ASEAN cần thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Mekong

Sông Mekong đã trở thành “chiến trường” trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung với những tác động đáng kể tới ASEAN, không chỉ riêng với các nước thành viên ASEAN lục địa. Biển Đông không phải là tuyến đường biển duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà qua đó Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau để cạnh tranh ảnh hưởng. “Trò chơi quyền lực” về vấn đề sông Mekong tuy không nổi trội nhưng cũng có tầm quan trọng không kém vấn đề biển Đông.

Khu vực tiểu vùng sông Mekong rõ ràng đang nhanh chóng trở thành “chiến trường” mới cho cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Năm 2020 đã chứng kiến một loạt tranh cãi, chỉ trích lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong một hội thảo trực tuyến, quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ David Stilwell cho biết Trung Quốc đang thao túng sông Mekong vì lợi ích của chính họ và gây ra “cái giá phải trả quá cao” cho các quốc gia hạ nguồn sông Mekong.

Trung Quốc cũng đã bác bỏ những cáo buộc và chỉ trích cho rằng nước này đang cướp đi nguồn nước của hàng triệu người dân sinh sống ở hạ nguồn sông Mekong và phụ thuộc vào sông Mekong để kiếm kế sinh nhai.

Không chỉ là vấn đề môi trường

Tuy nhiên, khi so sánh với vấn đề của ASEAN ở Biển Đông thì vấn đề sông Mekong vẫn chưa được ghi nhận là vấn đề “cấp khu vực” để được thảo luận giữa các nước thành viên ASEAN.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cố gắng đưa vấn đề sông Mekong vào chương trình nghị sự của ASEAN nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sự quan tâm chú ý của khu vực sang vấn đề y tế công cộng và sự phục hồi kinh tế, từ đó thu hẹp cơ hội của Việt Nam đưa vấn đề sông Mekong ra thảo luận giữa các nước thành viên ASEAN trong năm nay.

Khi Việt Nam chuyển giao vị trí Chủ tịch ASEAN cho Brunei vào năm tới, có nguy cơ vấn đề sông Mekong sẽ tiếp tục không được ASEAN chú ý tới như trước nay vẫn vậy, và cùng với đó sẽ là những hậu quả tai hại có thể xảy ra với toàn bộ khu vực này.

Những vấn đề khó khăn đối với sông Mekong đã được nhìn nhận một cách rộng rãi qua ống kính môi trường và góc nhìn kinh tế-xã hội, chủ yếu là tác động các quốc gia ASEAN lục địa. Mối liên kết của vấn đề sông Mekong với những cân nhắc về địa chính trị và an ninh rộng lớn hơn của khu vực lâu nay vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 8/3/2016: một người dân đi qua một con kênh cạn nước ở Long Phú, Sóc Trăng, Việt Nam
Hình minh họa. Hình chụp hôm 8/3/2016: một người dân đi qua một con kênh cạn nước ở Long Phú, Sóc Trăng, Việt Nam
AFP

Trong 20 năm qua, việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong đã được vội vã tiến hành, với hy vọng về việc tạo ra nguồn năng lượng tái tạo cho khu vực. Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập trên sông Lan Thương, với 11 con đập trên dòng chính khác ở vùng hạ lưu sông Mekong và 120 con đập trên các dòng nhánh. Tác động tàn phá của các con đập này đối với nguồn thủy sản và mùa màng lúa gạo ở các quốc gia dọc sông Mekong cũng đã được ghi nhận đầy đủ.

Sau cuộc khủng hoảng hạn hán năm 2019, các chuyên gia cũng đã lên tiếng mạnh mẽ cảnh báo về nguy cơ hệ sinh thái ở lưu vực sông Mekong bị phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, chi phí xây dựng các con đập trên sông Mekong phần lớn lại do các cộng đồng địa phương gánh chịu. Việc mất đi sinh kế và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực đã khiến nhiều người dân phải di cư tới nơi khác.

Tình trạng di cư bắt buộc này đã kéo theo các vấn đề khác về an ninh con người như nạn buôn người, buôn bán ma túy và các hình thức tội phạm có tổ chức khác, làm suy yếu sự ổn định và phát triển kinh tế của khu vực. Một đánh giá gần đây của mạng lưới các tổ chức nghiên cứu về chiến lược và quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế ASEAN đã nhấn mạnh nguy cơ xuất hiện các cuộc khủng hoảng kép khi yếu tố liên kết giữa các mối đe dọa an ninh gia tăng hơn (ví dụ như đại dịch-nạn đói, đại dịch-thiên tai, đại dịch-khủng hoảng nhân đạo…). Tình hình hiện tại ở lưu vực sông Mekong có thể là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng này.

Ngoài ra, cũng có những cân nhắc về yếu tố địa chính trị. Một báo cáo của tổ chức Fitch Solutions cho rằng những thiệt hại nặng nề trong ngành đánh bắt và nuôi trồng – lâu nay được coi là nguồn cung cấp sinh kế chính cho nhiều cộng đồng người dân địa phương – do việc xây dựng các con đập sẽ là yếu tố buộc các nước ASEAN phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực gia tăng hơn nữa từ Trung Quốc.

