Blogger Nguyễn Tường Thuỵ của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cùng hai nhà hoạt động khác và Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao Giải thưởng Nhân quyền 2022 vì những đóng góp của họ cho phong trào dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết như vậy hôm 20/11.
Ngoài ông Thuỵ, những cá nhân khác được nhận giải bao gồm: nhà thơ Trần Đức Thạch, ông Lưu Văn Vịnh.
Tất cả những người được trao giải năm nay là tù nhân lương tâm, đang thi hành án tù dài hạn. Ông Nguyễn Tường Thuỵ (72 tuổi) đang thi hành án tù 11 năm về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước.” Nhà thơ Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bao gồm ông Lưu Văn Vịnh và các ông Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc Hoàn, và Phan Trung. Tất cả đều bị kết án cùng tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” trong một phiên tòa tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2018 với án tù từ tám đến 15 năm.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với RFA từ California:
“Họ đã đấu tranh xả thân vì vấn đề nhân quyền và dân chủ. Thi sỹ Trần Đức Thạch và nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ dùng ngòi bút để diễn tả một cách bất bạo động ước vọng của họ. Ông Lưu Văn Vịnh và các bạn trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết hoạt động để kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân để người dân có toàn quyền lựa chọn thể chế chính trị mà họ muốn.”
Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, những người được chọn trao giải năm nay nằm trong số 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói với RFA:
“Mục đích của Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam trước hết là để vinh danh những đóng góp của những người hoạt động nhân quyền Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là phương cách để nuôi dưỡng và động viên tinh thần cho những người đang và sẽ dấn thân vì sứ mệnh cao cả đó.”
Ông Nguyễn Tường Thuỵ là một trong những người sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam năm 2014. Ông được bầu là Phó chủ tịch của tổ chức này cho đến khi bị bắt vào tháng 5/2020.
Đầu năm 2021, trong một phiên toà kéo dài một ngày, ông cùng Chủ tịch Hội là ông Phạm Chí Dũng và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn của trang Việt Nam Thời báo bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước.”
Blogger Nguyễn Tường Thụy là người viết blog thường xuyên cho RFA về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, và xã hội.
Ông Trần Đức Thạch, 70 tuổi, là sỹ quan quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975.
Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020. Năm 2020, ông bị bắt với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền” và sau đó bị kết án 12 năm tù giam và ba năm quản chế.
Ông Lưu Văn Vịnh, 55 tuổi, tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông năm 2011. Ông bị bắt vào tháng 11/2016 và sau đó bị kết án 15 năm cùng bốn người khác trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết trong một phiên tòa năm 2018.
Nhóm Công tác về Bắt giữ Tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc đã có các báo cáo xác định việc bắt giữ và kết án các ông Nguyễn Tường Thuỵ, Trần Đức Thạch và Lưu Văn Vịnh vi phạm luật pháp Việt Nam và các luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết và phê chuẩn.
Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại Đức nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2022.