình sơn xanh kia có còn chỗ để họ tiếp nối hay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình hay không? Hay chính họ cũng vui mừng và cảm thấy thuận lợi hơn khi trở nên ngày càng giống người Kinh anh em? Đó là xu hướng tất yếu của lịch sử, là chọn lựa có ích nhất cho những người dân tộc thiểu số vốn có đời sống kinh tế thấp hơn người Kinh, hay là những mất mát không thể cứu vãn của một nền văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú vốn đã có?
___________
Tham khảo:
https://thanhnien.vn/can-canh-thon-nghia-tinh-son-hai-o-quang-tri-185240816154139611.htm
https://cand.com.vn/ly-luan/bep-lua-nguoi-o-dau-i641684/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.