Tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách là người mới nhất được một Dân biểu Đức nhận bảo trợ theo chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức.
Hôm 23/8/2024, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Andreas Jung nhận bảo trợ cho Đặng Đình Bách- nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu ở Việt Nam hiện đang phải thi hành án tù 5 năm về tội danh trốn thuế.
Ông Jung hiện là Phó chủ tịch Liên bang của đảng Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU) và Phát ngôn viên về Bảo vệ Môi trường và Khí hậu của Khối Liên đảng CDU/CSU trong Quốc hội Liên bang Đức, nói trong thông cáo báo chí ngày 23/8:
“Tôi dành sự kính phục lớn nhất cho ông Bách vì những dấn thân dũng cảm và kiên quyết của ông. Điều cốt yếu nhất mà tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam là cần trả tự do cho ông Bách ngay lập tức. Theo quan điểm của tất cả các nhà quan sát độc lập quốc tế thì ông Đặng Đình Bách đang chịu án tù bất công.”
Thông cáo cũng nhắc lại việc ông Bách đã bị kết án liên quan đến việc nhận tiền tài trợ (một phần đến từ nước ngoài) cho các hoạt động của tổ chức phi chính phủ Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD).
Việc bắt giam ông đã bị các nhà quan sát độc lập xem là một biện pháp chính trị để triệt hạ các tiếng nói phản biện về chính sách khí hậu, và sáu báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp quốc kêu gọi trả tự do cho ông.
Vị dân biểu Đức kêu gọi Việt Nam cải thiện điều kiện giam giữ ông Bách và chấm dứt sách nhiễu đối với gia đình ông.
Nhà hoạt động này đang bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ như thiếu các nhu cầu tối thiểu của con người là có một không gian giam giữ đủ rộng, được chống cái nóng bức, được có thức ăn đủ chất và được thăm viếng thường xuyên.
“Tôi rất mong ông Bách và gia đình sớm được đoàn tụ trong tự do và an toàn! Qua hành động bảo trợ này, tôi muốn dấn thân cho việc tôn trọng các nhân quyền cơ bản và bảo vệ các nguyên tắc dân chủ.
Nhân quyền phải được tôn trọng ở khắp mọi nơi và cho mọi người, trong đó bao gồm cả các quyền tự do chính trị và quyền tham gia (vào việc điều hành đất nước). Việc dấn thân để bảo vệ môi trường và khí hậu phải được tạo điều kiện (để nẩy nở) ở mỗi quốc gia để không ai còn phải bị lo sợ hậu quả cho cá nhân và cả gia đình mình.”
Ông Vũ Quốc Dụng- Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, có trụ sở tại Đức, là một trong những người vận động tích cực cho ông Bách.
Theo ông, Đặng Đình Bách và LPSD đã hoạt động ôn hòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Trong nhiều năm qua họ đã cam chịu nhiều áp bức của giới an ninh để tiếp tục được hoạt động công khai.
Việc bắt và xử án tù các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Mai Phan Lợi, Nguỵ Thị Khanh, và Hoàng Thị Minh Hồng vì tội trốn thuế trong những phiên tòa không công bằng theo những tiêu chuẩn nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết trong các công ước quốc tế nên bị xem là có động cơ chính trị.
Bình luận về tuyên bố của Dân biểu Jung, ông Dụng nói trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA):
“Tôi mong rằng dân biểu Andreas Jung và các nhà lãnh đạo chính trị của EU và Đức sẽ quan tâm soi rọi nhiều hơn các góc khuất về nhân quyền để chấm dứt tình trạng đối xử dã man với những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam để cho họ không phải sống trong sợ hãi khi có những hoạt động bảo vệ nhân quyền chính đáng.”
Bà Trần Phương Thảo, vợ ông Bách bày tỏ niềm vui khi được biết tin ông Bách được Dân biểu Đức nhận bảo trợ. Bà viết trong tin nhắn gửi phóng viên:
“Được sự ủng hộ, vận động mạnh mẽ của ông Andreas Jung, cùng với Chính phủ Đức và Uỷ ban EU, tôi hi vọng rằng ‘bán án oan sai’ của chồng tôi sẽ được Chính phủ Việt Nam suy xét lại.”
Chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức cho các dân biểu có được cơ hội bảo trợ chính trị cho các đồng nghiệp ở nước ngoài hoặc cho những người bị đe dọa hoặc đàn áp vì họ dấn thân cho dân chủ và nhân quyền.
Tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình được nữ Dân biểu Margarete Bause nhận bảo trợ năm 2019 và đến năm 2022 ông Julian Pahlke khi vừa nhậm chức Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức đã đồng ý bảo trợ cho trường hợp này.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập đang thụ án 15 năm tù cũng được Dân biểu Renate Künast nhận bảo trợ hồi năm 2020.
Các dân biểu sẽ hợp tác với bộ ngoại giao, tòa đại sứ cũng như các tổ chức phi chính phủ để công khai hóa các vụ việc và thúc đẩy cải thiện tình trạng của các nạn nhân.
Trả lời phỏng vấn báo TAZ ở Đức cuối tháng trước, Dân biểu Jung tuyên bố sẽ đề nghị Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen (CDU), và Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock vận động Chính phủ Việt Nam về trường hợp của ông Bách vì ông “nghi ngờ rằng ông Bách đã bị đàn áp vì lý do chính trị để dập tắt các tiếng nói phản biện của xã hội dân sự.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về việc Dân biểu Jung nhận bảo trợ cho Đặng Đình Bách nhưng chưa nhận được phản hồi.