Ban Phụ huynh học sinh: bao giờ mới hoạt động đúng chức năng?

Tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), theo báo chí nhà nước, thời gian qua xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo lớp tại các trường phổ thông nhằm tránh tình trạng lạm thu…

Trả lời RFA hôm 4/10/2024, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, cho biết ý kiến:

“Nếu TPHCM quyết bỏ được Ban phụ huynh học sinh, thì đó được coi là một bước tiến, một sự dũng cảm của một thành phố đi đầu cả nước, chúng tôi ủng hộ điều đó. Hội phụ huynh học sinh ở các trường dạo này chỉ là cánh tay nối dài cho hiệu trưởng để thu các khoản tiền bất hợp pháp. Quỹ này là quỹ lớn nhất trong tất cả các quỹ mà trường thu. Năm nay có những trường ví dụ như trường Lê Lợi ở Hà Đông quỹ phụ huynh học sinh thu tới bảy tám triệu gì đó một em, còn là những trường ở nông thôn trung bình cũng 500 hay 1 triệu mỗi em, như vậy một trường học có thể thu cả tỷ đồng hay vài tỷ đồng và chi như thế nào có trời biết?”

Nếu TPHCM quyết bỏ được Ban phụ huynh học sinh, thì đó được coi là một bước tiến, một sự dũng cảm của một thành phố đi đầu cả nước, chúng tôi ủng hộ điều đó.Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, cho dù có thanh tra đến trường kiểm tra thì cũng sẽ cùng với hiệu trưởng hợp lý hóa với nhau:

“Tình trạng núp bóng hội phụ huynh học sinh để thu các khoản tiền bất hợp pháp diễn ra chưa bao giờ chấm dứt được là do có sự tiếp tay làm ngờ của các cấp lãnh đạo. Cho nên việc thành phố Hồ Chí Minh kiên quyết giải tán ban phụ huynh học sinh thì chúng tôi rất mừng, đó là điều nên làm. Cả nước nên bỏ quỹ hội phụ huynh học sinh. Thật ra nếu nhìn thẳng vào vấn đề thì lãnh đạo các cấp nên kiên quyết cấm thu bất kỳ khoản tiền nào ngoài luật pháp quy định.”

—————
Từ chuyện cô giáo “xin cái laptop” đến chuyện lạm thu trong trường học
Quy định buộc giảng viên đại học phải có bằng tiến sĩ chuyên ngành sẽ khả thi?
Hối lộ trong ngành xuất bản: thông đồng móc túi dân?
—————

e5a2a4be-098a-45a0-9439-5601b00ef05c.jpeg
Ảnh minh họa chụp tại một lớp học ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO.

Trước ý kiến đề xuất bỏ Ban phụ huynh tại các trường phổ thông, tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã phản hồi cho rằng, hoạt động của Ban phụ huynh học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh.

Một phụ huynh có hai con đang trong tuổi đi học ở Việt Nam – ông Liêu Thái, hôm 4/10 nói với RFA:

“Trước đây tôi cũng là người làm trong ban phụ huynh nên tôi cũng có một chút kinh nghiệm. Thực ra ban phụ huynh bây giờ tồn tại hay không tồn tại cũng như nhau. Nếu như trường hợp ở TPHCM thì nên bỏ, trong đó có những trường hợp mình thấy trưởng ban phụ huynh nói với những phụ huynh khác nghèo hơn mình rằng ‘con em nghèo thì không nên học lớp này’… thành ra chia bè rẽ phải. Chứ còn thực ra về mặt lý thuyết ban phụ huynh thành lập rất hay, theo thông tư 55 của Bộ Giáo dục Đào tạo thì ban phụ huynh không được thu tiền, nhưng có thể tự vận động tiền để dùng cho mục đích tương trợ lẫn nhau giữa các phụ huynh. Ví dụ như gia đình nào khó khăn không nộp được bảo hiểm y tế cho con thì ban phụ huynh sẽ hỗ trợ. Hay nhà có tang, bệnh tật thì ban phụ huynh sẽ phụng điếu thăm hỏi… ý nghĩa đó rất hay. Ví dụ như ở Quảng Nam trưởng ban phụ huynh lớp con trai tôi xin được số tiền mang đến cho một phụ huynh khác bị ung thư giai đoạn ba…”

Theo ông Thái, nếu nhìn vào ý nghĩa chung thì không nên bỏ ban phụ huynh, vì nếu tương trợ được lẫn nhau thì rất tốt. Ông Thái dẫn chứng thêm:

