Một số luật sư và người bất đồng chính kiến ở trong nước cho rằng, việc ba luật sư trong nhóm bào chữa cho những người trong Tịnh thất Bồng lai sang Hoa Kỳ là một sự thiệt thòi cho phong trào dân chủ trong nước, trong khi có một số người khác lại có ý kiến trái ngược.
Ba luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân thuộc nhóm luật sư bảo vệ cho Tịnh thất Bồng lai (sau đổi tên là Thiền am Bên bờ vũ trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đến Mỹ trong tháng 6, theo nguồn tin của RFA.
Vào đầu tháng hai năm nay, cả năm luật sư bị Công an tỉnh Long An triệu tập nhiều lần để làm việc về tin báo tội phạm của Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
Bộ Công an cho rằng một số luật sư trợ giúp pháp lý cho Tịnh thất Bồng Lai có dấu hiệu vi phạm Điều 331 của Bộ luật Hình sự khi công bố các tình tiết, bình luận cũng như các khiếu nại của họ về vụ án lên mạng xã hội Youtube và Facebook.
Sau khi ba trong số năm luật sư từ chối đến làm việc theo giấy triệu tập, ngày 11/6/2023, Công an Long An đăng thông báo truy tìm họ.
Vào ngày 19/6, hai luật sư Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng xác nhận đã đến bờ đông của nước Mỹ ba ngày trước đó, trong khi luật sư Đào Kim Lân nói với VOA rằng ông đang ở một nơi “rất an toàn” và đang sắp xếp chuẩn bị bước vào một cuộc sống mới.
Tin về việc ba luật sư đến bến bờ tự do loan ra khiến nhiều người trong và ngoài nước bày tỏ cảm xúc lẫn lộn trên mạng xã hội Facebook.
Luật sư Ngô Anh Tuấn của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, viết trên trang Facebook cá nhân về tâm trạng của ông sau khi nghe tin:
“Tôi mừng cho cá nhân những người bạn của mình nhưng tôi lo cho những người ở lại.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người cũng từng tham gia bào chữa trong nhiều vụ án chính trị, bày tỏ sự băn khoăn về việc nhiều người hoạt động rời khỏi đất nước.
“Tổng trên cả nước, những luật sư dám đứng ra bảo vệ thân chủ trong các vụ án có màu sắc chính trị, đếm đi đếm lại không quá hai bàn tay, nay bị bớt đi gần một nửa. Số lượng giảm, chất lượng chưa biết giảm đi bao nhiêu nhưng tinh thần người trong cuộc là giảm đi rõ rệt.
Liệu rằng làn sóng ra đi sẽ chấm dứt hay tiếp tục có những người sẽ ra đi? Liệu rằng những tiếng nói phản biện vẫn sẽ còn tồn tại hay sẽ tắt dần theo thời gian?”
Luật sư Mạnh và luật sư Miếng tham gia bào chữa cho người hoạt động trong nhiều vụ án chính trị, bao gồm vụ Đồng Tâm, Dương Nội, Hội Anh em Dân chủ, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam… Riêng luật sư Mạnh, trong hơn 15 năm qua, ông đã tham gia bảo vệ trong ít nhất 37 vụ và thay mặt hơn 50 thân chủ, trong đó có nhiều người là người bảo vệ nhân quyền, nhà báo độc lập và người hoạt động dân chủ…
Một luật sư trẻ của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Trước hết, cá nhân tôi xin chúc mừng ba vị đồng nghiệp đã đến với thế giới tự do, tôi tin rằng khi tới Hoa Kỳ ba vị đồng nghiệp của tôi không phải lo lắng về an nguy của bản thân cũng như gia đình nữa.”
Người này cũng cho rằng, Đặng Đình Mạnh và Nguyễn Văn Miếng là hai luật sư tiêu biểu trong số ít những luật sư dũng cảm hiếm hoi dám tham gia bào chữa trong vụ án chính trị.
“Sự ra đi của hai vị luật sư này để lại khoảng trống rất lớn đối với các vụ án chính trị bởi vì theo tôi biết hiện nay giới luật sư rất e dè và muốn né tránh không tham gia án chính trị vì họ phải chịu áp lực tinh thần, áp lực từ cơ quan điều tra, áp lực xã hội rất lớn.”
