Bãi bỏ hay bổ sung cảnh vệ cho quan chức nhà nước?

Không cần thiết

Ngoài bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC, trong hồ sơ chuyển Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2017, Bộ Công an còn muốn sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng cũng thuộc diện được cảnh vệ…

Theo Bộ Công an Việt Nam, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và tố tụng với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao nên cần thiết được bảo vệ như yếu nhân.

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Tổng cục 2, Bộ Quốc Phòng, khi trả lời RFA hôm 30/11 cho biết không những ông phản đối bổ sung Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Đại tướng quân đội, công an vào danh sách là đối tượng được cảnh vệ mà ông cho rằng nên bỏ tất cả việc bảo vệ yếu nhân đối với tất cả những chức danh hiện nay đang áp dụng, bởi vì hai lý do chính:

“Thứ nhất, lâu nay đảng và nhà nước Việt Nam tuyên truyền rằng đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân của dân tộc, còn nhà nước là của dân do dân vì dân, rồi một loạt khái niệm khác như QĐND, CAND… như thế đối với các cán bộ lãnh đạo đảng nhà nước, không có sự bảo vệ nào vững chắc hơn, đáng tin hơn là sự bảo vệ của nhân dân. Khác những nước khác có các loại tội phạm, nhưng ở Việt Nam chỉ có một đảng, không có sự cạnh tranh, không có xã hội đen (!?)… thì không có lý nào phải duy trì các biện pháp bảo vệ này cả.”

Tôi thấy lần này nên bãi bỏ tất cả hệ thống cảnh về đối với mỗi cán bộ của đảng viên cao cấp của đảng và nhà nước, chứ không phải bây giờ lại bổ sung thêm.
-Trung tá Vũ Minh Trí

Theo cựu Trung tá Vũ Minh Trí, thực tế nhiều năm qua, sự đe dọa về tính mạng đối với các cán bộ đảng viên các cấp của đảng và nhà nước không phải đến từ nhân dân, không phải đến từ các loại tội phạm trộm cắp hình sự… mà lại đến từ chính các cán bộ đảng viên khác, tức là đến từ “cái đội ngũ đấy với nhau” (theo lời ông nói). Ông dẫn chứng:

“Một ví dụ điển hình là vụ án ở tỉnh Yên Bái vào tháng 8/2016, Chi cục trưởng Kiểm lâm của tỉnh đã đem súng vào nơi làm việc bắn chết Bí thư Tỉnh ủy lẫn Chủ tịch HĐND tỉnh… Hay như thời gian vừa qua, ở Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác có nhiều cán bộ cấp Phó chủ tịch UBND, cấp phó giám đốc Sở… nhảy lầu tự sát hoặc chết một cách bất thường, các cuộc điều tra nếu có đều khẳng định họ không hề bị xã hội đen hay tội phạm hình sự giết hại, mà đều bằng những lý do cá nhân hoặc công việc của họ. Cho nên tôi thấy lần này nên bãi bỏ tất cả hệ thống cảnh về đối với mỗi cán bộ của đảng viên cao cấp của đảng và nhà nước, chứ không phải bây giờ lại bổ sung thêm.”

Ý thứ hai theo ông Trí, việc bổ sung diện được cảnh vệ sẽ rất tốn kém, tất cả những tốn kém đấy đều lấy tiền thuế mà người dân đóng. Ông cho rằng đó là một sự lãng phí rất không cần thiết.

000_1E039D.jpg
Lực lượng cảnh vệ bảo vệ yếu nhân ở Hà Nội năm 2019 (Ảnh minh họa). AFP.

Ngăn chặn nỗi sợ hay tiêu tốn tiền dân!

Luật Cảnh vệ năm 2017 hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ gồm: nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, khu vực trọng yếu và các sự kiện đặc biệt quan trọng. Trong đó, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm: cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương…

Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân có cấp hàm Đại tướng… không thuộc diện được bảo vệ như yếu nhân theo Luật Cảnh vệ hiện hành. Tuy nhiên, Bộ công an cho rằng việc bổ sung thêm hai đối tượng cảnh vệ là cần thiết và Bộ đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ năm 2017.

Nói về đề nghị mới này, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 30/11, nói:

“Sự an toàn của yếu nhân mang tầm vóc của an ninh quốc gia và là thể diện đối với thế giới. Do đó việc bảo vệ yếu nhân tôi cho là một việc làm bình thường của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên việc bảo vệ yếu nhân mang tính chính trị là căn bản nhất và quan trọng nhất, chuyện đó không phải là để tránh sự trả thù mang tính cá nhân. Trong khi đó, Chánh án Tòa tối cao và Viện trưởng Viện KSNDTC là những người thực thi công lý, có nghĩa là luật pháp quy định như thế nào thì xử như thế đó.”

Tổ chức bảo vệ yếu nhân như vậy rất tốn kém, trong khi ngân sách của nhà nước hiện nay rất là eo hẹp, thì nó chỉ mang tính gánh nặng cho người dân chúng tôi hơn là bảo vệ được an toàn cho các nhân vật này.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Ông Nguyễn Ngọc Già phân tích thêm rằng trên thực tế, nhà cầm quyền CSVN cho rằng ở trong nước hầu như không có án oan, do đó không việc gì phải sợ trả thù cá nhân.

Với suy luận đó, ông cho rằng đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ 2017 của Bộ Công an “có vẻ như là có sự trả thù cá nhân và chính quyền đang e ngại việc đó”. Ông nói tiếp:

“Thứ hai, tổ chức bảo vệ yếu nhân như vậy rất tốn kém, trong khi ngân sách của nhà nước hiện nay rất là eo hẹp, thì nó chỉ mang tính gánh nặng cho người dân chúng tôi hơn là bảo vệ được an toàn cho các nhân vật này. Trong khi các vụ án như vụ Vạn Thịnh Phát của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Bộ Công an cho rằng đang rất phức tạp, có những nhân vật chết bí hiểm cũng như bà Nhàn thì đang bỏ trốn, điều đó cho thấy một lỗ hổng và hệ thống tư pháp của Việt Nam quá yêu kém.”

Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng Bộ công an, Chánh án tối cao, cũng như Viện trưởng Viện KSNDTC nên quan tâm những lỗ hổng an ninh đó để làm sao thực thi được công lý tốt hơn. Còn việc đưa những người này vào diện bảo vệ yếu nhân, thì không cần thiết, nhất là trong tình hình kinh tế bi đát như hiện nay.

Với một góc nhìn khác, toàn cục hơn, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương thì cho rằng:

“Nó có một cái chuyện là lợi ích và nỗi sợ hãi của một số cán bộ cấp cao nào đó. Nó thể hiện sự lo sợ nên họ yêu cầu tăng cảnh vệ. Trước đây không có.”

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Mai, nếu mà sống mà tử tế với dân thì luôn luôn yên ổn, dân sẽ bảo vệ. Còn nếu mà ác độc với dân thì làm sao bảo vệ được? Ông cho rằng nên khuyến khích người ta ăn ở hiền lành phúc hậu hơn, đừng đàn áp dã man, đừng ăn cướp đất của dân… như thế thì chả sợ gì cả, vì dân sẽ bảo vệ cho.

Related posts