“Đặc biệt vấn đề con em đánh nhau, ban phụ huynh liên lạc với nhau để nói chuyện trước, để tìm phương pháp khả dĩ nhất để giải quyết. Đó là cách thành lập ban phụ huynh theo lý thuyết. Còn ngược lại nếu như ban phụ huynh chỉ vận động tiền này, tiền khác các thứ để hỗ trợ cho nhà trường giống như là trợ lý của giáo viên chủ nhiệm, rồi hội trưởng giống như trợ lý của hiệu trưởng… thì ban phụ huynh không nên tồn tại. TPHCM hiện nay có hiện trạng đó, có nghĩa ban phụ huynh giống như một cánh tay nối dài của nhà trường, chứ không tương trợ giữa phụ huynh với nhau, cho nên bỏ ban phụ huynh ở TPHCM cũng có cái lý của nó.”

Trong Thông tư 55 về Ban phụ huynh của Bộ Giáo dục- Đào đạo có quy định: Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường; hỗ trợ công tác quản lý, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

TPHCM hiện nay có hiện trạng đó, có nghĩa ban phụ huynh giống như một cánh tay nối dài của nhà trường, chứ không tương trợ giữa phụ huynh với nhau, cho nên bỏ ban phụ huynh ở TPHCM cũng có cái lý của nó.-Ông Liêu Thái

Thực tế còn một bất cập trong việc bầu chọn người đại diện phụ huynh học sinh, mà thực chất là do nhà trường chỉ định chứ không hề có cuộc bầu chọn. Những người được nhà trường chỉ định này, thường lại là những người có kinh tế khá giả, chẳng phải lo lắng chuyện thu chi. Do đó hội phụ huynh được cho là không thể nào bao quát được quyền lợi chung về kinh tế của các thành viên.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 4/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đưa ra nhận định:

“Tôi với tư cách phụ huynh cũng đã từng ở trong ban phụ huynh mấy mươi năm trước. Thực ra ban phụ huynh nếu làm đúng công việc của nó thì cũng có ích. Bởi vì không phải khi nào toàn bộ phụ huynh của một lớp cũng có thể có mặt với nhau để có ý kiến với nhà trường. Trong lúc đó có rất nhiều chuyện mà nhà trường cần hỏi ý kiến phụ huynh. Thành ra có một ban đại diện quyền lợi của phụ huynh học sinh trong việc tiếp xúc với nhà trường, phối hợp với trường cùng làm việc… thì cái đó trên thực tế làm việc tôi thấy cũng có ích.”

Nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện nay nhiều trường Ban phụ huynh chỉ là cánh tay nối dài của trường:

“Hiện nay nhiều trường cần cái này, cần cái kia… mà quy định nhà nước là không cho phép, thế là họ giương ngọn cờ phụ huynh tự nguyện. Mà muốn như vậy thế là họ bắt ép Ban phụ huynh đó phải ra thông báo. Như vậy khi mà bên trên kiểm tra hay ai đó phản ứng, nhà trường sẽ xoa tay nói ‘không tôi không biết, đây là ý Ban phụ huynh’… Nhưng ai ở trong cuộc đều biết, Ban phụ huynh làm thật đó là bề mặt, còn bề trong là nhà trường giật dây. Kiểu đó là nhiều lắm, điều tôi nói không lạ, báo chí cũng nói hoài.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, đề nghị giải tán ban phụ huynh đó cũng là một sự thừa nhận rằng, trên thực tế nhìn chung Ban phụ huynh đã trở nên vô ích, thậm chí có hại:

“Cái đó cũng thể hiện sự bất lực, giải tán cũng được, không sao… Nhưng vấn đề phải có một hình thức khác, sao cho tiếng nói của phụ huynh đối với nhà trường có nơi để tiếp nhận, có cách để tiếp nhận đầy đủ và không bị đứt quãng… thì cái đó phải tính tới. Chứ còn dẹp nó đi rồi cuối cùng kêu phụ huynh cần một tiếng nói chung với nhau, thì không cách nào tiếp xúc được, cái đó là hỏng, được cái này mà mất cái kia.”

Với những hoạt động lấn sân, trái nhiệm vụ và biến tướng của Hội Phụ Huynh tại nhiều trường học khắp nơi lâu nay, công luận đang đòi hỏi khi nào thì vấn nạn này được giải quyết? Đây cũng là một phần trong công cuộc chấn chỉnh hoạt động giáo dục tại Việt Nam.

Related posts