Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/9 về việc cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án công tác nhân sự trình Đại hội XI Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần báo cáo sâu sắc hơn nữa về công tác xây dựng Đảng, chứ không chỉ nặng về kinh tế.
Theo người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu Đảng không tốt, cán bộ không gương mẫu, thì không thể báo cáo kinh tế được, mà kinh tế không lên được thì làm sao dân yên, ngoài ra, kinh tế lại gắn với văn hóa, xã hội.
Nhận xét lời phát biểu của ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà quan sát xã hội từ Hà Nội nhận định:
“Tôi nghĩ ông ấy nói không sai bởi vì người lãnh đạo một địa phương như thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn mà cán bộ lãnh đạo ở đấy hỏng, tham nhũng mà tất cả đều là đảng viên. Như ông đảng viên trong đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh bỏ ra mấy triệu (đô la) để mua quốc tịch Síp chẳng hạn, không biết còn bao nhiêu người như thế. Trong trường hợp như thế kinh tế cũng chẳng phát triển được, chắc chắn dân sẽ bất bình, điều ông ấy nói không sai.”
Với kinh nghiệm cầm bút từng làm việc cho Tạp chí Cộng sản, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình cho hay:
“Ý ông nhấn mạnh vào vấn đề đạo đức, nhân cách cán bộ đảng viên và lấy cái đấy làm gốc, không chỉ gốc ở nhiều mặt mà còn gốc ở mặt phát triển làm ăn kinh tế. Khi ông ấy đặt vấn đề công tác tổ chức xây dựng đảng, con người đảng viên, nhấn mạnh vào đó. Những cái nhấn mạnh này luôn đúng nhưng trong thực tế luôn ngược lại, tức là không có những con người tốt để xây dựng được cái như ông ấy nói bởi vì con người là các đảng viên cốt cán đều phải tham nhũng, đều phải cơ hội mới có điều kiện tranh chức tranh quyền, mua quan bán tước. Nên việc ông nói đúng về nguyên tắc, nhưng trên thực tế chính từ cái gốc đó mà xã hội như thế này, đủ các thứ tiêu cực, tham nhũng thành quốc nạn, yếu kém kinh tế xã hội, các thứ xảy ra từ gốc con người ấy thôi.”
Cùng quan điểm nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra thêm những dẫn chứng cho việc ông Nguyễn Phú Trọng “nói hay nhưng chỉ nói một đường làm một nẻo”:
“Chắc chắn không đúng với tình hình thực tế hiện nay vì cơ chế chính của ông ấy mà ông ấy đang hô hào không chỉ thành phố Hồ Chí Minh mà cả nước này noi theo là ông vẫn khăng khăng theo Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Marx-Lenin thì cả thế giới vất vào sọt rác, Hồ Chí Minh thì ông bảo ông chả có tư tưởng gì cả. Nên tất cả những cái đó tuy ông ấy nói người lãnh đạo với thành tích, với các việc khác là không sai về mặt quản trị nhưng cơ chế thực của đảng cộng sản Việt Nam thì ông chỉ nói chơi như thế được thôi. Bởi vì chính các thứ ấy đã sinh ra bọn hư hại, hỏng việc, tham nhũng thì cuối cùng những lời nói có vẻ rất khoa học, rất sáo thực sự chỉ là những trò bịp mà thôi.”
Tuy nhiên, cũng tại buổi làm việc ngày 3/9, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết quan điểm của ông về cơ chế của chính phủ Hà Nội không giống với những nhà quan sát xã hội đưa ra.
Cụ thể, lời ông Nguyễn Phú Trọng được báo VietnamNet trích nguyên văn như sau: “Vừa qua rất đau xót là phải thi hành kỷ luật một số cán bộ, cần nghiêm khắc kiểm điểm vì sao lại xảy ra như vậy. Có những ý kiến sai lệch, cho rằng do cơ chế, vậy tại sao vẫn cơ chế đó mà chỗ khác người ta làm tốt?”
Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, phát biểu này của ông Tổng Bí thư chứng tỏ ông chưa hiểu vấn đề. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình lý giải:
“Ông ấy chưa hiểu tại sao người ta lại nói cơ chế dẫn tới tha hóa con người như thế. Ông không hiểu, hoặc không muốn nói đến hoặc trốn tránh. Trước kia người ta nói đến cơ chế là người ta nói đúng, chính xác. Tại sao cơ chế dẫn đến tha hóa? Vì dân tộc chúng ta không có sự phản biện, không có đa nguyên để tranh giành, để cạnh tranh nhau lành mạnh, làm sao không dẫn đến độc quyền tuyệt đối thì đó là nguyên lý. Ông nói không phải do cơ chế thì do ông không hiểu hoặc cố tình nói vậy chứ ai cũng nói do cơ chế.”
Vẫn theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nếu muốn thực sự thay đổi đất nước thì chính phủ Hà Nội cần phải thay đổi những điều sau:
“Đặt vấn đề toàn diện của đất nước và đặt vấn đề của đảng để chống sự tha hóa thì đều phải thay đổi cơ chế. Trong đảng và đối với xã hội đều phải có dân chủ, phải có các đảng phái chính trị mới giải quyết được tận gốc vấn đề như thế. Còn tất cả những cách nói khác, tất cả những lý do khác đều là ngụy biện, phải là từ cơ chế, từ gốc đó, gốc đó không có thì không làm được gì.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng chỉ có dân chủ mới giúp cải thiện tư duy cán bộ:
“Phải dân chủ độc đảng của ông ấy, tức phải có cạnh tranh, phải có cọ sát, chỉ có tranh cạnh tranh thì người tài mới nổi lên. Tôi không nói trong đảng cộng sản Việt Nam bây giờ không có người tài. Những người tài ấy phải tự thân vận động bằng các hoạt động của mình, phải cạnh tranh với những người khác lúc đó mới xuất hiện người tài. Còn chuyện ông ấy nói tôi bảo là không sai thì ông lại tiếp tục lên gân về chuyện chống đối thế lực thù địch, này kia… tức trong câu nói của ông là đầy rẫy mâu thuẫn.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định để hoàn thành tốt việc tìm kiếm người tài cho đất nước, lãnh đạo chính phủ còn cần phải có tự do bầu cử:
“Chừng nào bản thân đảng của ông không thực sự dân chủ, tức bầu cử thực sự và phải mạnh mẽ. Còn tất cả chuyện ông ta đã nói là bản thân Bộ Chính trị của ông ấy đã duyệt nhân sự của đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh về cơ bản là được thì còn đại hội làm gì? Giả vờ bầu cho có vẻ dân chủ thế thôi, thực sự đó là những màn bịp bợm từ lâu rồi và họ tiếp tục làm như thế thì hỏi làm sao có cán bộ tốt ở thành phố Hồ Chí Minh?”
Việc lựa chọn nhân sự cho kỳ Đại hội đảng 13 được diễn ra vào tháng 1/2021 đang được quan tâm và hối thúc mạnh mẽ từ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều chuyên gia nhận định, những sai phạm trong vấn đề nhân sự sẽ được phơi bày rõ ràng hơn trước mỗi kỳ đại hội đảng.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội vào ngày 3/9 đã bị Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND khoá 15 nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Chung đã bị Bộ Công an khởi tố và bắt giam vào ngày 28/8 với cáo buộc tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, sự việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch vi phạm luật Việt Nam về tư cách đại biểu cũng gây xôn xao dư luận. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ về nguồn gốc số tiền 2,5 triệu đô la Mỹ mà ông Quốc bỏ ra để mua quốc tịch Síp.
Đến ngày 1/9 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê thay vì chất vấn về nguồn gốc số tiền vừa nêu lại yêu cầu báo chí không nên đào sâu và cần phải tôn trọng lời ông Quốc là được gia đình bảo lãnh.
Phát biểu của ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng khiến nhiều người không khỏi bất bình và cho rằng ông đang bao che cho ông Phạm Phú Quốc. Với phát ngôn như vậy, ông Khuê được nhận định ngoài sai luật, ông còn đang làm sai chức năng quản lý cán bộ trong cương vị Thường vụ Thành ủy của mình.