Báo Pháp Lemonde: Vụ tấn công vũ trang ở Đắk Lắk làm dấy lên ‘bóng ma xung đột sắc tộc’

Vụ xả súng vào hai trụ sở UBND xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/ 6 đã thu hút sự chú ý từ nước Pháp. Tờ báo Le Monde, với hàng triệu độc giả tại Pháp ở trong nước chưa kể hải ngoại, bình luận hôm 20/6/2023 rằng, vụ tấn công vũ trang làm thiệt mạng nhiều người và khiến nhiều người bị bắt giữ ở Tây Nguyên Việt Nam, là một sự kiện ‘gây sốc’, ‘hiếm hoi’ xảy ra ở quốc gia dưới sự cầm quyền của chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và đã làm dấy lên điều mà nhật báo này gọi là ‘bóng ma xung đột sắc tộc.’

Những người tấn công từ các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên đã giết chết các quan chức của Đảng Cộng sản ở hai thị trấn và phóng hỏa công sở trước khi bị bắt giữ bởi một chiến dịch phối hợp chung của quân đội và cảnh sát,” tờ Le Monde hôm 20/6 viết.

“Ở quốc gia cộng sản Việt Nam, các cuộc tấn công vào các cơ quan đại diện của Đảng Cộng sản hiếm đến mức cuộc tấn công vũ trang kép vào chủ nhật, ngày 11 tháng 6, nhằm vào trụ sở các ủy ban nhân dân ở hai xã thuộc khu vực cao nguyên và các cơ quan công an liền kề, đã gây ra một cú sốc. Chín người đã thiệt mạng trong những hành động này, cơ sở bị đốt cháy. Các nhà chức trách đã triển khai một lực lượng quân đội và cảnh sát đông đảo, dẫn đến việc bắt giữ 50 người (con số này đã tăng lên nhiều) cho đến nay.”

Vẫn theo tờ báo hàng đầu được nhiều bạn đọc thuộc đông đảo các giới quan tâm ở Pháp, mười ngày sau sự kiện, vẫn còn câu hỏi chưa có lời đáp về ‘động cơ thực sự’ của các cuộc tấn công.

Trong khi báo chí chính thống chủ yếu đưa tin về việc bắt giữ những người tấn công, cơ quan kiểm duyệt của chính quyền đang theo dõi sát sao với cả trăm người đã bị phạt vì chia sẻ “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội. Những người tấn công được Bộ Công an mô tả là “có tổ chức, hung bạo, táo bạo, man rợ và vô nhân đạo.

Đây là chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam: hai xã có liên quan, Ea Ktur và Ea Tiêu, nằm ở tỉnh Đắk Lắk, vùng núi cao nguyên Trung phần, cao nguyên có dân tộc thiểu số sinh sống trong một thời gian dài mà không chịu được sự áp đảo hiện nay bởi sự thống trị của người Việt đến từ đồng bằng – nhóm dân tộc đa số (được gọi là “Kinh”) chiếm tới 85% trong tổng số (trên) 97 triệu người Việt Nam. Đó là ‘xứ sở sơn cước’ Nam Đông Dương xưa, với những dân tộc được người Pháp và người Mỹ truyền đạo,” tờ báo Pháp được thành lập từ cuối Thế chiến II, viết.

Vẫn theo Le Monde, kể từ khi thống nhất, vào năm 1976, dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản, chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam “đã bị cáo buộc đàn áp các nhóm sắc dân này, những người đã từng chiến đấu với họ trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ hay Campuchia”.

‘Cướp đất và bất bình’

Và theo Le Monde, đã có những điều mà báo này gọi là bất bình xảy ra trong những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên trước chính quyền, mà có nguyên nhân từ việc được tờ báo gọi là ‘cướp đất’, Le Monde viết:

“Những bất bình của họ, trong những đợt bùng phát bạo lực hiếm hoi hoặc các cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, liên quan việc chiếm đoạt đất đai hoặc rừng của họ, suy thoái môi trường và tấn công quyền tự do tín ngưỡng.

Ít nhất một cuộc biểu tình của dân làng vào ngày 20 tháng tư, trong cùng huyện xảy ra các cuộc tấn công trên, đã được các hiệp hội lưu vong để bảo vệ quyền của “người Thượng” đưa tin, sau khi có việc xả nước thải vào một hồ nước, và những người biểu tình đã bị đánh bằng dùi cui điện khiến bảy người bị thương, theo tổ chức phi chính phủ ‘True Voice of Dega’ ở Hoa Kỳ.”

