Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 21/4 đã tuyên 3 năm tù đối với bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, với cáo buộc ‘Vi phạm đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng’.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân đề nghị mức án cho ông Tuấn là từ 4 đến 5 năm tù. Cùng bị xét xử với ông Tuấn là 11 đồng phạm khác là các thuộc cấp tại Bệnh viện Tim Hà Nội, lãnh đạo và kế toán Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hoàng Nga và Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC.
Với mức tổng thiệt hại trong vụ án là hơn 53 tỷ đồng mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao công bố, dư luận trên mạng xã hội cho rằng mức án 3 năm của Cựu Giám đốc Bệnh viện Tin Hà Nội – bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn là quá nhẹ so với các án tham nhũng của các quan chức Việt Nam khác.
Đơn cử như trường hợp của Cựu đại tá – Trưởng Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội, ông Phùng Anh Lê, vào tối ngày 20/4/2023 bị Tòa phúc thẩm y án 7 năm 6 tháng tù vì tội ‘Nhận hối lộ 110 triệu đồng’.
Hay trước đó vào ngày 1/12/2022, Cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM bị tuyên phạt 7 năm tù vì vi phạm các nguyên tắc về đấu thầu khi ký các hợp đồng mua 14.800 thủy tinh thể đã gây thiệt hại hơn 14,2 tỉ đồng.
Vào ngày 31/5/2022, một loạt lãnh đạo bệnh viện các huyện ở tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo các công ty cung cấp thiết bị y tế phải lĩnh án nhiều năm tù.
Trở lại với trường hợp bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 21 tháng 4 năm 2023, nói:
“Tôi nghĩ mức án như vậy phải xem xét trong một điều kiện hoàn cảnh và con người cụ thể. Đối với bị cáo là giám đốc bệnh viện tim, đó là một người có khả năng chuyên môn rất tốt. Thứ hai là họ đã hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và đã khắc phục hậu quả. Người ta xử lý hình sự theo tôi là để răn đe, để họ thấy được lỗi của mình và họ sẽ khắc phục không tái phạm nữa. Ở các nước thì người giám đốc là nhà quản lý, ít bao giờ lấy người giỏi về chuyên môn để làm quản lý. Những nhà chuyên môn, những nhà khoa học mà lại đi làm quản lý thì việc đó xảy ra là điều rất đáng tiếc.”
Theo ông Hậu, cũng nên ra một cái mức án để ông Tuấn thấy được sai lầm, để tiến bộ hơn và dùng chuyên môn của mình góp sức cho cộng đồng… Luật sư Nguyễn Văn Hậu với quan điểm cá nhân cho rằng, với trường hợp ông Tuấn thì mức án 3 năm tù là phù hợp.
Rõ ràng ở việc quản lý anh phạm tội thì phải xử theo tội, công được thưởng, tội thì phải phạt. Cá nhân tôi thấy bản án đó nhẹ so với vi phạm ông ta mắc phải.
-Bác sĩ Đinh Đức Long
Tuy nhiên Bác sĩ Đinh Đức Long từ Việt Nam hôm 21/4 cho rằng, bản án 3 năm tù là nhẹ:
“Theo cá nhân tôi, phải rạch ròi giữa chuyên môn và quản lý. Chuyên môn thì ông ta là một người chuyên môn giỏi, nhưng cũng có nhiều người giỏi như ông ta nhưng tại sao ông được làm giám đốc? Với vai trò quản lý rõ ràng ông ta phạm tội rồi, công ra công, tội ra tội chứ. Nếu chuyên môn giỏi thì vinh danh thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân… Nhưng rõ ràng ở việc quản lý anh phạm tội thì phải xử theo tội, công được thưởng, tội thì phải phạt. Cá nhân tôi thấy bản án đó nhẹ so với vi phạm ông ta mắc phải.”
Bác sĩ Long cho rằng, không phải ai giỏi chuyên môn cũng được làm quản lý ở Việt Nam, ông Long giải thích:
“Ở Việt Nam tôi biết là phải có thể lực, phải bon chen, phải đầu tư… mà đầu tư thì anh cũng hiểu, phải đầu tư đủ thứ… nếu anh không được gì thì việc gì anh phải đầu tư vào đấy. Tôi đã từng làm trong lĩnh vực chuyên môn nên tôi biết, nếu chỉ là cán bộ chuyên môn bình thường, chắc chắn thu nhập rất thấp, nếu chân chính chỉ đủ ăn. Nhưng nếu là quản lý thì khác hẳn, thu nhập rất nhiều nguồn, gấp bao nhiêu lần người khác.”
Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, bản án như vậy là chưa khách quan. Cho nên nếu gọi là mọi người bình đẳng trước pháp luật, thì trong trường hợp này ông Long cho biết chưa thấy sự bình đẳng trước pháp luật.
Còn Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức quốc hôm 21/4 thì cho rằng với bản án 3 năm tù không những không đủ tính răn đe mà còn ươm mầm cho tham nhũng:
“Những quan chức tham nhũng ở Việt Nam trong quá trình đấu đá họ có thể chạy tội được. Đối với trường hợp ông Tuấn đã gây ra thiệt hại cho nhà nước là hơn 1 tỷ đồng và đã bồi thường hơn 6 tỷ đồng, khi đưa ra tòa xét xử VKS đề nghị mức án từ 4 đến 5 năm tù, mức án cao nhất có thể lên tới 20 năm tù, nhưng toà chỉ tuyên có 3 năm tù thôi. Với chính sách chống tham nhũng của ông Trọng hiện nay, ông ta nói nếu các quan chức nào bồi thường, hối lỗi thì sẽ giảm nhẹ tội… thì không biết ông Nguyễn Phú Trọng khuyến khích tham nhũng hay là vừa bắt tham nhũng lại vừa ươm mầm tham nhũng?”
Ở đây có một sự khác biệt rõ ràng, những quan chức cộng sản vừa tham nhũng vừa phá hoại đất nước, trong khi những người bất đồng chính kiến chỉ muốn đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn, công bằng hơn… nhưng cuối cùng khi xét xử họ bị nhận bản án cao gấp rất nhiều lần.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Theo Luật sư Đài, các quan chức cộng sản không phải chỉ có một vụ tham nhũng, mà trong suốt sự nghiệp chính trị của họ giữ rất nhiều chức vụ… nếu chỉ bồi thường một vụ thì theo ông Đài vào tù các quan chức này vẫn sống sung sướng với số tiền tham nhũng được. Rồi sau ít năm họ được giảm án, ra tù họ tiếp tục hưởng thụ tất cả những thứ mà họ có được từ tham nhũng. Như vậy theo ông Đài, không khác gì ươm mầm cho tham nhũng tiếp theo. Luật sư Đài so sánh với các bản án mà các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động môi trường phải chịu:
“Ở đây có một sự khác biệt rõ ràng, những quan chức cộng sản vừa tham nhũng vừa phá hoại đất nước, trong khi những người bất đồng chính kiến chỉ muốn đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn, công bằng hơn… nhưng cuối cùng bị đối xử một cách rất tàn tệ trong suốt quá trình từ trước khi bị bắt, đến điều tra truy tố… Khi xét xử họ bị nhận bản án cao gấp rất nhiều lần so với quan chức cộng sản khi phá hoại đất nước.”
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho rằng, đó là một sự bất công không chỉ trong xã hội, mà còn bất công trong chính ngành tư pháp.