Kiều bào với lời kêu gọi đầu tư và đóng góp chất xám từ Hà Nội

Vào những năm cuối thế kỷ 20, Giáo sư Phạm Minh Hoàng đang ở Paris – Thủ đô của nước Pháp, thấy có một số trí thức quanh ông về Việt Nam làm việc, đóng góp chất xám cho đất nước. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, những người này đã phải rời khỏi Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau.

Về và ấm ức ra đi

Giáo sư Phạm Minh Hoàng cho rằng, nếu đã quyết định về nước làm việc thì phải chấp nhận nhiều thứ không hài lòng. Ông kể lại câu chuyện trên với RFA hôm 27/8/2024:

“Thời điểm đó tôi thấy xung quanh tôi có một số người họ về Việt Nam trong một thời gian ngắn, rồi phải ra đi trong sự ấm ức. Tôi có cảm nhận họ chờ đợi một cái gì đấy ở Việt Nam, nhưng không đáp ứng được, có thể là tiền lương, nhưng cũng có thể là điều kiện làm việc… Nhưng khi họ về họ thấy điều kiện làm việc, đặc biệt là những người lãnh đạo không đủ tầm, thấy xung quanh họ nhiều người phá hơn là làm, cho nên họ ra đi trong sự ấm ức.”

Khi họ về họ thấy điều kiện làm việc, đặc biệt là những người lãnh đạo không đủ tầm, thấy xung quanh họ nhiều người phá hơn là làm, cho nên họ ra đi trong sự ấm ức.
-Giáo sư Phạm Minh Hoàng

Ông Hoàng cho biết, riêng ông khi đó nghĩ rằng, nếu về Việt Nam thì cho dù điều kiện làm việc không như ý, nhưng đã chọn về thì phải cố gắng trụ lại như trường hợp của ông:

Tôi về Việt Nam năm 2000 và tôi làm việc ở Đại học Bách Khoa đến năm 2010, tôi dạy trong khoa Toán. Lý do họ bắt bỏ tù tôi vì tôi tổ chức một khóa dạy về kỹ năng mềm. Đối với tôi cái đó rất quan trọng cho sinh viên sắp ra trường. Vì là kỹ sư phải có những nhu cầu như nói chuyện trước công chúng, làm việc nhóm, giải quyết những xung đột lúc làm việc…”

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, tất cả những kỹ năng mềm đó rất cần cho sinh viên, nhưng trong trường Đại học Bách Khoa không dạy hoặc chỉ dạy hàn lâm. Ông kể tiếp:

“Sau đó họ bắt bỏ tù tôi với lý do tổ chức những khóa đó là kiếm người cho đảng Việt Tân. Nhờ chính phủ Pháp can thiệp tôi được ra tù sau 17 tháng, nhưng họ vẫn coi tôi là một mối nguy tiềm tàng, họ không muốn thấy hình ảnh Phạm Minh Hoàng đứng trước mặt những người trẻ. Ở Việt Nam một người thầy ít nhiều cũng có ảnh hưởng nào đấy, cho nên họ tống tôi đi nước ngoài bằng cách tước quốc tịch Việt Nam của tôi.”

Tòa án Nhân dân TPHCM hôm 10/8/2011 đã tuyên án Giáo sư Phạm Minh Hòang ba năm tù giam và ba năm quản chế, với cáo buộc tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’, theo điều 79 Bộ Luật hình Sự. Đến ngày 29/11/2011, Tòa án Nhân dân TPHCM tại phiên xử phúc thẩm đã giảm án cho ông Phạm Minh Hoàng xuống còn 17 tháng tù giam và ba năm quản chế.

IMG_2511-700.jpg
Ảnh minh họa: Người Việt ở Mỹ tổ chức Hội chợ Tết. RFA.