Hôm 21/6/2023, từ Paris, ông Menras André Marcel, người có song tịch Pháp – Việt và có tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, cựu giáo chức, nhà làm phim tài liệu và nhà quan sát nhân quyền Việt Nam, bình luận trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về bài báo trên tờ Le Monde nói trên về vụ nổ súng tại huyện Cư Cuin, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam, mà tới hôm thứ Ba theo truyền thông Việt Nam đã có ‘74 người bị bắt giữ cùng 15 khẩu súng bị thu’. Ông nói:

“Tôi nghĩ mặc dù Le Monde không phải là cơ quan phát ngôn quan điểm chính trị của tất cả mọi người (ở Pháp), bài báo được Le Monde đăng tải đã hướng sự chú ý của quốc tế vào một chủ đề về Việt Nam, mà không phải chỉ là một biến cố, mà còn là một bi kịch, một bi kịch theo tôi đã có chiều kích quốc tế.

Một mặt, mặc dù cá nhân tôi không đồng ý và không chia sẻ với bất cứ hành vi, hành động bạo lực nào, mà tôi cho rằng khó có thể biện minh, bạo lực không phải là triết lý của cá nhân tôi, nhưng mặt khác tôi cũng cho rằng chẳng có gì mà lại đến từ hư vô.

Nếu trong biến cố này, hành động bạo lực đã xảy ra như với một sự bùng nổ và bạo hành, thì theo tôi nó có thể có những nguyên nhân mà đã bị che đậy trong nhiều thập niên bởi những nỗi đau, bởi những hành động cướp đất và làm nhục mà những cộng đồng bản địa đã phải chịu đựng, đến mức mà người ta tự hỏi là liệu còn có thể chịu đựng, hay tha thứ được nữa và ở đâu, hay đến mức mà người ta đã thất vọng tràn trề, và đó theo tôi đó có thể là những động lực của động cơ.”

eakturdaklak2023ttxvn.jpeg
Hiện trường vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Hình: TTXVN via Chính Phủ

‘Không thể biện minh, nhưng có nguyên nhân cội rễ’

Tiếp tục phân tích về sự kiện mà ông gọi là “bi kịch” vừa diễn ra ở Tây Nguyên, ông Menras André Marcel nói tiếp:

“Hành động quá khích này có thể là sự biểu đạt của những nỗi đau khổ không thể chịu đựng được hơn nữa, và qua đó, có thể người ta muốn nói trong cách thức bùng nổ và bạo hành một thông điệp rằng ‘chúng tôi không tán thành!”

Vẫn theo ông Marcel, nếu hành vi bạo hành một mặt là không thể biện minh, thì mặt khác nó lại có thể giải thích và hiểu được bởi sự thể của những đau khổ mà những cộng đồng sắc tộc bản địa này đã phải chịu đựng trong suốt nhiều thập niên.

Ông nói tiếp:

Một người bạn của tôi, nhà văn Nguyên Ngọc, người đã rất gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đã nghe thấy người dân ở đây nói rằng trong suốt hết năm này qua năm khác, những quyền sinh sống giản dị của những người sắc dân bản địa ở trên quê cha đất tổ, trên mảnh đất ngàn đời sinh sống, canh tác, nơi mà văn hóa của họ cắm rễ, đã bị vi phạm, đã bị cướp đi.

Và tôi nghĩ như thế những người dân bản địa ấy thấy rằng không thể chịu đựng được mãi, và tới một ngày sẽ dẫn tới một điểm đứt gãy, bùng nổ, và khi điểm ấy xảy ra rồi, thì tôi lại tin rằng nếu chính quyền Việt Nam từ Hà Nội lại vin vào đó tăng cường việc bắt bớ, tăng cường siết chặt thêm an ninh, và đẩy mạnh thêm nữa sự kiểm soát vốn đã ngặt nghèo ở đó, thì những điều đó lại dẫn đến những điểm đứt gãy, bùng nổ nữa ở các cư dân bản địa, đồng bào sắc dân bị cho là ‘thiểu số’ ở đó mà thôi.

Vì sao? Vì điều ấy là hợp quy luật thôi và không thể tránh khỏi, bởi vì con người ta không phải là những con cừu, thành ra nói tóm lại, trong khi bạo lực, bạo hành không phải là triết lý của tôi, thì trong bi kịch này đã có những lý do xã hội và chính trị của nó, và thậm chí với tôi, chính những nguyên nhân chính trị, xã hội này mới là chính yếu, then chốt, chứ không phải là lý do sắc tộc,”.

Related posts