Thế giới tỏ ra đang chia rẽ trong việc tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga. Hầu hết các nước châu Á đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt. Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc bỏ phiếu nhằm đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 7/4/2022 vừa qua.
Tình hình ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phản ánh bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra trên thế giới. ASEAN bao gồm 10 nước thành viên là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Brunei, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia. Tại LHQ, tất cả các nước thành viên ASEAN, ngoại trừ Việt Nam và Lào, đều bỏ phiếu phản đối chiến dịch đặc biệt của Nga. Tuy nhiên, trong số 10 quốc gia thành viên, chỉ có Singapore áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Điều đó cho thấy, hiện nay trong ASEAN đã hình thành ba nhóm quốc gia có thể được phân loại dựa trên thái độ đối với các biện pháp trừng phạt chống Nga. Nhóm thứ nhất chỉ có Singapore là đã ủng hộ và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nhóm thứ hai bao gồm Việt Nam và Lào, hai nước này ít khi đưa ra những tuyên bố về vấn đề trừng phạt và luôn ủng hộ hợp tác với Nga trong mọi lĩnh vực. Chính quyền quân sự Myanmar cũng vào nhóm này, đối với họ không có gì thay đổi trong quan hệ với Nga sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, bởi vì bản thân nước này cũng đang chịu các lệnh trừng phạt. Nhóm thứ ba là các nước còn lại: Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Brunei. Tất cả các quốc gia này đều có quan hệ hữu nghị lâu đời với Nga. Tất cả các nước này, đã lên tiếng kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen, quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay đã gọi Nga là “bạn của Campuchia”, nhưng lại lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Campuchia một mặt không chấp nhận bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập như Ukraine bởi Nga. Nhưng mặt khác Campuchia không muốn nghe theo lời kêu gọi của các nước phương Tây yêu cầu rút lại lời mời Nga tham gia Tuần lễ ASEAN, trong đó có cả Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Thái Lan và Indonesia, các nước chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và G20 cũng đang làm như vậy tại các diễn đàn họ chủ trì.
Chúng ta có thể thấy Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Campuchia đều đã lên tiếng về các lệnh trừng phạt đối với Nga, một số nước nói lên quan điểm của mình không chỉ một lần. Tuy nhiên, các quốc gia này đã nói rõ rằng họ sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. Tất cả các nước này vẫn sẵn sàng tăng cường các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Nga.
ASEAN đã bị chia rẽ kể từ năm 2012 sau khi Campuchia – nước khi đó giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN – đã không thể ra tuyên bố chung sau khi hội nghị thượng đỉnh thường niên của các lãnh đạo ASEAN bế mạc. Mấu chốt là do Philippines và Việt Nam phản đối các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Kể từ đó, ASEAN đã bị phân cực trong vấn đề ứng phó với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp này. ASEAN tiếp tục gặp thách thức bởi các động thái của Mỹ nhằm chống lại Bắc Kinh. Đầu tiên là việc chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại khu vực không có sự tham gia của Trung Quốc. Tiếp đó là cuộc chiến thương mại toàn diện mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động với Trung Quốc và sự ủng hộ của ông Trump đối với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Khi căng thẳng giữa hai siêu cường này gia tăng, ASEAN đã bị cả hai bên gây áp lực và bị buộc phải chọn phe. Campuchia và Lào công khai trở thành đồng minh của Trung Quốc, trong khi Singapore và Việt Nam ngày càng nghiêng về Mỹ.
Điều đáng lưu ý là sự chia rẽ trong ASEAN hiện nay trong vấn đề Ukraine lại không tuân theo những mô hình trước đó. Liên quan đến các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc đảo chính ở Myanmar, Campuchia vẫn ủng hộ Bắc Kinh và lực lượng quân sự Myanmar nhưng Phnom Penh lại không ủng hộ Nga. Trong khi đó, Lào ủng hộ cả Trung Quốc ở Biển Đông, chính quyền quân sự Myanmar và Nga. Việt Nam chỉ trích Trung Quốc, “im lặng” trước cuộc đảo chính ở Myanmar và thông cảm với Nga. Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore vẫn duy trì các quan ngại của mình về vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông, việc giới quân sự đang nắm quyền ở Myanmar cũng như cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Thái Lan tỏ ra mềm mỏng trước những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và cuộc đảo chính ở Myanmar, nhưng lại có lập trường phản đối hành động quân sự của Nga.
Đây chính là thời điểm khủng hoảng đối với ASEAN. Những gì ASEAN cần hiện nay là một cách tiếp cận mới của những nước có cùng chí hướng. Những nước sẵn sàng và có thể đưa ra những quan điểm chung mà không phải là quan điểm đồng thuận của toàn bộ 10 nước thành viên cần được tiếp tục làm như vậy. Các nước gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang đi đầu trong nỗ lực này. Những nước khác, chẳng hạn như Thái Lan và Việt Nam, có thể tham gia vào các vấn đề và lĩnh vực khác mà họ quan tâm. Những nước còn lại có thể tham gia hoặc không tham gia nếu họ thấy phù hợp với mô hình ASEAN-5 cộng “X”. Các nước sáng lập ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore cần đi đầu trong mô hình hoạt động mới này. Nếu các quốc gia Đông Nam Á và các đối tác của họ càng sớm nắm bắt được thực tế mới này, ASEAN sẽ càng sớm trải qua một cuộc cải tổ mà lẽ ra cần được tiến hành từ lâu.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do