Nhóm bạn lần theo dấu vết của blogger Đường Văn Thái vào chiều 13/4, phát hiện một đoạn băng hình từ camera an ninh chứa các tiếng động lớn và tiếng la thất thanh của ông trước khi mất tích ở Thái Lan.
Ông Đường Văn Thái, 41 tuổi, chạy sang Thái Lan vào tháng 2/2019 và được cấp quy chế tị nạn bởi Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) ở Bangkok. Ông bị mất liên lạc với bạn bè từ chiều ngày 13/4, và vài hôm sau, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin ông bị công an xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt giữ khi nhập cảnh trái phép từ Lào vào địa phương này.
Tuy nhiên, nhóm bạn thân của ông Thái cất công điều tra vụ việc bằng cách thu thập thông tin từ các camera trong khu vực, có sự cho phép của cảnh sát địa phương, và phát hiện nhiều điều bất ngờ.
Ông Đoàn Huy Chương, cựu tù nhân lương tâm hiện đang sống tị nạn tại Thái Lan, là một thành viên trong nhóm điều tra đã đến nơi blogger ở trọ, các đoạn đường đã đi qua và nơi có thể đã diễn ra vụ bắt cóc vào chiều tối hôm đó. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 24/4 như sau:
“Điều tra những cái camera lần cuối cùng (cho thấy) anh Thái mất tích là vào (giữa khoảng thời gian từ) 6 giờ 3 phút đến 6 giờ 7 phút trên một đoạn đường Lamphu của tỉnh Pathum Thani giáp với Bangkok.”
Ông Chương cung cấp cho RFA một đoạn video dài khoảng năm phút từ camera an ninh của nhà dân quay hướng ra đường bắt đầu từ 18 giờ 6 phút cho thấy, nhiều tiếng động lớn cùng tiếng hét thất thanh, ngắt quãng trong khoảng 30 giây đến một phút nhưng không ghi lại được hình ảnh bắt cóc, đoạn đường ít xe cộ và người qua lại.
Ông Chương và nhóm bạn khẳng định, tiếng la đó chính là của Đường Văn Thái. Ông nói:
“Nghe được tiếng la hét của anh Thái, và chúng tôi có hỏi thăm người dân thì họ nói chiều hôm đó có hai chiếc xe hiệu Mitsubishi chặn hai đầu và bắt một người đưa lên xe. Người ta (nạn nhân- PV) la hét rất là lớn nhưng không có ai đến giúp đỡ. Hôm đó là ngày đầu tiên của Tết Thái (13/4- PV).
Họ chỉ nói là hôm đó bắt một người nam bỏ lên xe rồi họ (nhóm bắt cóc- PV) lấy luôn chiếc xe Honda và đến chiếc dép rớt lại (của nạn nhân- PV) họ cũng lượm luôn.”
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đến tận nơi được cho là nơi ông Đường Văn Thái bị đặc vụ chính phủ Việt Nam bắt cóc. Ông nói qua tin nhắn với phóng viên:
“Người dân trong khu vực chứng kiến cảnh hai ô tô màu trắng chắn ngang đường và nghe thấy tiếng kêu cứu của một người nào đó vào thời điểm đó vào tối 13/4. Lúc đó, ông Đường Văn Thái và chiếc xe máy đã biến mất.
Ngoài ra còn có đoạn phim CCTV (camera an ninh-PV) trong đó có thể nghe rõ tiếng la hét của một cá nhân mặc dù đoạn video không cho thấy vụ bắt cóc thực sự.”
Trong khi đó, hai đoạn video từ camera an ninh khác ở gần Đại học công nghệ Rajamangala Thanyaburi quay lại cảnh khi ông Thái từ chỗ live stream ra về, dường như có hai xe máy với bốn người lạ mặt bám sát theo ông để theo dõi.
Ông Phil Robertson cho biết thêm, đơn khiếu nại về người mất tích đã được gửi tới đồn cảnh sát Thayanaburi, nơi xảy ra vụ việc bắt cóc, tuy nhiên cho đến nay “cảnh sát Thayanaburi dường như chưa làm được gì nhiều để theo dõi khiếu nại, và rõ ràng chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục điều này và làm nhiều hơn nữa,” đại diện tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói, đồng thời cho rằng việc một người đàn ông bị bắt cóc trong một cộng đồng dân cư “chỉ có thể được gọi là một hành động ngược đãi nhân quyền trắng trợn và chính quyền Thái Lan nên tìm hiểu tận cùng vấn đề này và báo cáo những gì họ tìm thấy.”
Cũng theo ông này, có khả năng có đoạn phim mà camera an ninh có thể thu được về vụ bắt cóc, đòi hỏi cảnh sát đến gặp các chủ cửa hàng tư nhân để yêu cầu sự hợp tác, đồng thời có những nhân chứng của vụ bắt cóc nên được phỏng vấn sớm nhất.
Thông tin cho cộng đồng quốc tế
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt ở Thái Lan nhiều năm qua, cho biết trong cuộc họp báo quốc tế tổ chức bởi Dự án 88 và Theo dõi Nhân quyền (HRW) ở Bangkok ngày 21/4 để công bố một báo cáo nhân quyền khác, bà đã công bố những tư liệu thu thập được của nhóm về vụ mất tích của blogger Đường Văn Thái.
Nhiều hãng truyền thông quốc tế quan tâm đến vụ việc của blogger người Việt và hỏi bà thêm thông tin, bà nói lại với RFA.
Theo The Bangkok Post, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã liên lạc với nhà chức trách Việt Nam để hỏi về Đường Văn Thái nhưng không nhận được phản hồi. Báo này cũng gọi điện cho Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng cũng chỉ nhận được sự im lặng.
Trong khi đó, văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) ở Bangkok hôm 24/4 gửi email phản hồi RFA về vụ việc nghi bị bắt cóc của ông Đường Văn Thái, nói rằng họ không thể bình luận về các chi tiết hoặc thậm chí xác nhận sự tồn tại của các trường hợp riêng lẻ vì lý do bảo mật.
Tuy nhiên, bà Morgane ROUSSEL-HEMERY – Phó Giám đốc Quan hệ Đối ngoại thuộc văn phòng UNHCR ở Thái Lan lưu ý rằng, sự an toàn về thể chất và an ninh của người tị nạn trên toàn cầu chủ yếu là trách nhiệm của các quốc gia chủ nhà.
Theo đó, UNHCR hỗ trợ các nước sở tại đảm bảo rằng những người tị nạn có thể được hưởng các quyền của họ khi sống lưu vong, bao gồm quyền được sống và an ninh cá nhân.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam nói gì?
Ba ngày sau khi ông Đường Văn Thái mất tích ở Bangkok, nhiều tờ báo được kiểm soát bởi Ban Tuyên giáo Trung ương đồng loại đưa tin ông bị bắt khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong ngày 14/4.
Việc đưa tin đồng loạt này rất bất thường vì việc nhập cảnh bất hợp pháp của công dân Việt Nam chỉ là vi phạm hành chính.
Trong vài ngày gần đây, một số báo tiếp tục đăng tin về Đường Văn Thái với nội dung bôi nhọ nhà báo tự do này, nói rằng ông chuyên đưa những tin không đúng sự thật và có mục đích nói xấu lãnh đạo đảng và Nhà nước trên kênh YouTube với hơn 800 video và gần 120.000 người theo dõi.
Báo Bình Phước Online của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bình Phước ngày 21/4 còn phê phán RFA và nhiều báo chí nước ngoài và báo chí độc lập “khóc thuê” cho Đường Văn Thái và “võ đoán” về vụ bắt cóc ở Thái Lan giữa tháng tư.