Cần sự cải tiến, minh bạch

Vào ngày 22/8/2024, tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn tri thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi kiều bào đầu tư và đóng góp chất xám cho đất nước. Nói về lời kêu gọi này, ông Ngô Hoàng Phong, một Việt Kiều ở Đức hôm 26/8 cho rằng:

“Rất đơn giản, nếu anh không ủng hộ một chế độ độc tài, không ủng hộ chế độ vô nhân, không ủng hộ một chế độ chà đạp nhân quyền… thì không đầu tư vào Việt Nam. Còn những người làm ăn họ bán lương tâm họ đầu tư, họ không biết dân tộc là gì, họ chỉ biết chạy theo đồng tiền đầu tư vộ Việt Nam… thì cũng sẽ ‘ôm đầu máu’ chạy về. Trong mấy chục năm nay đã có nhiều người như vậy, như ông Trịnh Vĩnh Bình chẳng hạn… Làm sao một người theo Quốc gia mà có thể về Việt Nam làm ăn được? Vì làm ăn ở Việt Nam phải làm theo lề, làm trái luật thôi…”

Ông Tiến Nguyễn, chủ một Công ty Môi giới Đầu tư Địa ốc ở Virginia – Hoa Kỳ (Proplocate Realty, Llc) hôm 26/8 cho RFA biết ký kiến:

“Đã chạy đến nỗi xém chết thì về đầu tư làm chi nữa, làm sao mà được? Về đầu tư bất động sản thì ai là quyền sở hữu và luật pháp thì ai bảo đảm? Họ có thể bẻ luật ngay ngày hôm sau. Bây giờ họ nói luật bắt đầu cho Việt Kiều về mua nhà, nhưng họ không nói rõ việc đem tiền vô bao nhiêu, đem tiền ra như thế nào. Họ nói sẽ sửa đổi luật sở hữu 25 năm, ai tin thì làm thôi… Nó không phải như bên Mỹ với bên Europe, chuyển tiền qua lại có luật rõ ràng, có tự do… Còn bây giờ mình chuyển chui về Việt Nam được, thì phải chuyển chui ra, thì không có hợp lý đâu mà đầu tư, làm sao mà có thể làm ăn. Không có quy định chi tiết thì làm sao làm, tôi sẽ không đầu tư đâu. Còn người nào có tiền mà đầu tư theo kiểu đó thì tôi nghĩ là dại. Hơn nữa, bên Việt Nam còn giàu hơn Việt Kiều bên này, không có tiềm lực tài chính thì làm sao mà cạnh tranh được, đó là vấn đề. Chỉ có thể về mua một căn nhà để về hưu về thì còn được, chứ còn vấn đề đầu tư ở Việt Nam thì đừng nghĩ đến.”

Ông Tuấn, sống ở Cộng hòa Séc khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, muốn thu hút Việt Kiều về nước đóng góp trước hết phải cải tổ các thủ tục hành chính, giảm quan liêu về giấy tờ, tạo điều kiện cho những người còn quốc tịch Việt Nam khi đi gia hạn giấy tờ… Vì hiện nay bộ máy hành chính rất là quan liêu và không rõ ràng minh bạch.

Việc người Việt Nam ở nước ngoài nếu hướng về quê hương để đầu tư xây dựng đất nước là một việc rất là đáng mừng và đáng được khuyến khích. Nhưng hiện nay những chính sách của nhà nước thật sự là chưa được rõ ràng và chưa có gì thật sự hấp dẫn.
-Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy thì cho rằng, phải tạo ra một cơ chế để người Việt ở nước ngoài có tiếng nói trong việc giúp quốc gia phát triển, cũng như hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ông nói tiếp:

“Muốn vậy thì phải hình thành một uỷ ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài đúng nghĩa. Đối với những nước có đông người Việt, mỗi vùng hay bang hay nước, tuỳ lượng người, nên để cho họ bầu ra một đại diện vào uỷ ban đại diện cho người Việt ở nước ngoài. Còn ở những nơi ít người Việt thì có một đại diện chung cho người Việt ở vài vùng. Uỷ ban này sẽ làm việc liên tục với Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của chính quyền để đưa ra những khuyến nghị giúp cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài và giúp cả nước Việt Nam.”

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, người từng ở nước ngoài nhiều năm, khi trả lời RFA từ Việt Nam hôm 26/8 cho rằng:

“Hiện nay người Việt Nam ở nước ngoài lên tới con số gần sáu triệu người, đa số là có địa vị xã hội và kinh tế khá tốt ở mọi nơi. Việc người Việt Nam ở nước ngoài nếu hướng về quê hương để đầu tư xây dựng đất nước là một việc rất là đáng mừng và đáng được khuyến khích. Nhưng hiện nay những chính sách của nhà nước thật sự là chưa được rõ ràng và chưa có gì thật sự hấp dẫn. Tôi không muốn góp ý kiến về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dịp tôi sẽ góp ý trực tiếp qua các cơ quan nhà nước.”

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, vào năm 2020 có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao.

Related posts