Bảo hiểm xe máy: cần bắt buộc hay nên để tự nguyện?

Bảo hiểm xe gắn máy bắt buộc là một loại giấy tờ không thể thiếu khi tham gia giao thông hiện nay. Đây được coi là loại bảo hiểm bị bắt buộc mua nhưng nhận được quyền lợi bảo hiểm thì vô cùng khó khăn.

Từ nhiều năm qua, bảo hiểm xe máy (có tên gọi bảo hiểm trách nhiệm dân sự) là loại bảo hiểm bắt buộc dành cho chủ xe gắn máy theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Thông tư số 151/2012 của Bộ Tài Chánh quy định mức phí bảo hiểm là 66.000 đồng một năm cho xe máy trên 50 phân khối và 55.000 đồng cho xe dưới 50 phân khối. Vì là bảo hiểm bắt buộc nên nếu người điều khiển xe không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Đây là loại bảo hiểm mà tiền thì có đóng nhưng không nhận được đồng nào hết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, vì thủ tục nó khó lắm. Mình làm trong ngành bảo hiểm mình biết mà. Dân Việt Nam mua bảo hiểm xe gắn máy mà được bồi thương là chuyện không có. Đừng nằm mơ. – Ông Huỳnh Phi

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm đối với chủ xe máy. Lý do được VCCI đưa ra là việc này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi tỷ lệ chi trả quá thấp. Việc mua bảo hiểm xe máy sẽ dựa trên sự tự nguyện. Đề xuất này được nhiều người đồng tình.

Ông Huỳnh Phi, một đại lý kinh doanh bảo hiểm, nói với cho RFA sáng 9/11/2022:

Đây gọi là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc. Nếu không mua bảo hiểm đó mà công an hỏi không có coi như mình vi phạm quy định, sẽ bị phạt tiền. Đây là loại bảo hiểm mà tiền thì có đóng nhưng không nhận được đồng nào hết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, vì thủ tục nó khó lắm.

Mình làm trong ngành bảo hiểm mình biết mà. Dân Việt Nam mua bảo hiểm xe gắn máy mà được bồi thương là chuyện không có. Đừng nằm mơ.

Nó vẫn có quy định bồi thường nhưng thủ tục nó rất nhiêu khê, rắc rối. Ví dụ sẽ bồi thường khi tai nạn xảy ra nếu có biên bản của công an. Mà kêu công an tới có khi nó giam luôn hai chiếc xe lại thêm phiền phức. Thôi thà hai bên tự thương lượng với nhau. Chính vì thế mà hãng bảo hiểm nó lời khủng khiếp. Chỉ có Nhà nước mới được mở những hãng bảo hiểm đó thôi.

Chuyện này xảy ra nhiều năm rồi nhưng không vị nào dám nói vì đụng tới chén cơm của mấy “đại ca” là mấy tập đoàn của nhà nước. Mấy vị ngồi trong Quốc hội thì gật cho nó xong chứ có ai đứng lên bảo vệ quyền lợi người dân đâu.”

Tất cả các công ty được bán bảo hiểm xe máy bắt buộc đều của Nhà nước, bao gồm Bảo hiểm Petrolimex (PJICO); Bảo hiểm Bảo Việt; Bảo hiểm Bưu điện (PTI); Bảo hiểm Bảo Minh; Bảo hiểm Quân đội (MIC); Bảo hiểm PVI.

2003-01-17T000000Z_999041993_RP3DRINYSTAA_RTRMADP_3_LIFE-VIETNAM-HELMETS.JPG
Ảnh minh họa một trường hợp CSGT dừng người đi xe máy trên đường. Reuters

Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật giao thông đường bộ quy định chủ xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và phải mang theo bảo hiểm khi đi đường. Vì vậy, việc mua bảo hiểm được coi là để bảo đảm điều kiện tham gia giao thông chứ không mang nhiều ý nghĩa về bảo hiểm.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện nay xe gắn máy rất nhiều và giá cả không cao như trước. Nếu có tai nạn xảy ra thì giá trị bồi thường không xứng đáng với công sức người được bảo hiểm phải bỏ ra để thu gom đủ giấy tờ đáp ứng cho công ty bảo hiểm. Đó là lý do người dân không gọi công ty bảo hiểm mà tự giải quyết với nhau. Vậy không có lý do gì bắt dân phải mua bảo hiểm như một hình thức đối phó cả. Luật sư Nguyễn Văn Hậu kết luận:

“Theo tôi, khi xảy ra tai nạn thì giá trị bồi thường không bao nhiêu. Cho nên theo quan điểm của tôi, nên bỏ loại hình bảo hiểm đó đi vì nó chỉ là hình thức, bắt buộc như vậy gây khó cho dân. Chỉ nên giữ lại bảo hiểm xe ô tô thôi.”

Tháng 9 vừa qua, khi trả lời cử tri về kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giữ quan điểm duy trì thực hiện việc bảo hiểm bắt buộc với xe máy. Theo ông Hồ Đức Phớc, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội.

Lợi ích cho cộng đồng từ loại bảo hiểm này không đáng kể so với số tiền cả xã hội phải bỏ vào. Tôi dám chắc, nếu hỏi 100 người thì cả 100 người đều nói từ hồi đó đến giờ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được bồi thường cả. Họ mua là để đối phó thôi. Tôi nghĩ có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong này nó mới duy trì lâu như thế. – Ông Đức

Ông Đức, một người dân TP.HCM cho RFA biết quan điểm của ông:

Bảo hiểm xe máy ở Việt Nam, nếu đòi được tiền bảo hiểm thì rất nhiêu khê bởi thủ tục rườm rà, mất thời gian. Thậm chí kẽ hở pháp luật đã tạo cho các công ty bảo hiểm có điều kiện làm khó người được bảo hiểm. Người dân đâu có muốn mua loại bảo hiểm này nhưng nó là bắt buộc nên không mua thì bị cảnh sát giao thông phạt. Nó là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi trình cho cảnh sát giao thông.   

Lợi ích cho cộng đồng từ loại bảo hiểm này không đáng kể so với số tiền cả xã hội phải bỏ vào. Tôi dám chắc, nếu hỏi 100 người thì cả 100 người đều nói từ hồi đó đến giờ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được bồi thường cả. Họ mua là để đối phó thôi. Tôi nghĩ có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong này nó mới duy trì lâu như thế.”

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết tháng 9 năm 2022, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6.5 %, tăng 14.6% so với cùng kỳ năm ngoái, bồi thường 562 tỷ, tỷ lệ bồi thường 17.4%.  

Trong khi đó, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 9.819 tỷ đồng, tăng 18.0 % so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19.7%, bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56.7 %.

Nhận định của giới hiểu rõ vấn đề nêu rằng nếu Nhà nước bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc thì các công ty bảo hiểm Nhà nước không còn độc quyền bán sản phẩm này. Khi đó sẽ có sự cạnh tranh giữa các công ty và quyền lợi khách hàng sẽ được tăng lên. Đó là quy luật kinh doanh lành mạnh của thị trường.

Related posts