Trong Dự thảo ‘Nghị định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước’ vừa trình Chính phủ, Bộ Nội vụ đã đề xuất cán bộ được bổ nhiệm vị trí cao hơn cần có sản phẩm cụ thể, phù hợp với vị trí dự kiến bổ nhiệm để chống chạy chức chạy quyền.
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí hôm 8/1/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng:
“Tôi thấy đề nghị này tương đối hợp lý. Bởi vì khi bổ nhiệm một cán bộ đến vị trí mới, thì việc có những sản phẩm cụ thể hoặc những thành tích cụ thể phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của vị trí công tác mới là một căn cứ rất quan trọng, để chứng tỏ người này phù hợp với vị trí đó. Như chúng ta đã biết, thời gian vừa qua có rất nhiều cán bộ được bổ nhiệm vào những vị trí, mà chẳng liên quan gì đến chuyên môn nghiệp vụ của họ cả.”
Khi bổ nhiệm một cán bộ đến vị trí mới, thì việc có những sản phẩm cụ thể hoặc những thành tích cụ thể phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của vị trí công tác mới là một căn cứ rất quan trọng, để chứng tỏ người này phù hợp với vị trí đó.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Vì thế Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cho rằng, đề xuất này có ý nghĩa tích cực, góp phần bảo đảm cho việc cán bộ sẽ đảm nhận được vị trí mà họ được bổ nhiệm. Tuy nhiên trước những lo ngại sẽ có những ưu tiên bổ nhiệm liên quan người có công, ông Trí nói tiếp:
“Trước đây chúng ta cứ quen kiểu đãi ngộ người có công, ví dụ như là con em của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh liệt sĩ… khi thi đại học sẽ được cộng thêm điểm… việc này nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thực ra nó không hợp lý. Bởi vì người ta thi vào đại học là để học; hoặc người ta được bổ nhiệm vào để làm công việc ở vị trí đó, chứ không phải là một hình thức để đãi ngộ.”
Thay vào đó theo ông Trí, có thể đãi ngộ bằng vật chất, ví dụ như danh hiệu hoặc tặng nhà tình nghĩa hay cho một khoản tiền phụ cấp theo chế độ quy định… Ông Trí cho rằng, đã là làm việc thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của các vị trí đó, chứ không nên du di.
Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 8/1/2024 khi nhận định với RFA cho rằng cần phải có tiêu chí cụ thể:
“Tôi cho rằng đề xuất về lý là có lý, tức là cũng phải chứng tỏ được năng lực của mình bằng những việc đã giải quyết, có liên quan đến cương vị sẽ được bổ nhiệm. Đó là chủ trương, là một ý tưởng… nhưng rất cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể, để đánh giá như thế nào là những nhiệm vụ đã thực hiện, theo hướng của cương vị sẽ được bổ nhiệm với mức độ a, b, c… Tức là tính ra bằng những thang điểm, từ đó mới biết được thang điểm thế nào là tốt nhất, thang điểm thế nào là tốt và thang điểm thế nào là trung bình…”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, xác định phải đến mức như vừa nêu thì lúc bấy giờ chủ trương này mới có hiệu quả thực tế. Chứ nếu chỉ là chủ trương và sau đó cũng chỉ ban hành ra như một chủ trương, rồi đánh giá một cách định tính thì theo ông Võ chắc chắn sẽ không có hiệu quả gì được gọi là đáng kể.
Đó là chủ trương, là một ý tưởng… nhưng rất cần phải đưa ra các tiêu chí cụ thể, để đánh giá như thế nào là những nhiệm vụ đã thực hiện, theo hướng của cương vị sẽ được bổ nhiệm với mức độ a, b, c…
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Cựu Trung tá Vũ Minh Trí cũng bày tỏ hy vọng đề xuất này sẽ đi vào thực tế chứ không phải chỉ trên giấy như nhiều đề xuất trước đây:
“Từ trước đến nay họ đã đề xuất rất nhiều thứ, nghe thì có vẻ rất hay nhưng có nhiều cái không thực hiện được. Tôi cũng không hy vọng 100% để suất này sẽ thực hiện được, nhưng ít nhất họ đã đề xuất thì đấy là dấu hiệu tích cực. Còn nếu họ không đề xuất gì rồi bổ nhiệm một người không có chuyên môn nghiệp vụ như trường hợp đã từng xảy ra, là bổ nhiệm một bí thư đảng ủy phường, để làm trưởng phòng giáo dục… thì tôi nghĩ sẽ rất khó.”
Cũng liên quan việc bổ nhiệm cán bộ, vào ngày 21/11/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ – Đoàn Hồng Phong khi báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ các cấp, các ngành… nhằm phòng ngừa tham nhũng cho 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời RFA khi đó, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy từng cho rằng:
“Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không giúp làm giảm tham nhũng, mà ngược lại nó có thể sẽ khiến tăng mạnh tình trạng tham nhũng. Đó là vì một cán bộ muốn vào được một cái ghế, anh ta phải bỏ tiền ra lo lót để được ngồi vào cái ghế đó. Khi ngồi vào đó rồi, anh ta sẽ tìm cách thu hồi vốn qua các hoạt động tham nhũng. Khi có chính sách từ cấp trên muốn luân chuyển, anh sẽ tìm cách đút lót cấp trên để khỏi luân chuyển hoặc luân chuyển sang các vị trí tương tự nhằm giữ được thu nhập. Cuối cùng thì chính sách này chỉ làm giàu cho những cấp trên, những người tổ chức cán bộ vốn đưa ra quyết định về việc luân chuyển cán bộ.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn chống tham nhũng thì cần có tự do. Tự do báo chí và truyền thông để vạch tham nhũng. Tự do chính trị để cạnh tranh giữa các đảng phái; đảng đối lập sẽ giám sát đảng cầm quyền; quốc hội sẽ giám sát chính phủ. Tự do bầu cử và ứng cử để gạt bỏ những ứng cử viên tham nhũng và chọn ra những ứng viên có đức và tài. Nhưng trong cơ chế chính trị độc đoán như hiện nay thì ông Vũ cho rằng, nếu thực hiện bất cứ điều nào trong những điều trên, những người cầm quyền lo ngại chế độ sẽ bị lung lay dẫn đến sụp đổ, vì vậy mà họ cứ loay hoay đưa ra những chính sách nhằm khoe mẽ và mị dân nhưng thực chất nó chẳng thể nào giải quyết được vấn đề.