Dự án tuyến đường siêu tốc” của Trung Quốc

Cũng trong cùng thời điểm, các kế hoạch của Trung Quốc tạo ra một tuyến đường thủy “siêu tốc” cho vận chuyển hàng hóa thương mại dọc theo sông Mekong bằng cách phá hủy các ghềnh nước đã gây ra nhiều tranh cãi. Dự án này kêu gọi việc xóa bỏ các ghềnh nước trên sông Mekong bằng cách nạo vét và nổ mìn, và do đó cho phép hoạt động vận chuyển thương mại di chuyển trở nên dễ dàng theo đường thủy. Trong khi dự án trên đã được triển khai trên các đoạn sông Mekong ở Trung Quốc, Myanmar và dọc theo biên giới của Lào thì nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các cộng đồng dân cư và các nhóm bảo vệ môi trường ở Thái Lan trong hai thập kỷ qua, đỉnh điểm là việc Chính quyền Thái Lan quyết định chấm dứt dự án này vào đầu năm 2020. Mặc dù vậy, vẫn còn phải xem Thái Lan có thể tạm dừng kế hoạch dài hạn của Trung Quốc – đào sâu sông Mekong để phục vụ thương mại trong khoảng thời gian bao lâu.

Có những lợi ích đáng kể về kinh doanh và địa chính trị trong việc biến sông Mekong thành một hành lang nước công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN dọc sông Mekong.

Hình minh hoạ. Một người dân ngồi trên tàu đánh cá ở sông Mekong ở Sangkhom, Thái Lan hôm 31/10/2019
Hình minh hoạ. Một người dân ngồi trên tàu đánh cá ở sông Mekong ở Sangkhom, Thái Lan hôm 31/10/2019
AFP

Trên hết, yếu tố hoạt động thương mại và đầu tư lớn của Trung Quốc vào các nước ASEAN dọc sông Mekong và cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ Đặc biệt LMC khiến các nước ASEAN khó quay lưng được với Trung Quốc.

Tầm quan trọng chiến lược của sông Mekong đối với khu vực Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN cần có một cách tiếp cận khác cấp bách và mới mẻ. Ngoài Việt Nam, các nước chủ tịch luân phiên sắp tới của ASEAN cần ủng hộ việc đưa vấn đề sông Mekong vào chương trình nghị sự của khu vực.

Ngoài ra, cần coi việc khôi phục ASEAN Troika là một cách giải quyết kịp thời và có trọng tâm các vấn đề cấp bách như vấn đề sông Mekong. Quốc gia điều phối viên quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc hiện nay là Philippines nên chủ động đưa vấn đề Mekong vào các cuộc thảo luận với Trung Quốc trong tương lai.

Việc thúc đẩy sự phối hợp và cộng tác nhiều hơn giữa cơ chế LMC và các cơ chế liên chính phủ khác như Ủy hội sông Mekong cũng là điều nằm trong lợi ích ASEAN.

Quan trọng hơn, ASEAN cần tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế phát triển hơn trong nhóm với các nước như Campuchia, Lào và Myanmar. Điều này nhằm tránh việc có bất kỳ quốc gia nào bị mắc kẹt trong quỹ đạo của Bắc Kinh mà có thể tác động đến khả năng giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực của ASEAN.

Theo lời của Đại sứ lưu động Singapore Bilahari Kausikan, ASEAN cần “từ bỏ cách tiếp cận hẹp hòi mang tính giao dịch” đối với các vấn đề sông Mekong và nhìn nhận về khu vực Đông Nam Á một cách tổng thể như một chiến trường chiến lược.

Tầm quan trọng của sông Mekong đối với Đông Nam Á đòi hỏi ASEAN phải có phản ứng quyết đoán và kịp thời. Nếu thiếu điều này, vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị suy giảm hơn nữa và sự ổn định, tăng trưởng của khu vực trong dài hạn sẽ gặp nhiều thách thức.

Việt Nam sẽ làm gì hay góp phần lấy đá ghè chân mình?

Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu Châu thổ sông Mekong có diện tích gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích toàn quốc và 5% diện tích lưu vực sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và là địa bàn trọng điểm trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tất cả các thủy điện trên lưu vực sông Mekong đều có ảnh hưởng đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng những thủy điện trên dòng chính luôn có ảnh hưởng nhiều hơn cả. Bản chất Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do phù sa sông Mekong. Vùng đất này sẽ bị sụt lún khi không còn phù sa. Bài toán biến đổi khí hậu sẽ xảy ra nhanh hơn, nặng nề hơn khi các đập thủy điện lần lượt chặn dòng chính sông Mekong.

Tác động tích lũy của dự án thủy điện trên dòng chính cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mekong có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho khu vực. Theo đó, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha và nó đã và đang gây thiệt hại khoảng 231 triệu USD cho ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Mất quyền chủ động sử dụng nguồn nước Mekong sẽ có ảnh hưởng dài hạn lên kinh tế – xã hội của Việt Nam. Hậu quả có thể không xảy ra ngay lập tức, nhiều tác động là lâu dài và không thể đảo ngược.

Khi con đập đầu tiên ở phía hạ lưu là Xayaburi được xây dựng, phía Việt Nam đã liên tục nêu các quan ngại về tác động của các công trình sử dụng nước dòng chính lên phía cuối nguồn, đe dọa sự bền vững của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhưng dự án này lại có sự tham gia của PV Power – công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó sẽ là nguyên nhân làm yếu tiếng nói của Chính phủ Việt Nam trong các đàm phán về quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mekong.

Từ bỏ thủy điện, điện than và thay thế vào đó là năng lượng sạch: điện gió và điện từ năng lượng mặt trời chính là giải pháp khôn ngoan nhất của Việt Nam hiện nay, vừa bảo vệ được môi trường, vừa bảo vệ được nguồn nước sông Mekong và không bị lệ thuộc Trung Quốc về công nghệ điện than lạc hậu, một công nghệ đã bị cả thế giới lên án.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts