Tỉnh Đồng Nai có hơn 26.000 thí sinh dự thi lớp 10 công lập năm học 2024-2025, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ hơn 11.000 học sinh, gần 15.000 học sinh sẽ rớt. Hà Nội có gần 110.000 thí sinh thuộc diện này nhưng chỉ tiêu chỉ có 81.000 em, gần 30.000 học sinh sẽ rớt. Tại TP.HCM, hơn 98.000 thí sinh dự thi lớp 10 công lập, trong khi chỉ tiêu chỉ có hơn 71.000 học sinh, 27.000 học sinh sẽ rớt.
Chính vì chỉ tiêu ít mà số lượng học sinh dự thi cao dẫn đến tình trạng học sinh học thi căng thẳng trong các lớp luyện thi khắp cả nước. Một số chuyên gia, nhà giáo cho rằng, cả nước cần xây thêm trường để bảo đảm tất cả học sinh có nguyện vọng học hết cấp 3 có chỗ để học, tránh vi phạm quyền học tập của học sinh.
Sự phát triển dân số của Việt Nam cũng tương đối cao. Trong điều kiện xã hội hiện nay đủ ăn đủ mặc thì những học sinh học hết lớp 9 là nguồn nhân lực trẻ đáng quý. Nhưng lại không có một chiến lược để đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu thì đó là một điều rất bất cập của chế độ, của chính phủ, của nhà nước này. – GS. Mạc Văn Trang
Giáo sư Mạc Văn Trang nêu quan điểm của ông với RFA sáng 11 tháng 6 năm 2024:
“Thực sự đây là một vấn đề rất là nhức nhối bởi vì mục tiêu của XHCN là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng được bình đẳng về cơ hội trong giáo dục. Thế nhưng không hiểu rằng cái quản lý xã hội, cái thể chế nó đưa đẩy thế nào mà đến tình trạng là “hai bông hoa” của chế độ là y tế và giáo dục lại suy đối nặng nề, làm cho dân mất niềm tin, càng càng không đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.
Sự phát triển dân số của Việt Nam cũng tương đối cao. Trong điều kiện xã hội hiện nay đủ ăn đủ mặc thì những học sinh học hết lớp 9 là nguồn nhân lực trẻ đáng quý. Nhưng lại không có một chiến lược để đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu thì đó là một điều rất bất cập của chế độ, của chính phủ, của nhà nước này”.
Theo giáo sư Mạc Văn Trang, một vấn đề đã được đề xuất, nghiên cứu và thí nghiệm từ lâu nhưng vẫn không phát triển được, đó là xây dựng hệ thống trường dạy nghề thật hấp dẫn để những học sinh hết lớp 9 có thể chọn vào. Đây là nguồn nhân lực dồi dào nhưng không được tận dụng trong tình hình thiếu trường lớp như hiện nay. Ông nói tiếp:
“Nếu đầu tư phát triển hệ thống trường dạy nghề hấp dẫn để các em học hết lớp 9 vào học thêm vài năm, vừa có trình độ văn hóa phổ thông, vừa có tay nghề để đi làm thì rất tốt. Không phát triển được hệ thống này thì nó là một cái rất bức xúc của người dân và thiệt thòi cho học sinh. Chỉ tiêu chỉ khoảng 60% các em được vào lớp 10 công lập, số còn lại là bơ vơ. Đây là một lỗi rất lớn của quản lý nhà nước, quản lý giáo dục, mà nhiều năm rồi chưa khắc phục được”.
Trao đổi với truyền thông nhà nước, ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại một số thành phố lớn đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó có việc dồn ép trẻ học thêm, luyện thi. Nguyên nhân chính của việc này là do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập.
Cũng theo ông Sỹ, việc quy hoạch, xây dựng trường, lớp học phải được ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển, mở rộng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô dân số, kiên quyết thu hồi những dự án “treo” dành quỹ đất cho xây dựng trường học; chính quyền các địa phương cần bảo đảm ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo; bảo đảm đủ về số lượng giáo viên; phải thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, thu hút được các nhà đầu tư, phát triển các trường ngoài công lập đáp ứng khả năng chi trả của số đông người dân; dành sự đầu tư thỏa đáng đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – trung tâm giáo dục thường xuyên để nâng cao chất lượng dạy và học.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ giảm áp lực rất nhiều cho học sinh lẫn phụ huynh vì có thể tiết kiệm công sức, chi phí, nguồn lực cho xã hội; tránh tình trạng tiêu cực bởi đây là kỳ thi do địa phương tổ chức, từ khâu ra đề, chấm và công nhận kết quả. Nhưng nếu ai cũng được vào lớp 10 thì không đủ trường lớp để học. Việc thiếu trường, thiếu lớp ở các đô thị lớn được cho là do tốc độ phát triển dân số quá nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho giáo dục không theo kịp dẫn đến quá tải. Đó là thực tế.
Áp lực trường lớp là rất lớn khi mà tỉnh nào, địa phương nào cũng thiếu trường lớp. Nó dẫn đến hậu quả là cuộc thi vào lớp 10 của các cháu hết sức cam go, khó khăn còn hơn thi vào đại học. Lỗi đầu tiên thuộc về các nhà quản lý, thuộc về chính quyền. – Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Điều này cũng được nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói đến khi đề cập chỉ tiêu nhận vào lớp 10 công lập trên toàn quốc. Ông nói với RFA:
“Áp lực trường lớp là rất lớn khi mà tỉnh nào, địa phương nào cũng thiếu trường lớp. Nó dẫn đến hậu quả là cuộc thi vào lớp 10 của các cháu hết sức cam go, khó khăn còn hơn thi vào đại học. Lỗi đầu tiên thuộc về các nhà quản lý, thuộc về chính quyền. Đó là không ưu tiên xây dựng trường lớp nên thiếu trường lớp. Cái thứ hai là người ta không có một cái chiến lược để nhìn được sự gia tăng dân số và tỷ lệ học sinh đi học như thế. Điều này đi ngược lại với những chủ trương phổ cập giáo dục phổ thông của nhà nước.
Nguyên nhân thứ hai, đó là các trường dạy nghề và trung cấp của Việt Nam phải nói là một hệ thống khá yếu kém. Không thu hút được học sinh học hết lớp 9 vào đó. Nó dẫn đến hậu quả là học sinh cứ học xong lớp 9 là phải thi vào lớp 10. Trong khi đúng ra thì các trường trung cấp và dạy nghề phải làm được nhiệm vụ đào tạo nghề. Học xong lớp 9 là bước vào độ tuổi lao động. Vậy có thể hường lứa tuổi này vào các trường lớp dạy nghề. Ai cũng phải vào cấp 3 rồi vào đại học nó là một sự lãng phí, bởi thực tế nhiều cháu học xong cấp 3, thậm chí học xong đại học vẫn phải làm việc phổ thông, đi xuất khẩu lao động. Đấy là một sự lãng phí rất lớn của xã hội”.
Thực tế, nhiều năm qua, rất nhiều sinh viên học xong đại học với tấm bằng khá, giỏi vẫn không tìm được việc làm. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Lao động – thương binh và xã hội, thực tế có khoảng 80% sinh viên, cử nhân ra trường chạy xe ôm công nghệ. Còn theo một nghiên cứu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021, trong 200.000 tài xế xe công nghệ, có 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên.