Các tổ chức quốc tế lên tiếng sau khi tử tù Lê Văn Mạnh bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp sự lên tiếng của các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.
Bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về án tử hình của tổ chức Ân xá Quốc tế, trong email gửi tới RFA trong ngày 25/9 khẳng định, mặc dù biết chi tiết rằng vụ án Lê Văn Mạnh có nhiều vi phạm nghiêm trọng và vi phạm quyền được xét xử công bằng, trong đó có cáo buộc tra tấn để buộc nhận tội nhưng chính quyền Việt Nam vẫn xử tử ông chỉ vài ngày sau khi báo cho gia đình biết việc làm đơn nhận thi hài.
Và điều này theo bà Sangiorgio thì “thật là kinh tởm,” bà nói:
“Việc nhẫn tâm theo đuổi việc thi hành án sau các thủ tục tố tụng bất công khiến cho việc tước đoạt mạng sống trở nên tùy tiện.
Vụ án này thật đau lòng và phẫn nộ, đồng thời là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy Việt Nam sẵn sàng coi thường hoàn toàn các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất của thủ tục tố tụng hợp pháp, ngay cả khi mạng sống bị đe dọa.”
Đại diện của tổ chức quốc tế hoạt động nhằm xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới, cho rằng Việt Nam đang tụt lại phía sau vì vẫn duy trì hình phạt tàn khốc và hèn hạ nhất vào thời điểm mà các nước khác đang xoá bỏ nó.
“Chúng tôi phản đối án tử hình trong mọi trường hợp. Việt Nam phải dừng tất cả các vụ hành quyết như một bước quan trọng đầu tiên trước khi thiết lập lệnh cấm và tiến tới bãi bỏ như hơn 2/3 số quốc gia trên thế giới đã làm.
Các quốc gia không được giết người nhân danh an toàn xã hội và án tử hình không bao giờ là giải pháp cho tội phạm,” đại diện tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) nói.
Trong ngày 23/9, ngay sau khi có thông tin các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh sau 19 năm kêu oan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã có phản ứng. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, nói trong tuyên bố gửi đến RFA:
“Việt Nam cố gắng che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia áp dụng nhiều án tử hình nhất ở châu Á và trên thế giới, nhưng vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Việc công an thường xuyên sử dụng biện pháp tra tấn và hệ thống tòa án không độc lập khác xa với hệ thống tòa án độc lập dẫn đến loại hình phạt cao nhất không thể thay đổi được trong trường hợp bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ của bị cáo bị coi thường.”
Ông kêu gọi Việt Nam ngay lập tức giảm bớt án tử hình để ngăn chặn những vụ án oan và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.
Hãng tin AFP dẫn phát biểu của tổ chức Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, việc xử tử Lê Văn Mạnh “là vi phạm quyền sống và quyền tự do khỏi những hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục theo luật nhân quyền quốc tế.”
Người phát ngôn của ICJ khẳng định, “Việt Nam phải tham gia vào xu hướng toàn cầu hướng tới việc bãi bỏ án tử hình và thiết lập lệnh cấm sử dụng án tử hình.”
“Báo động” tính mạng của hai tử tù đang còn kêu oan
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng báo động về tình trạng của con ông và tử tù Hồ Duy Hải đang rất nguy cấp sau khi Lê Văn Mạnh bị tiêm thuốc độc.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/9:
“Hiện nay tôi rất lo lắng cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì mục tiêu của chúng nó là giết thằng Mạnh trước để thăm dò dư luận rồi giết tiếp thằng Chưởng và thằng Hải.”
Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, người liên tục kêu oan trong 19 năm qua sau khi bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm hiếp dâm và giết chết một bé gái trong năm 2005 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đã bị thi hành án vào sáng ngày 22/9.
Ba ngày trước đó, toà án tỉnh Thanh Hoá có thông báo thi hành án gửi cho gia đình căn cứ vào công văn của Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/8/2023, đồng thời yêu cầu làm đơn nếu muốn nhận xác về để mai táng.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình trong vụ án Bưu điện Cầu Voi với hai nhân viên nữ của cơ quan này bị giết chết. Việc kết án người thanh niên này có nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra và kết án, tuy nhiên, bản án vẫn được giữ nguyên qua nhiều phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm ở bốn cấp, kể cả giám đốc thẩm thực hiện bởi Toà án Nhân dân Tối cao.
Ông Nguyễn Trường Chinh nói rằng ông rất bức xúc với cách hành xử độc ác của nhà chức trách, vì ngày 18/9 toà án mới thông báo cho gia đình và chiều 21/9 mới hết hạn nộp đơn mà họ đã tiến hành tiêm thuốc độc ngay trong sáng sớm ngày 22/9.
Ông kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục lên tiếng và mạnh hơn nữa để cứu lấy cuộc sống của hai tử tù còn lại.
“Rất mong cộng đồng mạng và mọi người yêu công lý và tự do trên thế giới cố gắng lên tiếng cứu giúp hai từ tù còn lại, hai tử tù oan là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì hiện nay cuộc sống của họ là tính từng giây từng ngày.”
Bà Nguyễn Thị Việt cho RFA biết gia đình bà rất bất ngờ về việc con trai Lê Văn Mạnh bị thi hành án nhanh như vậy.
Ngay khi gia đình nhận được thông báo làm đơn đăng ký nhận xác, bà đã đi ra Hà Nội để kêu oan cho con trai mình ở một số cơ quan trung ương như Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước.
“Sáng 23/9, gia đình tôi mới nhận được cái giấy nói thi hành Lê Văn Mạnh rồi, thi hành án ở ngoài nhà tiêm thuốc độc tỉnh Hòa Bình, đem xác về chôn cất ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng, thành phố Thanh Hóa.
Hắn đưa giấy thông báo Lê Văn Mạnh đã thi hành rồi cho con trai tôi ở nhà, có kèm theo trích lục án tử.
Gia đình tôi không được gặp mặt lần cuối mà nó cũng không thông báo là ngày thi hành án. Gia đình tôi đâu có biết mãi đến khi có giấy thông báo thi hành án và chôn xác ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng thôi.”
Bà cho biết trong hai tháng qua, gia đình bà có đến trại giam để thăm con trai nhưng trại giam không cho gặp, nói là đề phòng lây lan COVID. Bà nghẹn ngào cho biết, gia đình cũng không được mời đến để chứng kiến việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc.
Trước đó, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán các nước Vương quốc Anh, Vương quốc Na Uy và Canada đã ra một thông cáo chung kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh và điều tra về cáo buộc tra tấn để bức cung người này, tuy nhiên Việt Nam phớt lờ kiến nghị này.