Đánh giá về phong trào đấu tranh ở Việt Nam hiện nay, người này cho rằng vì thiếu vắng luật sư
“vì dân” nên có khả năng luật sư “chỉ định” hoặc luật sư “nhà nước” sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng mời tham gia các vụ án chính trị để trang điểm cho nền tư pháp.
“Theo quan điểm của tôi, những luật sư này nếu họ tham gia sẽ không độc lập và họ đóng vai trò dường như là con chim mồi cho chính quyền chứ không vì thân chủ như những luật sư chân chính,” người này nói.
Cùng một nhận định như trên, một luật gia từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, rất đáng tiếc nếu ba luật sư nêu trên không trở về nước để tiếp tục hành nghề bởi ở Việt Nam số luật sư tham gia các vụ án chính trị đã không nhiều nay lại càng ít đi.
Một số người còn bi quan hơn về nền tư pháp của Việt Nam sau khi ba luật sư bị buộc phải rời đất nước để tránh sự truy bức của chế độ.
Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói “Các luật sư vụ Tịnh thất Bồng Lai bỏ nước ra đi báo hiệu công lý không còn chốn dung thân” trong khi luật sư Phạm Công Út viết trên Facebook của mình: “Có lẽ tôi không còn bạn bè nữa, vì tụi nó đã trở thành các ‘cựu luật sư’ và sống cuộc đời lưu vong cả rồi. Liệu sẽ còn ai để bảo vệ cho quyền con người ở quanh tôi?”
Không ảnh hưởng tới nền tư pháp, phong trào nhân quyền ở Việt Nam
Một luật gia ẩn danh khác ở Hà Nội lại cho rằng sự ra đi của ba luật sư không có tác động gì đáng kể tới tình hình ở Việt Nam. Ông giải thích trong tin nhắn gửi tới RFA trong chiều 21/6:
“Bởi lẽ, mọi sự đào thoát chưa bao giờ là một bước tiến hay tạo ra tác động gì cả, mà đó chỉ đơn giản là sự đảm bảo an toàn cho những người ra đi.”
Theo ông, sự ra đi của họ có thể có một tác dụng duy nhất, đó là làm người ta chú ý đến thực tế tại Việt Nam để biết thêm một minh chứng về vị thế yếu của luật sư trong nền tư pháp ở đất nước độc đảng.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người cũng chịu nhiều o ép trong một số vụ án, cho rằng Nhà nước Việt Nam cần thay đổi cách ứng xử đối với giới luật sư:
“Nhiều lần tôi tự hỏi, thay vì dồn ép những người bất đồng chính kiến tới mức họ phải đưa ra những lựa chọn cực đoan thì tại sao chính quyền không lắng nghe, đối thoại với họ để tháo gỡ mâu thuẫn, tận dụng tri thức của họ để góp phần xây dựng đất nước dân chủ, tiến bộ hơn? Tôi tự hỏi rồi cũng tự trả lời.”
Phóng viên gọi điện thoại cho Công an tỉnh Long An trong văn bản “Thông báo truy tìm” các luật sư, thì người cầm máy nói cảm ơn, tiếp nhận thông tin và hứa chuyển cho người có trách nhiệm, trong khi đó điều tra viên Huỳnh Hưng phụ trách vụ việc không nghe máy.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong cùng ngày bình luận qua tin nhắn về thông tin của các luật sư:
“Bằng việc đưa ra các cáo buộc hình sự không có thật đối với ba luật sư nhân quyền này, Việt Nam cho thấy hệ thống tư pháp ít có khả năng mang lại công lý thực sự cho người dân trong nước như thế nào.
Khi các luật sư có nhiệm vụ bào chữa cho các nhà hoạt động trước tòa ngại lên tiếng, điều đó cho thấy rằng không ai được an toàn trước một hệ thống tòa án chỉ lắng nghe một tiếng nói – đó là tiếng nói của Đảng Cộng sản cầm quyền và các quan chức chính phủ mà nó kiểm soát.”
Gần đây, nhiều người hoạt động đã rời Việt Nam để đi định cư ở nước ngoài theo dạng tị nạn. Trước đó gia đình nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Anh Tuấn sang Canada, gia đình Phạm Thanh Nghiên-Huỳnh Anh Tú đến Houston (Texas) vào giữa tháng tư vừa qua.