Bắt tạm giam Tiến sĩ luật tham gia livestream của bà Nguyễn Phương Hằng

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, người đã tham gia các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, vừa bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. 

Báo Nhà nước vào tối ngày 24/2 cho biết ông Quân, giảng viên Trường đại học Luật TPHCM, bị bắt với vai trò là đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt giam vào ngày 24/3/2022 để điều tra với cùng tội danh giống như của ông Quân. 

Kết luận điều tra của cơ quan công an xác định bà Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, YouTube và TikTok tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet tại TP.HCM để xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của tám cá nhân trong đó có nhà báo Hàn Ni là người vừa bị bắt giam vào ngày 24/2 với cùng tội danh.

Theo cơ quan điều tra, trong các lần bà Hằng livestream nói về ca sĩ Vy Oanh, nghệ sĩ Hoài Linh, có mặt hai khách mời là ông Quân và luật sư Nguyễn Đình Kim, hai chuyên gia luật này bị cho là đã có phát ngôn “không chuẩn mực” về các bị hại. Ông Quân tham gia livestream 11 buổi (từ tháng 10/2021 đến 3/2022).

Trước khi bị bắt, các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng thường hu hút hàng trăm ngàn người theo dõi mỗi buổi. Đáng chú ý là một buổi livestream vào ngày 14/11/2021 khi bà Hằng và những khách mời của buổi này trong đó có Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân đã “đổ đồng” báo chí cách mạng với báo chí phản động vì đã chỉ trích bà Hằng.

Phát biểu trong buổi livestream này, ông Quân nói:

Chúng ta đề cập tới khái niệm truyền thông ở đây là truyền thông bẩn, báo chí là loại báo chí bẩn. Tức là bản thân tờ báo thì có thương hiệu và tờ báo không có lỗi mà vấn đề là nhà báo biến chất làm việc cho tờ báo đó mới là người có vấn đề.”

“Tức là họ lợi dụng chức vụ và công việc tại tờ báo đó cùng với thành phần biên tập đưa lên bài viết đó chứ bản thân tờ báo đó là đúng. Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, giúp cho nhân dân hiểu về đường lối chính sách của Đảng, giúp người dân hiểu về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cho nên chỉ có một số nhà báo bẩn mới đi xuyên tạc đả kích các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn. Cho nên chúng ta phải hiểu đúng và đừng qui kết “các tờ báo”.

Những phát ngôn về “báo chí cách mạng” trong livestream này sau đó đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Cũng liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, hồi tháng 12 năm ngoái, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở đối với ba người khác là : Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam) và Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).

Cả ba người đều bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Related posts